Trong 4 bệnh nhân mắc COVID-19 mới tại tỉnh Quảng Trị, có 1 trường hợp là nhân viên làm việc tại khu cách ly tập trung ở huyện Đakrông...
Nhân viên làm việc trong khu cách ly dương tính, di chuyển nhiều nơi, hay đến quán thịt
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị phát đi thông báo về 4 bệnh nhân Covid-19 mới. Đáng chú ý, trong 4 bệnh nhân này, bệnh nhân 259609 là H.V.L (nam, SN 1982, trú tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), là nhân viên tại Khu cách ly tập trung Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đakrông.
Tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Đakrông - Ảnh minh họa
Trước đó, từ ngày 30/7- 6/8, bệnh nhân 259609 làm việc tại Khu cách ly tập trung Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đakrông.
Ngày 7/8, bệnh nhân này đã di chuyển nhiều nơi. Cụ thể, lúc 7h-8h đổ xăng tại cây xăng Mai Hương (Km41, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông). 9h30- 11h đến quán thịt chó (Km47, thô A Đăng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông). 11h- 15h, đến nhà của mình tại thôn Cu Tài 1 (xã A Bung, huyện Đakrông). Lúc 14h30, mua thịt heo tại quán Nam Trang (thôn Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông).
Từ ngày 8- 13/8, bệnh nhân 259609 làm việc tại Khu cách ly tập trung Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đakrông.
Ngày 13/8, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.
Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị ngày 14/8 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
3 trường hợp còn lại gồm bệnh nhân 259474 là H.V.D (nam, SN 1999) và bệnh nhân 259475 là H.V.M (nam, SN 1993, đều ở phường Bình Hưng Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương; thường trú xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)
Bệnh nhân 259473 là H.T.N (nữ, SN 2001), đia chỉ tại phường Bình Hưng Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Thường trú xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Cả 3 bệnh nhân này đều chạy xe máy từ tỉnh Bình Dương đến tính Quảng Trị ngày 30/7, khai báo y tế tại chốt kiểm tra y tế ở huyện Hải Lăng và được cách ly tập trung tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đakrông cùng ngày.
Ngày 13/8, xét nghiệm sáng lọc SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị ngày 14/8 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Cùng ngày (14/8), UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Đakrông.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định cách ly y tế toàn bộ thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông và khu vực các hộ dân từ nhà ông Nguyễn Văn Quốc đến Phòng Y tế cũ thuộc đoạn đường Nguyễn Tất Thành ở khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông.
Đồng thời, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn huyện Đakrông.
Thời gian thực hiện từ 12h ngày 14/8 cho đến khi có thông báo mới.
Sáng cùng ngày 14/8, Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã phát đi thông báo khẩn về việc truy tìm người liên quan đến ca nghi nhiễm (hiện là bệnh nhân 259609) là nhân viên làm việc tại Khu cách ly tập trung nói trên.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đakrông, trường hợp trên làm công tác phục vụ tại khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện (cách ly tập trung tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đakrông), có nhiệm vụ hàng ngày là đưa cơm, thu gom rác thải và đưa đồ tiếp tế từ ngoài vào khu cách ly tập trung trên.
(Theo Báo Giao Thông)
Sáng mai, Đà Nẵng phong tỏa 7 ngày, các hoạt động sẽ ra sao?
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn (Ban điều hành-PV) trong đó Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Ban Điều hành.
Mỗi khu dân cư thiết lập 1-2 chốt kiểm soát
Ban điều hành này gồm các lực lượng cốt cán: cấp ủy chi bộ, Tổ dân phố/ban nhân dân thôn, Mặt trận, các hội đoàn thể, dân phòng, Ban bảo vệ dân phố, dân quân với Công an, Quân đội phân công lực lượng tham gia.
Huy động thêm quần chúng tích cực; đảng viên, công an, quân nhân nghỉ hưu, công chức về hưu; giáo viên, cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đang làm việc tại nhà theo quy định và các lực lượng tình nguyện viên khác, để đảm bảo mỗi Ban Điều hành huy động từ 32-40 người (chia thành 03 ca, 4 kíp, mỗi kíp 8-10 người).
Đà Nẵng thiết lập các chốt kiểm soát chặt tại các khu dân cư từ ngày mai. Ảnh: HOÀI AN.
Theo đó, Ban điều hành sẽ có nhiệm vụ lập danh sách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban điều hành theo địa bàn được phân công.
