Bệnh nhân H.T.H làm shipper có tới 103 F1, lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Shipper dương tính COVID-19 với lịch trình phức tạp, một huyện giãn cách xã hội
Sáng 15/8, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đã làm việc với UBND huyện Nghi Lộc khi trên địa bàn có 3 ca nhiễm ngoài cộng đồng, có lịch trình di chuyển phức tạp.
Các lực lượng chức năng khẩn trương lấy mẫu các tiểu thương ở chợ đầu mối.
Theo báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc, sau khi có ca mắc, huyện đã kích hoạt kịch bản chống dịch, xuyên đêm truy vết hơn 130 F1. Trong đó, có bệnh nhân H.T.H là shipper (người giao hàng) có tới 103 F1.
Sau khi truy vết, huyện đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và cách ly các đối tượng liên quan. Đồng thời vẽ sơ đồ dịch tễ các địa điểm để rà soát, truy vết bổ sung. Tuy vậy, các ca bệnh có lịch trình đi lại rất phức tạp như: đi giao hàng, chợ đầu mối, sinh hoạt tôn giáo, liên quan đến nhiều xã.
Ông Dương Đình Chỉnh nhấn mạnh, theo điều tra, các ca bệnh của Nghi Lộc có yếu tố dịch tế rất phức tạp, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bởi vậy, nếu không quyết liệt có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị huyện khẩn trương nâng cấp độ phòng chống dịch. Chủ động, quyết liệt, đồng bộ, khoa học và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và dựa vào dân để thành sức mạnh tổng hợp phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó, khẩn trương xây dựng kịch bản theo hướng tăng dần bệnh nhân để chủ động ứng phó.
Phát huy 4 tại chỗ trong chống dịch. Trong đó, cần khoanh vùng rộng, cách ly hẹp, tiếp tục điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tránh bỏ sót các đối tượng liên quan. Xem xét thiết lập các khu cách ly y tế theo quy mô xóm, xã, "ai ở đâu, ở yên đấy". Phát huy hiệu quả của các Tổ truy vết; Tổ lấy mẫu, đặc biệt Tổ COVID cộng đồng trong phòng chống dịch.
Tiếp tục quản lý tốt các trường hợp người trở về từ vùng dịch và chợ đầu mối. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Với diễn biến dịch phức tạp trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với huyện Nghi Lộc từ 12 giờ trưa ngày 15/8.
Trước đó, TP Vinh cũng thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ 0h00 ngày 15/8. Tiếp tục rà soát, khoanh vùng, truy vết đến cùng những người liên quan đến chợ đầu mối.
Diễn biến dịch ở chợ đầu mối phức tạp nên Sở Y tế Nghệ An để nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trên các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp đã buôn bán, đến, trở về từ chợ đầu mối TP Vinh kể từ ngày 31/7 - 14/8. Đồng thời, tổ chức khai báo y tế, điều tra dịch tễ, phân loại đối tượng, cách ly, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo CDC Nghệ An, hiện đã có 6 ca bệnh dương tính liên quan đến chợ đầu mối. Trong đó, TP Vinh 4 ca, thị xã Hoàng Mai 1 ca, Nghi Lộc 1 ca. Hiện, đang có 2 mẫu gộp có kết quả dương tính đang chờ lấy mẫu đơn để chạy xét nghiệm khẳng định lại (2 mẫu gộp lấy cộng đồng và khu vực phong tỏa của Vinh Tân).
Như vậy, trước mắt đã có ít nhất 8 ca dương tính liên quan chợ đầu mối. Dự báo, các mẫu F1, mẫu gộp khu vực phong tỏa, cộng đồng sẽ tiếp tục có các ca dương tính. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn cấp truy tìm người liên quan chợ đầu mối, cách ly chặt chẽ, gấp rút lấy mẫu và điều tra F0 ngay khi test nhanh dương tính hoặc có kết quả PCR sàng lọc nghi ngờ dương tính, truy vết F1, F2 triệt để... để kịp thời ngăn chặn dịch.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Giá vàng trong nước 15/8
Nhờ tăng trong phiên cuối tuần, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM khép lại tuần giao dịch tại 56,55-57,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội đóng cửa tuần giao dịch ở mức giá 56,15-57,70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ cũng tăng mạnh phiên cuối tuần lên 50,50-51,50 triệu đồng/lượng khi chốt phiên.
Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn “đóng băng” tại 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Nhìn lại tuần qua, thị trường trong nước chỉ có hai phiên dao động đáng kể và phiên đầu tuần giảm mạnh và phiên cuối tuần tăng khá theo thị trường thế giới.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng 250 nghìn đồng; Giá vàng Doji giảm 100 nghìn đồng; Vàng 9999 NPQ cũng giảm 100 nghìn đồng mỗi lượng.
Tính tới thời điểm này, giá vàng thế giới quy đổi là 48,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 8,75 triệu đồng/lượng.
