Tin tức 24h: Hoa hậu trộm đồng hồ Rolex 2 tỉ đồng có thể đối diện mức án nào?

Khánh Hằng - Ngày 13/10/2021 19:00 PM (GMT+7)

Khi được người yêu giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ hàng hiệu, trong đó có chiếc Rolex 2 tỉ đồng, hoa hậu Lã Kỳ Anh lên kế hoạch đánh tráo rồi chia tay.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nữ nghi phạm trong vụ việc hy hữu trên là Lã Kỳ Anh, đây là gương mặt quen thuộc khi từng đăng quang Miss Vietnam Continents 2018 diễn ra tại Mỹ.

Nội dung vụ việc được xác định, Lã Kỳ Anh và anh N.M.T quen nhau qua mạng, sau đó dần trở nên thân thiết. Khi được người yêu giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ hàng hiệu, trong đó có chiếc Rolex hơn 2 tỉ đồng, cô lên kế hoạch đánh tráo.

Nữ hoa hậu lén chụp ảnh, nhờ người tìm mua đồ nhái với giá hơn 13 triệu đồng. Ngày 11/9, Kỳ Anh đến nhà người yêu thực hiện mưu đồ. Trong lúc đối phương ngủ say, cô lén đánh tráo, sau đó tìm cớ giận dỗi rồi chia tay. Vài ngày sau, trong lúc lau chùi bộ sưu tập, anh T. phát hiện chiếc đồng hồ Rolex trị giá hơn 2 tỉ đồng là hàng giả nên đến công an trình báo, nghi cho người giúp việc. Trong thời gian này, Kỳ Anh cũng nhờ bạn bè tìm chỗ bán đồng hồ. Hình ảnh chiếc Rolex đắt tiền được rao trên mạng khiến công an nghi vấn.

Làm việc với CQĐT, Kỳ Anh thừa nhận hành vi của mình. Cô cho hay do thua lỗ trong việc đầu tư tiền ảo nên trộm đồng hồ để bán lấy tiền trả nợ.

Hình ảnh Hoa hậu Lã Kỳ Anh và tang vật vụ án. Ảnh: SH

Hình ảnh Hoa hậu Lã Kỳ Anh và tang vật vụ án. Ảnh: SH

Dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm: Hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội "Trộm cắp tài sản" theo Điều 173 (BLHS 2015) với hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù. Còn hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 (BLHS 2015) với chế tài cao nhất là tù chung thân.

Trong vụ việc này, đối tượng có động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước, sau đó vừa có hành vi lén lút, vừa gian dối. Tuy nhiên, hành vi lén lút xảy ra trước và có tính chất chi phối với mục đích để chiếm đoạt tài sản. Hai hành vi này đều hướng đến một mục tiêu để chiếm đoạt chiếc đồng hồ nên nếu áp dụng nguyên tắc "quy phạm thu hút", cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" là có căn cứ.

Về mặt lý luận thì tội "Trộm cắp tài sản" hoàn thành khi đối tượng phạm tội "lén lút" để có được tài sản, việc chuyển giao tài sản không do người đang quản lý bàn giao cho đối tượng, đối tượng lấy được tài sản mà người đang quản lý tài sản không biết... Còn tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì thủ đoạn là gian dối và đối tượng có được tài sản là do người quản lý tài sản bị hiểu lầm từ thủ đoạn gian dối của đối tượng nên đã bàn giao tài sản cho đối tượng, sau đó đối tượng chiếm đoạt.