Phân công thành các nhóm nhỏ từ 1-2 người tổ chức giám sát, tuyên truyền từng tuyến phố, khu dân cư....để nâng cao ý thức chấp hành của người dân và chia sẻ cùng TP trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà và phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông…, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 01 hoặc 02 lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập 01 chốt với lực lượng thường trực từ 02-04 người để kiểm soát.
Tại các chốt cứng (không có người canh gác), in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ tình hình tại địa phương tổ chức lại các chốt phù hợp; giảm các chốt trên tuyến đường chính, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động và tăng cường lực lượng cho các Ban Điều hành để giám sát chặt chẽ trong khu dân cư, thôn.
Chủ tịch UBND các phường thành lập từ ít nhất 05 Tổ phản ứng nhanh (Công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban Điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hiệp đồng với Giám đốc Công an thành phố trong việc bố trí lực lượng đảm bảo tuần tra, kiểm soát, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
10% cán bộ công chức đi làm 3 tại chổ
Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra phương án bố trí tối đa không quá 30% số người làm việc và các điều kiện đảm bảo “3 tại chỗ” để xem xét, quyết định cho phép hoạt động và chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.
Đối với hoạt động tại các cơ quan chính quyền, cử lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trực và làm việc tại trụ sở để tham gia nhiệm vụ công tác phòng chống dịch và nhiệm vụ cấp thiết khác (tối đa 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức), phải đảm bảo “3 tại chỗ”. Cán bộ, công chức, viên chức còn lại làm việc tại nhà thông qua hệ thống mạng (online).
Công an thành phố và công an quận, huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn và cấp thẻ nhận diện đối với người và phương tiện tham gia các hoạt động được phép ra ngoài.
Hoạt động vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu, xăng dầu (kho và cửa hàng), gas (kho, trạm nạp, tổng đại lý/thương nhân mua bán LPG) cho người dân: Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách gửi về Công an thành phố để được cấp thẻ nhận diện đối với người và phương tiện tham gia giao thông.
Tất cả người điều khiển phương tiện (kể cả người đi cùng trên phương tiện) khi vào các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào TP phải có kết xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
TPHCM giãn cách xã hội thêm 30 ngày, loại hình kinh doanh nào được hoạt động?
Tối 15/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành văn bản khẩn số 2718/UBND-VX về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, TPHCM tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Đối với khung giờ từ 6 – 18 giờ hàng ngày, TPHCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn TPHCM của các nhóm đối tượng được phép hoạt động theo chỉ đạo tại công văn số 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 và các công văn số 2522, 2523 ngày 28/7/2021 của UBND TPHCM.
Tuy nhiên, UBND TPHCM cho phép thêm các nhóm đối tượng hoạt động trong 30 ngày giãn cách sắp tới.
Các nhóm đối tượng gồm: Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mỳ, tàu hũ, bún, hũ tiếu…), các tổ chức hành nghề công chứng, các công ty cung cấp dịch vụ: Bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư, bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng).
Ngoài ra, TPHCM cho phép phòng bán vé máy bay, phòng khám tư nhân được hoạt động.
Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
UBND TPHCM yêu cầu tất cả các trường hợp trên phải có dấu hiện nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị nà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (bao gồm cơ quan đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại TPHCM) bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị (trừ lực lượng vũ trang và ngành y tế TPHCM đảm bảo 100% quân số để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ để trình UBND TPHCM quyết định.
Đối với khung giờ từ 18 giờ đến trước 6 giờ ngày hôm sau, TPHCM yêu cầu mọi người dân tiếp tục hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động,
Các trường hợp được phép, gồm: Đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hõ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.
Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trự thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng hóa, trang thiết bị y tế, vắc xin.
Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế), nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình ô xy cho người mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Nhân viên các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TPHCM bao gồm công tác phát hành báo.
Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật…).
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường độ thị; lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yế, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư, giao hàng của các doanh nghiệp logistics phục vụ sản xuất; hàng hóa xuất nhập khẩu, trang thiết bị y tế.
Xe ô tô phục vụ hỗ trợ y tế (xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân), xe taxi được Sở Giao thông Vận tải cấp phép hoạt động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết. Lái xe và nhân viên phục vụ đi cùng trên các phương tiện này.
Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố được phép hoạt động trong khung giờ nói trên.
