COVID-19 13/10: 6 bé cùng trường mầm non nhiễm SARS-CoV-2, lấy mẫu khẩn 700 giáo viên, học sinh

H.A - Ngày 13/10/2021 12:12 PM (GMT+7)

Bắc Ninh ghi nhận 10 ca cộng đồng trong 3 ngày qua, trong đó có 6 em bé học Trường Mầm non Sao Mai, hơn 700 học sinh và giáo viên trường được lấy mẫu xét nghiệm.

Từ ngày 10 - 12/10, TP Bắc Ninh ghi nhận 10 ca mắc COVID-19 ở phường Phong Khê và phường Võ Cường. Ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19, TP Bắc Ninh đã khẩn trương kích hoạt các biện pháp, nhằm khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết, ngay sau khi có ca mắc mới, TP đã kích hoạt các khu cách ly, khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người dân ở các khu vực có ca mắc. Đồng thời tạm thời phong tỏa chung cư Vcity, chung cư Cát Tường Thống nhất, chung cư Cường Thịnh và Trường Mầm non Sao Mai (phường Võ Cường) để phục vụ điều tra, truy vết, lấy mẫu. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm PCR, thành phố sẽ cho phép hoạt động trở lại và cách ly y tế đối với từng khu vực có nguy cơ.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu trường mầm non Sao Mai

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu trường mầm non Sao Mai

Liên quan đến 6 ca bệnh là trẻ em Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Bắc Ninh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ học sinh và giáo viên trong trường với hơn 700 mẫu (6 mẫu cho kết quả dương tính SARS-CoV-2). Đồng thời yêu cầu phụ huynh ký cam kết tự cách ly những trẻ còn lại tại nhà; cho học sinh trên địa bàn phường Võ Cường nghỉ học để rà soát, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh, khi thấy an toàn mới cho học sinh đi học trở lại. 

Đến nay, toàn TP Bắc Ninh đã xác định 70 trường hợp F1, đang tiến hành rà soát các trường hợp F2 và xét nghiệm sàng lọc tại các vùng có ca mắc COVID-19.

Từ 10h ngày 12/10, tỉnh Bắc Ninh đã thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ xóm Tây, khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn để phòng, chống dịch COVID-19, tổng số 354 hộ gia đình với 1.161 nhân khẩu. Thời gian áp dụng từ 10h ngày 12/10, tùy theo diễn biến tình hình dịch có thể điều chỉnh thời gian cho phù hợp.

Do có 6 bệnh nhân là trẻ em, học sinh trường Mầm non trên địa bàn phường Võ Cường nên TP Bắc Ninh đã cho học sinh trên toàn địa bàn phường này nghỉ học từ ngày 12/10 để rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, xác định rõ nguồn lây. 

(Theo Công An Nhân Dân)

Chuyến bay VN216 từ TP.HCM về Hà Nội ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2

Ngày 13/10, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình, tỉnh này ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 về từ TP.Hồ Chí Minh.

Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là anh P.N.H, sinh năm 2000, là sinh viên Đại học Tài chính tại TP.Hồ Chí Minh, có địa chỉ tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại khu vực cách ly. Ảnh minh hoạ.

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại khu vực cách ly. Ảnh minh hoạ.

Ngày 11/10, anh H. từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên chuyến máy bay VN216, sau đó anh H. di chuyển về Thái Bình bằng xe taxi. Đến 7h sáng ngày 12/10, anh H. đến Trạm Y tế phường Kỳ Bá khai báo y tế và được hướng dẫn chuyển đến cách ly tại khu cách ly tập trung Thành phố Thái Bình.

Sau đó, anh H. được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC tỉnh và cho quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 13/10. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, CDC tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Thái Bình tập trung truy vết các trường hợp liên quan.

Bước đầu đã ghi nhận 3 trường hợp F1 là bố, mẹ anh H. và 1 trường hợp cùng phòng khu cách ly, triển khai khử khuẩn vệ sinh môi trường các khu vực liên quan. Đồng thời phối hợp với CDC Hà Nội truy vết trường hợp lái xe taxi chở anh P.N.H từ sân bay Nội Bài về tỉnh.