Đối tượng Lã Kỳ Anh tại CQCA. Ảnh: TL

Đối tượng Lã Kỳ Anh tại CQCA. Ảnh: TL

Trong quá trình mở rộng điều tra, cơ quan công an cần phải làm rõ người đã mua giúp nữ nghi phạm này chiếc đồng hồ Rolex rởm để xác định có vai trò đồng phạm hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, đối tượng này biết mục đích của nữ nghi phạm, thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" với vai trò đồng phạm giúp sức.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc cầm cố chiếc đồng hồ này được thực hiện như thế nào, người cầm cố có biết là tài sản do phạm tội mà có hay không. Trong trường hợp, người cầm cố biết tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Chiếc đồng hồ là vật đặc định, nên dù trường hợp cầm cố ngay thẳng thì tang vật này cũng sẽ bị thu giữ để trả lại cho người bị hại, người cho vay tiền và nhận cầm cố chiếc đồng hồ này có quyền đòi lại đối tượng trộm cắp số tiền đã vay. Nếu các bên không thỏa thuận giải quyết được với nhau thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành định giá chiếc đồng hồ này để xác định giá trị tài sản mà đối tượng trộm cắp là bao nhiêu tiền, làm cơ sở xác định tội danh và mức hình phạt.

Nguồn: 

https://giadinh.net.vn/hoa-hau-trom-dong-ho-rolex-2-ti-dong-co-the-doi-dien-muc-an-nao-172211013135309381.htm

NÓNG: Bộ Y tế ban hành chi tiết các tiêu chí phân loại 4 cấp độ dịch COVID-19

Tối 13/10, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế. Hướng dẫn này căn cứ vào Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có hiệu lực từ ngày 11/10.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đơn vị chủ trì của Bộ Y tế đang soạn thảo hướng dẫn cho biết, Bộ đưa ra các biện pháp hướng dẫn chuyên môn y tế, trong đó tập trung việc tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế khi có dịch. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải có phương án phòng chống dịch đối với từng cấp độ dịch và sẵn sàng triển khai khi có dịch.

Nghị quyết 128 của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế Hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá, xác định cấp độ dịch để UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào hướng dẫn này và tình hình dịch trên địa bàn, quyết định chuyển đổi cấp độ dịch.

Trong hướng dẫn tạm thời vừa ban hành, Bộ Y tế cũng quy định cụ thể các tiêu chí về xác định và điều chỉnh cấp độ dịch.

Cách đánh giá cấp độ dịch được dựa theo 3 tiêu chí:

Tiêu chí thứ nhất quy định số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 – <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tiêu chí 2 yêu cầu tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 theo 2 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin). Các địa phương có thể điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Từ tháng 11 năm 2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.

Tiêu chí 3 quy định tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Về vấn đề xét nghiệm, Hướng dẫn quy định: Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…

Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…

Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Hướng dẫn tạm thời nhấn mạnh: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp. Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

Về cách ly y tế: Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em): thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Điều trị F0: thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Đối với công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương.

Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.

Điều chỉnh cấp độ dịch:

Bộ Y tế quy định trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu theo quy định (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc).

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.

Nguồn:

https://tienphong.vn/nong-bo-y-te-ban-hanh-chi-tiet-cac-tieu-chi-phan-loai-4-cap-do-dich-covid-19-post1384663.tpo

Người phụ nữ bịt mặt bỏ lại bé sơ sinh ở tổ trực Covid-19 của bệnh viện

Ngày 13-10, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết đã báo cáo UBND phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa để tìm hướng xử lý sự việc của một trẻ sơ sinh.

Tin tức 24h: Hoa hậu trộm đồng hồ Rolex 2 tỉ đồng có thể đối diện mức án nào? - 3

Trước đó, vào 0 giờ 27 phút ngày 13-10, một người phụ nữ bịt kín mặt (không rõ địa chỉ, tên tuổi) mang theo 1 thùng giấy, trong đó có một bé sơ sinh vào nơi khai báo y tế của bệnh viện.

Người phụ nữ cho biết phát hiện bé còn nguyên dây rốn tại cổng nhà vào lúc 10 giờ tối ngày 12-10, không có quần áo, tã lót, chỉ duy nhất 1 tờ giấy có ghi họ tên bé là L.K.T. sinh ngày 12-10.