Vụ 2 quan chức ở Bình Định đi đánh golf tiếp xúc với F0: Đã hoàn thành cách ly tập trung
Ngày 15/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định cho biết, đã ban hành quyết định phê duyệt các trường hợp đã hoàn thành cách ly y tế tập trung.
Các trường hợp này là những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 tại một sân golf ở TP Quy Nhơn, gồm ông Nguyễn Công Thành – Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định; ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cùng 2 chủ doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, bốn người này hiện có sức khỏe bình thường và có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với SARS-CoV-2. Những người này được về địa phương tiếp tục thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú trong 14 tiếp theo.
Trước đó, Tiền Phong đưa tin, ông Nguyễn Công Thành; ông Nguyễn Văn Dũng cùng 2 chủ doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn đi đánh golf trong các ngày 31/7 và 1/8 tại một sân golf ở TP Quy Nhơn. Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf là chị T.T.Q. Chị này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/8.
Điều đáng nói, từ 1/6, tỉnh Bình Định đã dừng hoạt động quán ăn uống vỉa hè, hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tại các điểm công cộng. Từ ngày 1/8, tỉnh này cũng thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19.
Về sự việc này, UBND tỉnh Bình Định sau đó đã quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày (từ 5/8) đối với ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Du lịch để xem xét xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục Thuế cũng đã có quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày (bắt đầu từ 4/8) đối với ông Nguyễn Công Thành - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho hay, trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào sáng 5/8 đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các công chức lãnh đạo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, báo cáo đề xuất hướng xử lý.
(Theo Tiền Phong)
TP.HCM hỗ trợ tiền trọ, lương thực cho sinh viên, người lao động khó khăn trong tháng 8 và 9
Chiều 15/8, sau khi thông tin về việc TP.HCM sẽ giãn cách xã hội thêm 1 tháng (đến ngày 15/9), Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm.
Chủ trương của Thành ủy TP.HCM là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt. Thời gian hỗ trợ là tháng 8 và 9/2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vắc xin. Kế hoạch hỗ trợ sẽ được các quận, huyện và TP Thủ Đức thông báo sớm đến người dân.
Trước đó sáng cùng ngày, TP.HCM đã ra mắt Trung tâm An sinh nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, không để người lao động mất việc làm lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội.
Từ đầu tháng 8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã triển khai gói an sinh xã hội lần 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỉ đồng nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngày 15/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9 để phòng chống COVID-19 lây lan.
Quyết định tiếp tục giãn cách được đưa ra trong bối cảnh đô thị hơn 10 triệu dân trải qua 38 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Trước đó, thành phố đã có 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15. Tính từ 27/4 đến nay, TP.HCM 149.286 ca mắc và là địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước.
(Theo Dân Việt)
Ninh Thuận gởi công văn "nhờ" Đồng Nai vận động người dân khoan về quê
Chiều 15/8, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Huyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận xác nhận đã gửi Công văn hỏa tốc tới UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để công dân Ninh Thuận tiếp tục ở lại tỉnh Đồng Nai, khoan di chuyển về quê.
“Hiện tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch “ở đâu yên đó” theo chỉ đạo của Thủ tướng. Do vậy, chúng tôi đề nghị Đồng Nai tạo điều kiện hỗ trợ bà con ở lại”, ông Lê Huyền nói.
Nhiều người dân đổ ra đường để về quê khiến QL1 qua Thủ Đức, TP.HCM ùn ứ. Ảnh minh họa
Ông Lê Huyền cho biết thêm, những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, nhiều công dân Ninh Thuận làm việc ở Đồng Nai trở về tỉnh. Riêng trong ngày 31/7 có hơn 2.000 công dân Ninh Thuận từ xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai - nơi đang giãn cách theo Chỉ thị 16, trở về địa phương.
Qua sàng lọc, ngành y tế Ninh Thuận phát hiện có hơn 400 người đã trở thành F0, tạo sức ép rất lớn cho tỉnh về cơ sở cách ly, điều trị, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Theo nội dung công văn, tỉnh Ninh Thuận vừa kết thúc 4 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương và đang kiểm soát dịch trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15.
Tỉnh này đang triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát, hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch trong các khu cách ly tập trung.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm tuyên truyền, vận động người dân Ninh Thuận an tâm ở lại, chấp hành các quy định phòng chống dịch, hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế cho người dân Ninh Thuận có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để người dân an tâm "ai ở đâu, ở đấy".