Hiện bệnh nhân H. đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trường hợp F1, F2 được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng đã báo nhanh tới các tỉnh và các địa phương lịch trình di chuyển của xe taxi và mã hiệu chuyến bay để có biện pháp xử lý kịp thời.

(Theo Dân Việt)

Quảng Ninh yêu cầu gia đình có người cách ly y tế phải treo biển ở cửa nhà

Theo đó, tất cả người từ các địa phương khác vào Quảng Ninh hoặc người Quảng Ninh từ các địa phương khác trở về tỉnh, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu.

Thực hiện khai báo y tế, quét mã QR-code, quét mã căn cước công dân hoặc mã thẻ định danh tại các chốt kiểm soát thông tin ra vào địa bàn.

Tài xế vận tải hàng hóa vào địa bàn Quảng Ninh làm thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm dịch cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh(Ảnh minh họa)

Tài xế vận tải hàng hóa vào địa bàn Quảng Ninh làm thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm dịch cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh(Ảnh minh họa)

Các chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn thực hiện người về theo các nội dung cụ thể, gồm:

Đối với người đến, về từ vùng cấp độ 1(vùng xanh): Người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, người được công bố khỏi bệnh Covid-19 theo quy định thì theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương.

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm đủ liều vắc xin nhưng chưa qua 14 ngày (tính từ mũi tiêm cuối), thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày.

Đối với người đến, về từ vùng cấp độ 2 (vùng vàng) và vùng cấp độ 3 (vùng cam): Người đã tiêm đủ liều vắc xin , người được công bố khỏi bệnh Covid-19 thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khoẻ 14 ngày; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào các ngày thứ 1, 7 trong thời gian cách ly y tế.

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc tiêm đủ liều vắc xin nhưng chưa qua 14 ngày thì thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ 14 ngày; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào các ngày thứ 1, 7, 14 trong thời gian cách ly y tế.

Đối với người đến và về từ vùng cấp độ 4 (vùng đỏ): Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ, không được di chuyển ra khỏi địa phương đang thực hiện giãn cách, phong toả.

Trường hợp bất khả kháng phải về, thì người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, người được công bố khỏi bệnh thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khoẻ 14 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào các ngày thứ 1, 7, 14 trong thời gian cách ly y tế.

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm nhưng chưa qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối: Thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào các ngày thứ 1, 7, 14 trong thời gian cách ly y tế.

Phải treo biển “Gia đình đang có người thực hiện cách ly y tế”

Việc cách ly y tế tại nhà chỉ được thực hiện khi địa điểm cách ly đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 “Về việc ban hành Quy định về việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19”.

Việc cách ly tại nhà phải được thực hiện nghiêm túc với sự quản lý của chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng; thực hiện treo biển thông báo “Gia đình đang có người thực hiện cách ly y tế” để cộng đồng biết, hỗ trợ.

Nếu không đáp ứng đủ điều kiện cách ly tại nhà, phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Các trường hợp vi phạm quy định cách ly sẽ bị buộc cách ly tập trung và xử lý nghiêm theo quy định.

Việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau cần tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế có hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.

Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ: Người lao động có nhu cầu vào Quảng Ninh làm việc không bắt buộc phải tiêm đủ liều Vaccine nhưng phải thực hiện việc kiểm soát, cách ly theo quy định tại văn bản này.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, khi cần đưa người, đưa lao động hoặc có đối tác cần vào Quảng Ninh để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, làm việc… thì đơn vị đón người lao động có văn bản đề nghị UBND cấp huyện nơi cần đến chấp thuận.

(Theo Báo Giao Thông)

Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn về quê, lịch trình di chuyển phức tạp, có đi qua Hà Nội

Lãnh đạo UBND huyện Lục Nam, Bắc Giang cho biết, cơ quan chức năng huyện này vừa phát hiện người đàn ông trốn về từ Bình Dương có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Cơ quan chức năng tiến hành truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc với F0 tại huyện Lục Nam. Ảnh FB.