Sau khi trao bé cho nhân viên tổ trực Covid-19 của bệnh viện, người phụ nữ này liền nhanh chóng rời đi.

Sự việc sau đó được nhanh chóng báo tới lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Bé sau đó được nhân viên y tế đưa lên khoa Hồi sức tích cực sơ sinh để sưởi ấm và kiểm tra sức khỏe. Hiện tại các dấu hiệu sinh tồn của bé ổn định, chưa phát hiện bất thường gì.

Nguồn:

https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-phu-nu-bit-mat-bo-lai-be-so-sinh-o-to-truc-covid-19-cua-benh-vien-20211013203557282.htm

Các chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội hoạt động ra sao sau ngày 13/10?

Thành phố Hà Nội vừa có Công điện cho nới lỏng một số hoạt động. Tuy nhiên, công điện không nhắc gì đến hoạt động của 22 chốt kiểm soát người và phương tiện tại các cửa ngõ.  

Ghi nhận của PV Tiền Phong chiều 13/10, mặc dù Chính phủ đã ra Nghị quyết “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tuy nhiên, tại 22 chốt trực tại cửa ngõ Hà Nội hiện vẫn chưa có chỉ đạo gì mới, ngày hôm nay vẫn kiểm soát tất cả người và phương tiện ra vào thành phố.

Tại chốt trực có lượng xe ra vào thành phố Hà Nội lớn nhất lâu nay là trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chiều nay chúng tôi ghi nhận, từ xe tải chở hàng hóa đến xe cá nhân của người dân đi lại đều được liên ngành Cảnh sát, Thanh tra giao thông dừng kiểm tra giấy tờ. Nhiều người đi trên xe bật ứng dụng trình bày đã có chứng nhận xanh tiêm đủ 2 mũi phòng ngừa COVID-19, nhưng vẫn bị yêu cầu xuống xe, vào chốt khai báo y tế.

Các chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội vẫn đang hoạt động bình thường ngày 13/10

Các chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội vẫn đang hoạt động bình thường ngày 13/10

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều nay, đại diện một số Đội CSGT, Phòng CSGT Hà Nội - đơn vị chỉ huy các chốt trực trên cho biết, đến cuối giờ chiều nay họ vẫn chưa nhận được chỉ đạo mới của lãnh đạo Phòng và Công an thành phố về việc dừng hay điều chỉnh phương án kiểm soát người và phương tiện ra vào tại chốt cửa ngõ. Do vậy họ vẫn làm theo chỉ đạo trước đây, kiểm soát tất cả người và xe ra vào thành phố.

“Để được ra hoặc vào thành phố, hôm nay lực lượng làm nhiệm vụ vẫn được yêu cầu kiểm tra giấy tờ đi lại trên đường, người muốn ra vào thành phố cần có Test nhanh COVID. Nếu không có các giấy tờ trên chúng tôi vẫn buộc chủ xe quay đầu”, đại diện chốt trực tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết.

Chốt trực cửa ngõ kiểm soát nội dung gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cùng với dừng thực hiện Chỉ thị 16, 15 trong công tác phòng chống dịch cả nước, Nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 11/10 còn nêu rõ, các tỉnh thành phố phải chuyển sang phương án “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hướng dẫn thêm cho phương án này, Chính phủ yêu cầu, dịch còn tồn tại, bùng phát ở đâu thì “khoanh vùng”, giới hạn kiểm soát ở đó. Phạm vi được xác định để kiểm soát chỉ ở cấp thôn, xóm, xã phường; không được khoanh vùng, phong tỏa cả quận, huyện, cả thành phố hoặc tỉnh.

“Theo phương án này thì chúng ta vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại, phát triển kinh tế”, ông Quyền nói.

Cho ý kiến về việc 22 chốt trực cửa ngõ vẫn kiểm soát người và phương tiện ra vào ngày hôm nay, ông Quyền cho biết, Hà Nội cần sớm điều chỉnh.

