Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có Công điện gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về chủ động phòng chống, ứng phó cơn bão số 2.
Những sân bay nào sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 2?
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm cảnh báo thời tiết (MWO), vào hồi 07 giờ ngày 22/7, tâm bão ở trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) cách sân bay Vân Đồn khoảng 270km, Cát Bi khoảng 310km, bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây Bắc, 10-15km/h đi vào vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây- Tây Bắc, khoảng 5 km/h, đi vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp (dưới cấp 6).
Các Cảng hàng không dự kiến trong khu vực ảnh hưởng là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; khuyến cáo mưa, dông đối với các Cảng hàng không quốc tế: Cát Bi, Nội Bài và Cảng hàng không Thọ Xuân.
(Đường đi của cơn bão số 2, bản tin phát hồi 12h15 phút ngày 22/7/2024. Nguồn: nchmf.gov.vn).
Để chủ động ứng phó với bão số 2, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục HKVN yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2 để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Đồng thời cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Đối với các Cảng vụ hàng không, Cục HKVN yêu cầu các Cảng vụ giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cục HKVN và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.
Gần 4.000 du khách mắc kẹt do bão số 2, khách sạn ở Cát Bà hỗ trợ giảm giá 50%
Chiều 22-7, trao đổi với PLO, đại diện lãnh đạo huyện Cát Hải (Hải Phòng) cho biết, tính đến 15 giờ cùng ngày, còn 3.885 du khách lưu trú tại đảo Cát Bà. Trong đó có 435 khách du lịch quốc tế, 3450 khách du lịch trong nước.
Nhiều du khách đã lên đường rời đảo từ sáng nhưng không thể qua phà, mắc kẹt tại đảo.
Nhiều du khách trên đảo Cát Bà không thể về đất liền do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ảnh: XUÂN THUỶ
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng đã phát đi thông báo việc đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo từ 12 giờ ngày 22-7.
Theo đó, từ 12 giờ, phà chở khách cũng như cáp treo đã dừng hoạt động, du khách không thể về đất liền.
Để hỗ trợ du khách, UBND huyện Cát Hải cũng đã có thông báo, đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.
Theo ông Phạm Thế Anh, Phó chủ tịch cộng đồng du lịch Cát Bà, tính đến thời điểm này, đã có hơn 30 khách sạn, cơ sở lưu trú thông báo giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ để hỗ trợ du khách bị kẹt lại do ảnh hưởng của bão số 2.
‘Việc giảm giá dịch vụ phòng là sự đồng lòng của cộng đồng du lịch Cát Bà, mong muốn hỗ trợ du khách một cách tốt nhất, để du khách luôn nhớ tới Cát Bà "Đảo Ngọc tình người" – ông Thế Anh cho biết.
Giả mạo văn bản "tăng lương hưu, hủy sổ bảo hiểm"
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa phát cảnh báo tới các tỉnh thành về việc kẻ gian giả mạo công văn của cơ quan này để lừa đảo.
Theo đó hôm 19/7, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương nhận được văn bản số hiệu 2133 ban hành ngày 1/7 gửi đến email một trường tiểu học trên địa bàn, nội dung là "điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng" và "hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp".
Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành, người dân được yêu cầu khẩn trương cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo hướng dẫn bằng thiết bị di động cá nhân để được nhận đầy đủ thông tin và quyền lợi về sau.
Giao diện ứng dụng VssID. Ảnh: Khương Nha
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định thông tin này là giả mạo, kẻ gian đã lập app để đánh cắp thông tin lẫn tài khoản cá nhân người truy cập, gây thiệt hại tài chính, ảnh hưởng uy tín ngành. Công văn số hiệu 2133 cơ quan này ban hành là về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7.
Cơ quan này yêu cầu Bảo hiểm xã hội địa phương phát cảnh báo tới người dân, lao động cả nước nâng cao cảnh giác, tránh bị chiếm đoạt tài sản; chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam qua hệ thống riêng hoặc hệ thống bưu cục Trung ương.
VssID là ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, hiện có hơn 10 triệu lượt người dùng.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 khoảng 99,4%, cao nhất 10 năm qua
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm nay khoảng 99,4%.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%.
Tuy nhiên, ông Chương cho hay đây chưa phải con số cuối cùng, bởi thí sinh vẫn còn thời gian nộp đơn phúc khảo điểm thi đến hết ngày 26/7. Song, mức độ thay đổi thường không đáng kể.
Trước đó, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với hơn 1 triệu thí sinh tham gia, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trên cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó, có 26 thí sinh bị đình chỉ thi (9 thí sinh sử dụng tài liệu và 17 thí sinh sử dụng điện thoại di động).
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có 585 bài thi bị điểm liệt (mức điểm từ 1 trở xuống). Trong đó, điểm liệt nhiều nhất ở môn tiếng Anh, xếp thứ 2 là môn Địa lý.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế.
Cụ thể, theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có 76 bài thi môn Toán bị điểm liệt, trong đó 14 bài thi 0 điểm.
Ở môn Văn, có 68 bài thi dính điểm liệt, trong đó 29 bài thi 0 điểm.
Ở môn tiếng Anh, có 145 bài thi bị điểm liệt, trong đó số bài thi 0 điểm là 14.
Ở môn Vật lý, có 56 bài thi bị điểm liệt, trong đó 11 bài bị 0 điểm.
Ở môn Hóa học, có 24 bài thi bị điểm liệt, trong đó 18 bài thi 0 điểm.
Ở môn Sinh học, có 56 bài thi bị điểm liệt, trong đó 42 bài thi 0 điểm.
Ở môn Lịch sử, có 33 bài thi bị điểm liệt, trong đó 19 bài thi 0 điểm.
Ở môn Địa lý, có 94 bài thi bị điểm liệt, trong đó 76 bài thi 0 điểm.
Ở môn Giáo dục công dân có 33 bài thi bị điểm liệt, trong đó 32 bài bị 0 điểm.
Điểm xét tốt nghiệp THPT được tính như sau: - Đối với học sinh THPT, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính: ĐXTN = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên. Trong đó: + Tổng điểm 4 bài thi bao gồm: Toán + Văn + Anh + điểm trung bình của bài thi tổ hợp; + Điểm trung bình cả năm lớp 12: Được tính bằng công thức (ĐTB kỳ 1 + ĐTB kỳ 2×2)/3; + Điểm ưu tiên gồm: Điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực. - Đối với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, công thức tính ĐXTN như sau: ĐXTN = {(Tổng điểm 3 bài thi tốt nghiệp THPT/3 + tổng điểm khuyến khích/4) x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên. Trong đó, tổng điểm 3 bài thi bao gồm: Toán + Văn + điểm trung bình của bài thi tổ hợp. Thí sinh dự thi đủ số môn, không môn nào từ 1 điểm trở xuống và tổng điểm xét từ 5 trở lên sẽ đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp. |