Cơ quan chức năng tiến hành truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc với F0 tại huyện Lục Nam. Ảnh FB.

Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực truy vết, cách ly y tế những người liên quan. Bước đầu đã xác định được 12 F1.

Cụ thể, ngày 8/10, người đàn ông trên đi nhờ xe từ TP Thuận An, Bình Dương về tỉnh Quảng Nam. Sau đó, người này đi bộ về TP Đà Nẵng. Ngày 10/10, người này tiếp tục đi nhờ xe ô tô từ Đà Nẵng về Hà Nội.

Ngày 11/10, người đàn ông này đi nhờ xe mô tô của người đàn ông ở xã Mỹ An, Lục Ngạn, Bắc Giang từ Hà Nội về nhà nghỉ Bình Yên tại thị trấn Đồi Ngô.

Tại đây, người đàn ông đã tiếp xúc với chủ nhà nghỉ, đi ăn cơm, cắt tóc và mua quần áo tại 3 địa điểm khác nhau trên địa bàn thị trấn Đồi Ngô.

Hiện, cơ quan chức năng huyện Lục Nam đã cơ bản khoanh vùng, truy vết, cách ly F1, F2 có tiếp xúc gần với F0 này.

(Theo Báo Giao Thông)

Sở Y tế Quảng Nam thông tin về 17 học sinh trường bán trú nghi mắc COVID-19

Sáng 13/10, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin, địa bàn vừa ghi nhận 19 ca nghi nhiễm COVID-19 tại địa bàn huyện miền núi Phước Sơn, trong đó có 17 học sinh tại một trường học.

Trước đó, Quảng Nam ghi nhận trường hợp em Hồ Thị N. (SN 2003, trú tại thôn 1, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn) có biểu hiện sốt, ho, qua thăm khám tại Bệnh viện Minh Thiện (TP Tam Kỳ) qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện Phước Sơn chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương khoanh vùng, truy vết đối tượng F1 và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Qua test nhanh các thành viên trong gia đình bệnh nhân N. phát hiện em ruột của bệnh nhân là H.T.N.M (đang học lớp 8/2, trường Phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Phước Chánh) và một người cùng xóm cũng cho kết quả dương tính.

Tiếp tục xét nghiệm tại trường này, kết quả có 16 em học sinh và 1 giáo viên nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.

Lãnh đạo huyện Phước Sơn đã yêu cầu kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, trong đó thực hiện giãn cách xã hội đối với xã Phước Chánh từ 0 giờ ngày 13/10. Đồng thời tiếp tục khẩn trương truy vết các F1, F2.

(Theo Tiền Phong)

Nam sinh viên quê Thái Bình dương tính với SARS-CoV-2 đi từ ổ dịch TP HCM về

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, rạng sáng nay (13/10), trên địa bàn ghi nhận 1 công dân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau 36 ngày tỉnh này không ghi nhận ca mắc.

Trường hợp này là nam sinh viên (SN 2000), trú tại phường Kỳ Bá (TP Thái Bình), đang học ở một trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh về Thái Bình và đã được cách ly từ trước.

Qua truy vết của cơ quan chức năng, vào 11/10 nam sinh viên đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên chuyến máy bay VN216. Khi về đến sân bay Nội Bài, công dân đi taxi về Thái Bình, đến khoảng 1h sáng 12/10 nam sinh viên về đến nhà và có tiếp xúc với bố, mẹ.

Sáng nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận 1 ca dương tính sau 36 ngày không có ca mắc COVID-19

Sáng nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận 1 ca dương tính sau 36 ngày không có ca mắc COVID-19

Vào 7h sáng cùng ngày, công dân đến Trạm Y tế phường Kỳ Bá khai báo y tế, được chuyển đến cách ly tại khu cách ly tập trung TP Thái Bình và nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Kết quả xét nghiệm xác định, công dân dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế TP Thái Bình nhanh chóng tiến hành các biện pháp ứng phó, phun khử khuẩn các khu vực liên quan và bước đầu truy vết được 3 trường hợp F1 (bố, mẹ, 1 trường hợp cùng phòng khu cách ly); đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội truy vết trường hợp lái xe taxi chở ca dương tính từ sân bay Nội Bài về Thái Bình.