Dẫn chứng cho việc này, ông Quyền cho biết, Hà Nội hiện mỗi ngày chỉ có một vài ca nhiễm, có ngày không có ca nào và dịch đang được kiểm soát tốt, do vậy việc vẫn duy trì các chốt kiểm soát người và phương tiện tại cửa ngõ theo Chỉ thị 16 trước đây là không còn phù hợp.

Nguồn:

https://tienphong.vn/cac-chot-kiem-soat-cua-ngo-ha-noi-hoat-dong-ra-sao-sau-ngay-13-10-post1384636.tpo

Sự thật vụ "cả nhà tổ tưởng xông vào đánh người vì tiền trợ cấp" ở TP.HCM

Ngày 12-10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, clip với nội dung “Cả nhà tổ trưởng dân phố xông vào đánh tôi vì tiền trợ cấp… Nó đánh đến gãy tay bà chị tôi, tổ trưởng còn thách tôi đi thưa”.

Kèm theo đó là clip nhóm người đàn ông đánh hai phụ nữ.

Hai người đàn ông xông vào đánh hai người phụ nữ là hai chị em bà H. Ảnh chụp từ clip camera an ninh

Hai người đàn ông xông vào đánh hai người phụ nữ là hai chị em bà H. Ảnh chụp từ clip camera an ninh

Qua tìm hiểu, sự việc xảy ra tại tiệm bán trái cây trên đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) do bà NTKH (45 tuổi) làm chủ.

Theo bà H. sự việc xảy ra vào sáng ngày 10-10 và mình và chị ruột là bà NTV (52 tuổi) là hai người bị đánh trong đoạn clip.

Bà H. cho biết nguyên nhân là mâu thuẫn trong việc cạnh tranh chỗ bán hàng. Ảnh: NT

Bà H. cho biết nguyên nhân là mâu thuẫn trong việc cạnh tranh chỗ bán hàng. Ảnh: NT

Theo hình ảnh camera, hai người phụ nữ lớn tuổi đứng bán trái cây bên trong nhà thì xuất hiện hai người nam đến, dùng tay đánh tới tấp, dùng chân đá vào người hai người phụ nữ này khiến nạn nhân ngã lăn ra sàn nhà. Vụ việc chỉ dừng lại khi một số người vào can ngăn.

“Hai người đánh là người trong gia đình, gọi tôi bằng dì ruột. Họ một người đi cửa trước, một người đi cửa sau vô cớ tấn công tôi và chị tôi lúc đó đang bán trái cây” – bà H. nói.

Nơi xảy ra vụ việc là tiệm bán trái cây trên đường Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: NT

Nơi xảy ra vụ việc là tiệm bán trái cây trên đường Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: NT

Theo người phụ nữ sự việc khiến bà bị đau ở đầu, bụng; người chị bị thương ở tay.

Bà H. cho biết thêm là nguyên nhân thực sự là mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình với nhau về việc cạnh tranh chỗ bán hàng. Riêng thông tin cả gia đình tổ trưởng tổ dân phố đánh người vì tiền trợ cấp lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác.

Bà NTV, chị ruột bà H. cũng được phản ánh là bị thương ở tay sau vụ việc. Ảnh: NVCC

Bà NTV, chị ruột bà H. cũng được phản ánh là bị thương ở tay sau vụ việc. Ảnh: NVCC

Trưa cùng ngày, đại diện Công an phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin phản ánh của nạn nhân và cũng đã mời các bên liên quan lên trụ sở để làm rõ vụ việc.

Công an cũng xác định nguyên nhân vụ việc là do mâu thuẫn trong việc buôn bán trong họ hàng với nhau chứ không phải do tiền trợ cấp.