"Khi các địa phương hết giãn cách xã hội và Chính phủ có chủ trương, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với các địa phương có kế hoạch đón người dân Ninh Thuận trở về địa phương một cách có tổ chức, an toàn, hiệu quả, không để dịch lây nhiễm ra cộng đồng", công văn của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu.
(Theo Báo Giao Thông)
Phong tỏa "cứng" KTX ĐH Bách khoa TPHCM vì phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19
Động thái này diễn ra khi nơi đây liên tục phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong vòng 1 tháng qua. Tính từ tháng 7 đến nay, KTX ĐH Bách khoa đã phát hiện 30 ca mắc COVID-19.
Theo đó, từ ngày 15/8, KTX sẽ áp dụng tình huống khẩn cấp trong 15 ngày: Phong tỏa “cứng” toàn bộ phòng ở (lockdown), nghiêm túc 5K ngay trong phòng. Sinh viên không được ra khỏi phòng ở, trừ khi KTX cho phép.
Cán bộ KTX trực giám sát camera 24/24 các tầng lầu để kiểm soát và phạt nguội vi phạm qua hình ảnh camera. Sinh viên vi phạm sẽ bị kỷ luật, không được xét các gói hỗ trợ mùa dịch, không gia hạn lưu trú tại KTX.
Các sinh viên không bị kỷ luật, tùy theo hoàn cảnh sẽ được nhận các gói hỗ trợ của mạnh thường quân trong tháng 8/2021. Hỗ trợ trong 15 ngày là 150 ngàn đồng/ sinh viên và xét thêm các mức hỗ trợ khác…
Thông báo của KTX ĐH Bách khoa TPHCM.
Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, vào khoảng đầu tháng 8, KTX Bách khoa phát hiện tổng cộng 14 ca mắc COVID-19 và được đưa đi điều trị, 28 trường hợp F1 được cách tại chỗ. KTX cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm khắc đối với sinh viên…
Từ ngày 10- 12/8, UBND phường 7, quận 10 đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho hơn 700 người là các sinh viên, học viên và cán bộ ký túc xá Bách khoa.
Theo đại diện KTX Bách khoa, KTX có tổng cộng 278 phòng với diện tích 43m2/phòng và trung bình 3 sinh viên ở cùng một phòng. KTX hiện có 711 sinh viên đang lưu trú, trong số này, có 19 sinh viên người nước ngoài. Kể từ khi dịch bùng phát, một số sinh viên đã rời KTX để về quê, tuy nhiên con số này không nhiều.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nội rà soát người dân có nhu cầu về quê và quay trở lại thành phố
Ngày 15/8, theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Công an TP.Hà Nội đã ban hành công văn rà soát nhu cầu trở về địa phương khác của người dân đang cư trú trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, UBND TP.Hà Nội, để tránh tình trạng người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về địa phương nơi cư trú, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát phòng, chống dịch, Công an TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.Hà Nội có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê. Rà soát người dân có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội đang tạm trú tại các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết và nguyện vọng trở lại Hà Nội.
Lực lượng chức năng TP.Hà Nội kiểm tra người dân đi đường.
Người dân có thể liên hệ, đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn để Công an thành phố tập hợp đề xuất phương án hỗ trợ đón người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội. Đưa người dân trở về các địa phương khác và bàn giao cho chính quyền địa phương nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Công an thành phố giao trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản này nhằm thiết thực giúp đỡ người dân đạt được nguyện vọng chính đáng của mình.
(Theo Dân Việt)
Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội đến hết ngày 31/8
Ngày 15/8, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản về việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Hiện tỉnh này đã có hơn 13.000 ca mắc COVID-19 và 93 trường hợp tử vong do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8 theo nguyên tắc lngười cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.
Đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo 1 trong 3 phương án: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ (3 tại chỗ); Thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến (duy nhất 1 cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú của từng doanh nghiệp riêng biệt đến nơi sản xuất) hoặc doanh nghiệp linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Thời gian từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ các lực lượng: Cấp cứu, cứu hỏa, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu cần điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, lực lượng xử lý sự cố về điện, nước, thông tin và hạ tầng kỹ thuật; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước có giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan về thực hiện công tác phòng, chống dịch hoặc các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu cũng được phép ra đường từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để làm nhiệm vụ.