Hiện tại ca dương tính đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trường hợp F1, F2 được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

(Theo Gia Đình & Xã hội)

Thanh Hóa: Phát hiện một bệnh nhân dương tính là lái xe tải

Chiều ngày 12/10, theo CDC Thanh Hóa, 24h qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó 2 bệnh nhân được phát hiện tại các điểm test nhanh thị xã Nghi Sơn và 6 bệnh nhân là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh thành phố phía Nam đang thực hiện cách ly theo quy định.

Theo CDC Thanh Hóa, 1 bệnh nhân nam (SN 1986), có địa chỉ ở huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An là lái xe tải đang di chuyển từ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh ra phía Bắc. Bệnh nhân được phát hiện tại điểm test nhanh Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn và được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR kết quả dương tính ngày 11/10 .

Tại huyện Như Xuân ghi nhận 3 bệnh nhân là nữ, 2 bệnh nhân có địa chỉ xã Hóa Quỳ trở về từ tỉnh Bình Dương đang được cách ly tập trung; 1 bệnh nhân có địa chỉ xã Bình Lương trở về từ thành phố Thủ Đức, bệnh nhân được Trung tâm y tế Thị xã Nghi Sơn thực hiện test nhanh tại Điểm đón công dân xã Trường Lâm và có kết quả khẳng định bằng RT-PCR ngày 12/10.

Huyện Thọ Xuân ghi nhận 2 bệnh nhân, 1 bệnh nhân nữ địa chỉ xã Thuận Minh và 1 bệnh nhân nam địa chỉ xã Bắc Lương đều trở về từ tỉnh Bình Dương đang được cách ly tập trung.

Huyện Vĩnh Lộc ghi nhận 1 bệnh nhân địa chỉ xã Vĩnh Yên trở về từ Quận 8, TP Hồ Chí Minh được cách ly tại nhà theo quy định.

Huyện Cẩm Thủy ghi nhận 1 bệnh nhân địa chỉ xã Cẩm Bình trở về từ thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương và đang được cách ly tập trung.

Tính từ ngày 27-4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 559 ca mắc COVID-19 cộng dồn; 469 người điều trị khỏi ra viện; 5 ca tử vong; số bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.

(Theo Gia Đình & Xã hội)

Thông báo hoạt động trở lại nhưng nhà xe vẫn chưa thể đón khách

Sau khi Bộ GTVT cho phép thí điểm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, nhiều nhà xe, đơn vị vận tải đã đăng ký hoạt động trở lại sau thời gian dài nằm bãi.

Tuy nhiên, khi người dân liên hệ thì một số đơn vị vận tải vẫn chưa thể hoạt động trong ngày 13-10.

Nhiều người dân mong mỏi xe khách hoạt động để được về quê.

Nhiều người dân mong mỏi xe khách hoạt động để được về quê.

Theo tìm hiểu của PV, trên một số trang mạng xã hội chia sẻ thông tin Công ty TNHH TM vận tải Hiếu Viện (Bến xe Miền Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM đi Hà Tĩnh) bắt đầu hoạt động trở lại từ 13-10. Nhiều người dân đã vui mừng vì có thể về quê bằng xe khách mà không phải di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như dự định.

Tuy nhiên, khi liên hệ với nhà xe, một nhân viên thông báo hiện nay tài xế chưa tiêm đủ hai mũi vaccine nên nhà xe chưa thể chạy lại được. Nhân viên này cũng đang liên tục trả lời điện thoại của nhiều khách hàng gọi điện đặt vé.

Chị NTT (quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi thấy mọi người về quê bằng xe máy thì vất vả quá. Ban đầu tôi định thuê xe du lịch để về nhưng mức giá quá cao, nay thấy có xe khách nên chờ đặt vé nhưng nhà xe lại thông báo chưa chạy nên tôi lại tiếp tục chờ”.

Trao đổi với PLO, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, cho biết TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh, nếu Hà Tĩnh đồng ý tiếp nhận người dân thì các nhà xe tuyến này mới tiếp nhận hành khách được.