Nguồn:

https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/su-that-vu-ca-nha-to-truong-xong-vao-danh-nguoi-vi-tien-tro-cap-o-tan-phu-1021512.html

Nạn nhân kể lại giây phút nổ lò hơi kinh hoàng khiến 9 người thương vong ở Bắc Ninh

Liên quan đến vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong ở Bắc Ninh, anh Hoàng Văn Thao (40 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội), một trong những nạn nhân bị thương đang nằm viện điều trị cho biết, anh làm việc tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC (KCN Quế Võ 2, tỉnh Bắc Ninh) được 3 năm nay.

Khu vực nơi xảy ra vụ nổ.

Khu vực nơi xảy ra vụ nổ.

Theo anh Thao, vào chiều 12/10, anh đang làm việc cùng các công nhân khác thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên khiến anh bị hất tung lên va đập vào chiếc tủ lạnh. Khoảng 10 phút sau, anh Thao mới định hình lại được, mở mắt ra toàn là khói bụi.

“Lúc này tôi gọi to các đồng nghiệp khác, hỏi xem mọi người có làm sao không nhưng không ai trả lời. Sau đó, nhiều người chạy đến hiện trường, xe cứu thương đến đưa tôi và các nạn nhân khác đi cấp cứu", anh Thao kể.

Anh Thao đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân (Quế Võ, Bắc Ninh).

Anh Thao đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân (Quế Võ, Bắc Ninh).

Anh Thao cho biết, khi nằm trong bệnh viện anh mới hay tin 3 đồng nghiệp của mình không qua khỏi khiến anh đau xót.

"Họ với tôi làm ở đây gắn bó với nhau như anh em thân thiết, ai ngờ lại gặp tai nạn thương xót vậy. Đây là lần đầu tiên tôi gặp vụ nổ khủng khiếp như vậy”, anh Thao nói.

Sau một ngày điều trị, sức khoẻ của anh Thao đã ổn định, tuy nhiên người đàn ông này bị sang chấn tâm lý, và sợ tiếng ồn.

"Giờ tôi chỉ nghe tiếng động mạnh cũng khiến tôi giật mình", anh Thao cho biết.

Bác sĩ Chu Văn Đức, Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, tối 12/10, bệnh viện tiếp nhận anh Hoàng Văn Thao, là nạn nhân trong vụ nổ lò hơi của Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC.

Xe cứu thương đưa các nạn nhân đi.

Xe cứu thương đưa các nạn nhân đi.

Theo bác sĩ Đức, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị bỏng, hoảng loạn, chảy máu khuỷu tay phải, đầu, cổ. Bệnh viện sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân, khi bệnh nhân ổn định tinh thần thực hiện khâu các vết thương, chụp chiếu và làm các xét nghiệm cần thiết. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, còn bị đau rát ở lồng ngực, cần tiếp tục theo dõi.

Tối 12/10, UBND Bắc Ninh cho biết, lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ nổ lò hơi nghiêm trọng khiến 3 người chết, 6 người bị thương ở huyện Quế Võ.

Trước đó, vào khoảng 16h ngày 12/10, tại Trạm khí Hóa than của Công ty Cổ phần gạch ốp lát BNC (KCN Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ) bất ngờ có tiếng nổ lớn phát ra ở khu vực lò hơi. Thời điểm nay công nhân đang chuẩn bị giao ca.

Vụ nổ trên khiến 3 người chết, 6 người bị thương.

Hiện lực lượng chức năng có mặt phong toả tại hiện trường, tổ chức cứu hộ cứu nạn và điều tra nguyên nhân vụ việc. 

Nguồn:

https://danviet.vn/nan-nhan-ke-lai-giay-phut-no-lo-hoi-kinh-hoang-khien-9-nguoi-thuong-vong-o-bac-ninh-50202113101622895.htm

Đà Nẵng dự kiến cho người dân đi du lịch trong TP từ ngày 20-10

Đó là thông tin được bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cung cấp tại chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ nhất năm 2021 do HĐND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 13-10.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, ngành du lịch của TP thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề liên quan và kéo theo nhiều lao động bị thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị phá sản.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Dũng đặt câu hỏi về kế hoạch, lộ trình của Đà Nẵng thế nào để khôi phục, phát triển du lịch thời gian đến cũng như trong trung hạn và dài hạn.