(Theo Tiền Phong)
Bắc Ninh cách ly y tế huyện Lương tài sau 21 ngày không có ca mắc COVID-19 mới
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau 21 ngày không có ca dương tính mới trong cộng đồng, ngày 14/8 tỉnh ghi nhận 9 ca dương tính với SAR-CoV-2 tại Chi nhánh Viettel Post Lương Tài (huyện Lương Tài), theo Vietnamplus. Tính từ ngày 5/5 đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 1.737 ca mắc COVID-19.
Theo đó vào tối ngày 14/8, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định cách ly y tế với toàn huyện Lương Tài gồm: 14 xã, thị trấn, 101 thôn/khu/cụm dân cư với tổng số 33.211 hộ gia đình, 107.215 nhân khẩu.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh Bắc Ninh, thời gian áp dụng cách ly y tế đối với huyện Lương Tài là: 14 ngày, kể từ 0h ngày 15/8, tùy theo diễn biến tình hình dịch có thể điều chỉnh thời gian cho phù hợp.
Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 sẽ kiểm soát người ra vào huyện Lương Tài 24/24h.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Chi nhánh Viettel Post Lương Tài, ông Phạm Văn Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lương Tài, cho biết, sau khi nhận thông tin có 11 trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 qua test nhanh, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài đã lấy mẫu để xét nghiệm PCR bằng mẫu đơn và gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, theo báo Lao Động.
Kết quả cho thấy, 9 trong tổng số 11 mẫu được khẳng định dương tính với SAR-CoV 2. Theo ông Phạm Văn Vũ, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài đã chuyển các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 đi cách ly y tế, đồng thời phong tỏa kho hàng của Chi nhánh Viettel Post Lương Tài.
Trong chiều ngày 14/8, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với huyện Lương Tài về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang ghi nhận sự vào cuộc một cách quyết liệt của huyện Lương Tài khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm SARS-COV-2. Thống nhất với đề xuất của BCĐ huyện về việc giãn cách xã hội toàn bộ huyện Lương Tài theo Chỉ thị 16/TTg, theo Bắc Ninh TV.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện Lương Tài thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo đúng quy định; Với những địa bàn có nguy cơ cao cần thiết phải thực hiện theo Chỉ thị 16+, với những địa bàn thực hiện theo Chỉ thị 15 cũng cần nâng mức phòng dịch cao hơn, quyết liệt hơn so với Chỉ thị 15; Tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của huyện về việc bố trí làm việc tại nhà đối với các trường hợp cán bộ huyện là F2. Ngay sau buổi họp này, huyện cần xây dựng ngay kế hoạch chi tiết, cụ thể để trong ngày mai sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Giao Công an tỉnh phối hợp với huyện trong việc rà soát, truy vết toàn bộ nhân viên ship hàng trên địa bàn; sở Y tế tập trung hỗ trợ Lương Tài các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo nhanh chóng, an toàn để sớm khoanh vùng, dập dịch.
Nghệ An: Tìm người đến 8 địa điểm liên quan ca mắc COVID-19
Sáng 15/8, sở Y tế Nghệ An vừa ra thông báo khẩn số 68 về địa điểm, thời gian liên quan đến bệnh nhân COVID-19 ở chợ đầu mối Vinh.
Những người liên quan đến các địa điểm dưới đây cần liên hệ với trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn khai báo:
1. Chợ đầu mối, từ ngày 31/7 – 14/8/2021
2. Quán Cà phê số 187, đường Phùng Chí Kiên, phường Hà Huy Tập, Tp.Vinh, từ khoảng 20h đến 21h ngày 01/8
3. Điện máy Hương Giang, đường Trần Phú, Tp.Vinh, Nghệ An, từ khoảng 20h đến 21h30 phút ngày 07/8