“Tới tối ngày hôm qua (12-10) chỉ có sáu tỉnh đồng ý đón người dân về”- ông Đạt cho hay.

Theo quy định tại Quyết định số 1777 của Bộ GTVT, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe yêu cầu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy xác nhận).

Đồng thời, tài xế, nhân viên phục vụ trên xe phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe.

Trên xe, tài xế, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi sắp hết thời hạn của giấy xét nghiệm, lcác nhân viên này phải đến cơ sở y tế hoặc bến xe, trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát dịch (có tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2) gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm.

Sau chuyến đi, nếu nhân viên hãng xe thực hiện nhiều vòng chuyến (lượt đi và lượt về) và giấy test SARS- CoV-2 còn hiệu lực thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi. Nếu có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương.

Trường hợp nhân viên cư trú, lưu trú tại địa phương của bến xe nơi đến thì được về nhà, tuân thủ 5K, tự theo dõi sức khỏe tại nhà cho đến chuyến đi tiếp theo.

Nếu nhân viên lưu trú tạm thời thì đơn vị vận tải phối hợp với địa phương bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 1246 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trường hợp chuyến đi có hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ trên xe dương tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.

(Theo Plo.vn)

Bến xe, xe khách liên tỉnh Hà Nội hoạt động từ hôm nay

Sáng nay, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo cho phép các bến xe Hà Nội được hoạt động trở lại. Với xe khách đi và đến các tỉnh địa phương nguy cơ hoặc trong trạng thái bình thường mới được phép hoạt động bình thường, với các địa phương nguy cơ cao và rất cao thì hoạt động hạn chế.

Cụ thể, thông báo của Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GTVT Hà Nội ban hành quyết định tạm thời thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Sở GTVT Hà Nội nêu rõ, áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc.

Đối với các địa phương, khu vực nguy cơ và bình thường mới, Sở GTVT cho biết, tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Để thực hiện việc này, trong thông báo gửi các bến xe sáng nay, ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn thành phố niêm yết công khai và tuyên truyền chủ trương, quy định cho hành khách đi và đến tại bến xe.

Đồng thời quán triệt thực hiện thống nhất đến tất cả các đối tượng và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có liên quan tại bến xe chuẩn bị phương án và các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách từ trước khi bắt đầu mua vé cho tới khi kết thúc chuyến xe và về đến nơi cư trú; đảm bảo kiểm soát, thích ứng an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng theo quy định cụ thể của địa phương và quy định tạm thời tại Quyết định này; từ chối phục vụ (không bán vé) cho hành khách không đảm bảo quy định.

"Xây dựng phương án, kế hoạch đón trả hành khách và thống nhất lựa chọn phương án tổ chức vận tải của đơn vị vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, tham gia đăng ký khai thác chuyến xe phù hợp với lưu lượng dự kiến do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia công bố thí điểm tạm thời”, ông Long yêu cầu.

Bến xe, xe khách liên tỉnh được hoạt động thí điểm trong 7 ngày. Ảnh: Trọng Đảng

Bến xe, xe khách liên tỉnh được hoạt động thí điểm trong 7 ngày. Ảnh: Trọng Đảng

Với công tác phòng chống dịch, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các bến xe, thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin danh sách hành khách đi xe tối thiểu 21 ngày kể từ ngày phương tiện của đơn vị vận tải trả khách và kết thúc chuyến xe tại bến để tổng hợp báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cung cấp cho cơ quan chức năng phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu; Báo cáo lượng khách thực tế đi xe và tình hình hoạt động tại bến xe trong thời gian thí điểm về Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước 13h00 hàng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Giao thông vận tải.

Thời gian để các bến xe, doanh nghiệp vận tải thực hiện quy định hoạt động tạm thời này là từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021.

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải trong thời gian thí điểm, báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải Hà Nội (qua Phòng Quản lý vận tải ) trước 13h00 hàng ngày.