Trả lời ý kiến này, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, khác với năm 2020, biến thể Delta lây lan nhanh đã làm thay đổi những kế hoạch của TP.

Việc khôi phục du lịch gặp nhiều khó khăn như khung pháp lý về phòng chống dịch, quy định đi lại, thẻ xanh…giữa các địa phương còn khác nhau. Trên bình diện quốc tế cũng khác.

Khả năng hoạt động trở lại của doanh nghiệp, lao động ngành du lịch cũng là một thách thức. Tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân Việt Nam chưa cao, trẻ em chưa được tiêm…

Tại Đà Nẵng, đã có 11.000 lao động ngành du lịch được tiêm mũi một và sẽ tiếp tục tiêm mũi hai. TP cũng dự phòng vaccine để tiêm cho những lao động từ các địa phương trở về TP làm việc.

Bà Hạnh cho biết, Đà Nẵng dự kiến khôi phục du lịch theo phương châm chủ động thích ứng và phải đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên ngành du lịch. Trước tiên sẽ đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế với slogan “Enjoy Đà Nẵng”.

Cụ thể, Sở Du lịch đang xin ý kiến UBND TP phương án từ 20-10 cho người dân đi du lịch trong TP. Từ tháng 11 thực hiện “bong bóng du lịch” giữa Đà Nẵng với một số địa phương, đầu tiên là Quảng Nam và Quảng Ninh. Sau đó, khi cả nước chuyển trạng thái bình thường mới thì TP khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch.

Về đón khách quốc tế, Sở Du lịch dự kiến bắt đầu từ tháng 11 với hai nhóm khách. Thứ nhất là người nhập cảnh làm công vụ, thăm thân, hồi hương…Những người này sẽ cách ly bảy ngày và theo các quy định khác của Bộ Y tế.

Nhóm thứ hai du lịch trọn gói, khép kín với những thị trường đã mở cửa du lịch, áp dụng hộ chiếu vaccine, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga.

“Đã có một số thông tin tích cực, thị trường Hàn Quốc có nhu cầu đến Đà Nẵng. Nga thì sẽ đưa vào 2.000 đến 4.000 khách/tháng. Sau đó TP đón khách bình thường khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế” – bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, Đà Nẵng triển khai hoạt động du lịch ở hai cấp độ nguy cơ thấp (bình thường mới) và nguy cơ trung bình theo quyết định mới của Chính phủ.

Khi TP chuyển trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn sẽ thông báo cho du khách, doanh nghiệp ngành du lịch biết trước 72 giờ.

Nguồn:

https://plo.vn/kinh-te/da-nang-du-kien-cho-nguoi-dan-di-du-lich-trong-tp-tu-ngay-2010-1021468.html

Giá lợn tụt dốc không phanh, cách nào ứng cứu?

“Cứ xuất chuồng lỗ 1 triệu đồng/con”

Với quy mô nuôi gần 1.000 con, ông Nguyễn Quang Sáng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang thấp thỏm khi đàn lợn bước vào độ xuất chuồng.

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Sáng cho biết, giá lợn hơi giảm kỷ lục đang khiến gia đình ông thua lỗ nặng. Với khoảng 850 con lợn thịt và 150 lợn nái, mỗi tháng, riêng tiền cám, gia đình ông Sáng tốn hơn 600 triệu đồng; cùng với đó là gần 50 triệu tiền điện và tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cám đã tăng tới 30-40%, gia đình phải chi đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

“Đến lúc xuất chuồng, giá lợn hơi cứ cắm đầu tuột dốc, chỉ còn 38.000 - 40.000 đồng/kg. Giờ cứ xuất chuồng, chúng tôi lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Riêng từ đợt tháng 6 đến nay, mỗi tháng gia đình lỗ hơn 200 triệu đồng”, ông Sáng ngậm ngùi nói.