4. Đền Hồng Sơn, Tp.Vinh, Nghệ An, từ khoảng 16h đến 18h ngày 08/8/2021
5. Quán Kem MIXUE, địa chỉ 211, đường Lê Duẩn, Tp.Vinh, Nghệ An, từ khoảng 19h đến 21h ngày 12/8
6. Quán Trà Dâu, số 365 đường Nguyễn văn Cừ, Tp.Vinh, Nghệ An, từ khoảng 19h đến 21h ngày 13/8
7. Quán cà phê phố mới, số 54, đường số 1, khu đô thị mới Vinh Tân, từ khoảng 9h đến 9h30 ngày 12/8
8. Quán Hoa Tuấn, đường Hồ Xuân Hương, Tp.Vinh, từ 11h đến 12h ngày 12/8.
Hà Nội hỗ trợ chi phí hoả táng đối với người tử vong do COVID-19
HĐND TP. Hà Nội đã có thông báo mới về quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính do COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 tại các cơ sở hỏa táng của Hà Nội như sau:
Chi phí hỏa táng thi hài 3.000.000 đồng/trường hợp; trường hợp là thi hài trẻ em dưới 6 tuổi: 1.500.000 đồng/trường hợp. Chi phí vận chuyển thanh toán theo số kilômét thực tế.
Chi phí khác bao gồm: Áo quan hỏa táng 1.250.000 đồng/trường hợp; túi đồ khâm liệm (nếu có): 500.000 đồng/trường hợp; bình đựng tro cốt: 250.000 đồng/trường hợp; lưu giữ bình tro: 15.000 đồng/trường hợp/ngày (theo số ngày lưu giữ thực tế, đến hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng tối đa không quá 365 ngày).
Phương thức sẽ chi trả trực tiếp cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ xử lý thi hài người tử vong dương tính với SARS-CoV-2, nguồn từ ngân sách cấp thành phố.
Trước đó, HĐND TP cũng vừa ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Cụ thể theo nghị định, TP sẽ hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các trường hợp như: Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố; các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10 m3 nước/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội).
Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân (ngoài các đối tượng nêu trên).
Thời gian thực hiện hỗ trợ được tính vào các tháng 9, 10, 11, 12 năm 2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố. Phương thức hỗ trợ được thành phố thực hiện hỗ trợ thông qua các đơn vị cấp nước để giảm trực tiếp tiền nước xác định theo hóa đơn của người sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị.
(Theo người Đưa Tin)
Giãn cách xã hội toàn TP. Vinh do chùm ca bệnh chợ đầu mối
Theo báo cáo nhanh của BCĐ phòng chống dịch TP.Vinh, cả 3 ca bệnh phát hiện chiều 14/8 và 1 ca vào sáng 15/8, đều liên quan đến khu vực bán hoa quả ở chợ đầu mối Vinh và chưa xác định được nguồn lây.
Trong đó, trường hợp bệnh nhân L.T.T.X kinh doanh hoa quả tại Chợ đầu mối Vinh, là khu vực tập trung rất nhiều người kinh doanh, buôn bán trong thời gian qua.
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực chợ đầu mối Vinh từ sáng 14/8 khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Sau khi có kết quả khẳng định bệnh nhân L.T.T.X dương tính với virus SARS-CoV-2, UBND TP. Vinh đã tiến hành khoanh vùng test nhanh COVID-19 cho 678 trường hợp kinh doanh tại Chợ đầu mối Vinh, đồng thời đã thông báo khẩn đến 25 phường, xã tìm và truy vết những trường hợp đã đến Chợ đầu mối Vinh từ ngày 31/7 đến 14/8.
Hiện tại, đã có 1.150 công dân liên quan đến Chợ đầu mối Vinh khai báo với chính quyền các phường, xã. Những trường hợp này sẽ được UBND TP.Vinh tổ chức xét nghiệm ngay trong ngày 15/8.
Riêng bệnh nhân T.B.T là lái xe, thường trú tại khu đô thị Long Châu (phường Vinh Tân), thường xuyên lái xe tải đi giao, nhận hàng ở nhiều nơi, có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Hiện tại Đội truy vết của Công an TP. Vinh cũng đã xác định được 61 trường hợp F1 của bệnh nhân T.B.T.
Riêng bệnh nhân L.T.T.X đã có 51 trường hợp F1 và bệnh nhân H.T.T.M có 7 trường hợp F1.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã đồng ý theo đề xuất của TP. Vinh thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Vinh theo Chỉ thị 15 kể từ 0h00 ngày 15/8, đồng thời thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với những khu vực sinh sống của các bệnh nhân.
UBND thành phố Vinh cũng sẽ tiến hành rà soát và xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp liên quan, sau khi xét nghiệm xong, nếu có kết quả khả quan thì có thể gỡ bỏ dần và ngược lại nếu tình hình phức tạp hơn thì có thể thực hiện phong tỏa chặt chẽ thêm nhiều khu vực hơn.