(Theo Báo Giao Thông)
Xác minh, xử lý vụ bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu các bệnh viện, phòng khám liên quan báo cáo sự việc để xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử nghiêm theo quy định pháp luật
Trước đó, người nhà ông D. (57 tuổi, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) phản ánh sau khi đi nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị từ chối, ông D.đã mất vào sáng 14-8.
Theo lời bà P., con gái của ông D., khoảng 20 giờ ngày 13-8, ông D. bị nôn, ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được nên người này sau đó được hàng xóm hỗ trợ chở đi cấp cứu. Điểm đầu tiên ông D. đến là Trung tâm y tế TP Dĩ An nhưng nơi này không nhận vì đang điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau đó bà P. tiếp tục đưa ông D. đến Phòng khám Ngọc Hồng nhưng nơi này cũng không nhận. Mọi người tiếp tục chuyển ông D. đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh và cũng không một nơi nào tiếp nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu.
Đáng nói, tại điểm đến thứ 2 là phòng khám Ngọc Hồng, trước khi cho ông D. và chị P. vào cấp cứu, nơi đây bắt buộc phải vào test Covid-19. Ông D. và chị P. phải trả 700 ngàn đồng để test nhanh. Sau đó, khi các nhân viên cho băng ca đưa ông D. vào trong, bác sĩ hỏi có bị bệnh gì trước kia hay không. Sau khi chị P. trình bày, bác sĩ không nhận và chỉ đi bệnh viện khác.
Đến khoảng gần 1 giờ sáng ngày 14-8, khi không nơi nào chịu nhận, mọi người đành phải cắn răng đưa ông D. về phòng trọ. Đến khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, ông D. trút hơi thở cuối cùng.
Chị P. và người thân lo đám tang cho ông D.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng khám tư nhân Nam Anh cho biết khoảng 1 giờ sáng ngày 14-8, có một người đàn ông khoảng 30- 40 tuổi đến gặp bảo vệ phòng khám và hỏi có nhận bệnh nhân không. Tại đây bảo vệ hỏi lại tình hình bệnh nhân thì người này trả lời bệnh nhân bị nôn, ói, liệt nửa người, đã đi 4,5 bệnh viện (trong đó có Bệnh viện Quân y 4) nhưng không nhận nên đến đây hỏi trước để chuyển bệnh nhân đến.
Sau đó bảo vệ trả lời là phòng khám vẫn đang cấp cứu và khám bệnh bình thường, đồng thời tư vấn nếu bệnh nhân nặng thì nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện tỉnh Bình Dương và bảo vệ này đã chỉ đường để người nhà đưa bệnh nhân đi.
Còn theo ông Lê Văn Thệ, Giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, khoảng hơn 10 giờ ngày 13-8, khi test nhanh Covid-19 xong, bác sĩ vô thăm khám thì phát hiện ông D. đã nằm bất động một chỗ, tình trạng khá nặng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có bệnh nền, huyết áp cao. Ở mức độ phòng khám không thể tiếp nhận nên hướng dẫn gia đình chuyển lên tuyến trên.
Cũng theo ông Thệ, hiện phòng khám này đã quá tải, ngoài việc thiếu nhân lực thì trang thiết bị cũng không đủ nên không thể tiếp nhận hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện có hai xe cấp cứu nhưng đã dùng để chuyển bệnh nhân Covid-19 hết rồi.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 thì cho biết khi người nhà đưa ông D. đến, các bác sĩ vừa mới cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến rất nặng. Do đang chuẩn bị khử khuẩn vì mới cấp cứu F0 xong nên không thể tiếp nhận vì sợ lây nhiễm COVID-19 và đã hướng dẫn người nhà chuyển đi bệnh viện khác cấp cứu.
Ông Chiến cũng cho biết thêm hiện tại số ca F0 đang tăng cao, ngay cả bệnh viện liên hệ chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên cũng là một điều hết sức khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa An Phú thì không xác định được bệnh nhân đó có đến bệnh viện cấp cứu hay không vì số người đến cấp cứu tại bệnh viện hàng ngày quá đông.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cường (chủ nhà trọ, người chuyển ông D. đi cấp cứu) xác nhận khi đến các bệnh viện đều chở thẳng vào cổng. Tại Phòng khám tư nhân Nam Anh thì chở thẳng vào trong bệnh viện và gặp một số người trong đó. Họ nói là không có bác sĩ trực.
Sau đó bảo vệ nói nặng thì chuyển lên tuyến trên. "Lúc đó, đã là 1 giờ sáng giờ rồi, trời thì mưa mà chở bằng xe tải nên tôi phải tìm tấm bạt che tạm cho ông D. Nghe thấy nói vậy, chúng tôi nản hết sức rồi không biết làm sao hết nên quyết định đi về", anh Cường nói.
Trước đó sau khi có thông tin nhiều bệnh viện, phòng khám từ chối tiếp nhận bệnh nhân, ngày 12-8, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiêm túc thực hiện đúng thời gian đã đăng ký hoạt động. Nếu cơ sở y tế nào không tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh vi phạm y đức, không tiếp nhận các bệnh nhân khi được chuyển đến để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định, nếu cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
(Theo Người Lao Động)