Ông Sáng cho biết, cứ xuất chuồng, gia đình ông lỗ 1 triệu đồng/con.

Ông Sáng cho biết, cứ xuất chuồng, gia đình ông lỗ 1 triệu đồng/con.

Ông Sáng cho biết, gần 20 năm nuôi lợn, chưa lần nào gia đình ông thiệt hại nặng như lần này. Thậm chí, ngay cả thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh vào năm 2019, ông cũng không phải quá lo lắng vì trang trại nuôi lợn của gia đình được đầu tư khép kín với quy chuẩn khắt khe.

“Bán xong lứa này, từ giờ đến cuối năm, tôi không dám tái đàn lợn mà giảm lượng lợn nái từ 150 con xuống còn 50 con để theo dõi thị trường. Lúc giá thịt lợn lên cao, Nhà nước điều tiết xuống là hợp lý. Nhưng giá thịt lợn xuống thấp như hiện nay, chúng tôi chưa thấy có chính sách gì hỗ trợ, ít nhất là bình ổn chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thú y, con giống…”, ông Sáng cho hay.

Giá còn giảm tiếp đến hết tháng 10

Theo ghi nhận của Tiền Phong, giá lợn hơi ngày 13/10 tại miền Bắc khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá khoảng 38.000 - 44.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Nam giá khoảng 41.000 - 44.000 đồng/kg. So với đầu tháng 8, khi cả nước đang trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội, giá lợn hơi giảm từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Còn so với thời điểm lập đỉnh vào năm 2019, giá lợn hơi đã giảm hơn 65%. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 2 năm gần đây.

Về việc giá thịt lợn tuột dốc không phanh, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp do nhà hàng, quán ăn, nhà máy, bếp ăn tập thể, trường học chưa hoạt động trở lại, trong khi đây là những nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nên chưa kéo giá lợn hơi tăng lên được.

Giá lợn hơi giảm kỷ lục do sức mua trên thị trường vẫn ở mức thấp.

Giá lợn hơi giảm kỷ lục do sức mua trên thị trường vẫn ở mức thấp.

Theo ông Trọng, trong suốt 2 tháng qua, các tỉnh giãn cách xã hội khiến "đầu ra" của lợn hơi bị tắc, số lượng lợn nặng trên 120kg/con tồn đọng khoảng 30%, kéo theo giá lợn hơi giảm sâu. Giá lợn giống nuôi thương phẩm cũng rớt từ mức 3 triệu đồng/con xuống còn 1,3 triệu đồng con. Người dân và doanh nghiệp đang phải bán tống bán tháo số lợn tồn.

Ông Trọng cho biết, thông thường để nuôi lợn có lãi, giá lợn hơi trên thị trường phải đạt khoảng 70.000 đồng/kg. Nhưng với giá lợn hiện nay, từ người chăn nuôi nhỏ lẻ, đến trang trại, thậm chí là doanh nghiệp lớn cũng sẽ lỗ.

“Trước mắt, làm sao phải tiêu thụ hết được số lợn hơi đang tồn đọng trong chuồng. Theo dự báo giá lợn hơi có thể giảm đến hết tháng 10. Dự báo đầu tháng 11, khi nhu cầu thị trường tăng, giá lợn sẽ bắt đầu tăng trở lại. Điều lo nhất, những hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ không đủ sức cầm cự, trong khi vốn đã cạn nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trọng nói.

Nguồn:

https://tienphong.vn/gia-lon-tut-doc-khong-phanh-cach-nao-ung-cuu-post1384565.tpo

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, taxi hoạt động trở lại
Công điện mới nhất của UBND TP Hà Nội vừa ban hành đã cho phép các cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, xe buýt, taxi cũng được phép hoạt động.

Tin tức Hà Nội

Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h