3 khu vực tại TP. Vinh thực hiện quyết định phong tỏa và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, gồm:
1. Khu vực Chợ đầu mối Vinh
2. Ngõ 30B đường Cao Xuân Huy (khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân), khu vực nguy cơ cao.
3. Đường Đội Quyên (khối 6B, phường Cửa Nam), nơi 2 mẹ con bệnh nhân L.T.T.X và H.T.T.M sinh sống.
Giám sát sau cách ly không nghiêm, 1 Chủ tịch xã ở Huế bị đình chỉ công tác
Sáng 15/8, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã ký Quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, nhiệm kỳ 2021 - 2016.
Thời gian tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy từ ngày 15/8 đến hết ngày 29/8.
Theo quyết định, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Nguyễn Văn Hoàng bị tạm đình chỉ công tác do chỉ đạo công tác giám sát y tế tại nhà các trường hợp sau cách ly tập trung không nghiêm, để xảy ra nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Quyết định do Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn ký, cũng yêu cầu Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Nguyễn Văn Hoàng bàn giao toàn bộ công việc của UBND xã, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho ông Nguyễn Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện A Lưới.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời đối với Tổ 4 - Tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế từ 18h phút ngày 14/8 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.
Thực hiện giãn cách xã hội đối với thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế từ 6h ngày 15/8 theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.
Việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện A Lưới được triển khai sau khi ghi nhận ca nghi nhiễm COVID-19 cộng đồng tại huyện A Lưới.
Trường hợp này là H.H.Y (nam, SN 1986, địa chỉ tại tổ 4, tổ dân phố 2, đường Bắc Sơn, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), có yếu tố dịch tễ là tiếp xúc gần với F0 tại khu cách ly tại A Lưới và đã đến nhiều nơi trên địa bàn A Lưới.
Cụ thể, lúc 9h ngày 7/8, trường hợp này đến thôn Kê, xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Các ngày từ ngày 9 đến ngày 13/8 tại Trạm Y tế xã A Ngo, huyện A Lưới.
Ngày 9 đến ngày 13/8 tại quán cà phê Hương Nghệ (156 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thị trấn A Lưới, huyện A Lưới).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tất cả những người đến các địa điểm và thời gian trên khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ và khai báo y tế.
Đà Nẵng: Cắt đứt chuỗi lây nhiễm, tách F0 ra khỏi cộng đồng
Ngày 14/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy thành phố cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc áp dụng các biện pháp chống dịch cao hơn, quyết liệt hơn là rất cần thiết.
Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh chống dịch trong 7 ngày kể từ 8h sáng 16/8.
"Công việc trong 7 ngày tới là rất lớn, chưa có tiền lệ. Có thể coi là một trận đánh lớn của thành phố trong cuộc chiến với dịch bệnh. Thành công hay thất bại ở thời điểm này là do chúng ta”, ông Quảng nói.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhiệm vụ chính trong 7 ngày tới của Đà Nẵng là cắt đứt chuỗi lây nhiễm, tách F0 ra khỏi cộng đồng chứ không phải chấm dứt được dịch.
Ông Quảng nhấn mạnh, dù thành phố chuẩn bị đầy đủ phương án, kịch bản nhưng tổ chức triển khai phải bám sát thực tiễn để chủ động, linh hoạt và quyết đoán khi xử lý tình huống phát sinh, không máy móc, không chờ hướng dẫn từ cấp trên.
Ông Quảng yêu cầu bí thư, chủ tịch các quận, huyện, phường, xã phải trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị, kiểm tra xử lý vấn đề phát sinh trong 7 ngày tới.
“Xác định rõ khó khăn, dốc toàn lực lượng với quyết tâm cao nhất để thực hiện theo đúng kế hoạch", ông Quảng yêu cầu.
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị rà soát lại các công việc cần chuẩn bị cho 7 ngày tới và phải hoàn thành trong ngày mai (15/8).
“Tôi đề nghị các đồng chí từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã phải hạ quyết tâm trong cuộc chiến cam go này mới đạt được thắng lợi vào ngày 23/8", ông Chinh nói.
Như Báo Giao thông đưa tin, UBND TP. Đà Nẵng vừa có quyết định dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm "ai ở đâu thì ở đó", tuyệt đối không được ra khỏi nhà.
Thời gian bắt đầu từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8.
(Theo Báo Giao Thông)