Phòng Quản lý vận tải thu thập thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động vận tải theo quy định của Bộ GTVT trong thời gian thực hiện thí điểm, tham mưu, đề xuất Giám đốc Sở trong công tác quản lý để kịp thời báo cáo nhanh trước 15h00 hàng ngày đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

(Theo Tiền Phong)

Lãnh đạo Hà Nội nói gì về việc mở cửa và cho học sinh đi học trở lại?

Chiều 12/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao đổi nhanh với báo chí về công tác phòng chống dịch.

Về việc Sở Y tế Hà Nội ra văn bản hướng dẫn trong đó có nội dung treo biển tại nhà người phải cách ly khi về thành phố, ông Quyền cho biết, việc này không phải là siết chặt về mặt y tế hay siết chặt quản lý. Việc gắn biển là để các cơ quan y tế hướng dẫn theo dõi sức khỏe của người dân trong bối cảnh có nguy cơ về dịch bệnh.

"Khi không thực hiện việc cách ly nữa thì ý thức của công dân rất quan trọng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi gắn biển thì cơ quan chức năng về y tế, tổ COVID-19 cộng đồng, hàng xóm láng giềng... đều biết có người về từ vùng dịch. Từ đó có biện pháp phòng chống dịch và giám sát được tốt nhất, an toàn nhất cho tất cả mọi người. Biện pháp gắn biển không phải mới, trong thời gian chống dịch vừa qua Hà Nội vẫn thực hiện việc dán biển ở các gia đình có F0", ông Quyền nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với những người không chấp hành các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch sẽ bị xử lý tuỳ từng mức và tùy theo hành vi của người vi phạm, thậm chí có cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về việc thay đổi quyết định, đồng ý tiếp nhận hành khách về Hà Nội, ông Quyền cho biết, để thực hiện được thành quả chống dịch như ngày hôm nay Hà Nội đã phải rất quyết tâm, bây giờ cũng phải quyết tâm giữ được thành quả đó, bảo vệ được tính mạng và sức khỏe cho người dân. "Việc triển khai tiếp nhận các chuyến bay, hành khách là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, là sự phối hợp của Hà Nội, để vừa đảm bảo được phòng chống dịch một cách cao nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại", ông Quyền nêu.

Cũng theo ông Quyền, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, là đầu não quốc gia, tập trung các cơ quan của T.Ư, của thành phố, vì thế phải đảm bảo được thành quả chống dịch. Khi đã đạt được điều kiện về phòng chống dịch bệnh và tiêm phủ được vắc xin mũi 2 cho cả công dân dưới 18 tuổi thì Hà Nội sẵn sàng mở cửa. "Chúng ta không thể đóng cửa mãi được, nhưng điều kiện và thời điểm để mở cửa là vấn đề quan trọng nhất", ông Quyền khẳng định.

Nói về lộ trình mở cửa thêm các hoạt động, ông Quyền cho biết, hiện Hà Nội mới tiêm vắc xin mũi 2 được 50%, người dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm.

Về thời điểm Hà Nội cho trẻ em trở lại trường học, ông Quyền cho biết, thành phố chưa có lộ trình và thời điểm cụ thể. "Chúng tôi đang rà soát phải tính toán thêm, nhất là khi mở hàng không và các hoạt động vận tải. Khi nào có sự an toàn, thành phố mới báo cáo Thường trực Thành uỷ. Nếu có mở lại việc học trực tiếp cũng sẽ mở các vùng an toàn trước, song hiện chưa có kế hoạch", ông Quyền cho biết.

(Theo Tiền Phong)

Làm rõ giá xét nghiệm COVID-19, cá nhân làm từ thiện

Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2022.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Bên cạnh đó, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đáng lưu ý, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng quý III, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42%. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, sức ép lạm phát tăng, xuất khẩu giảm tốc… Riêng trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận yêu cầu báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh, do đó một mặt cần chuẩn bị sớm báo cáo này, đánh giá tình hình triển khai, đề xuất chiến lược giải pháp thời gian tới; mặt khác báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó, chủ động đánh giá việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội ủy thác theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác 24/7. Tổ công tác không thụ động, phụ thuộc mà nghiên cứu từ trước từ sớm từ xa, chủ động đề xuất cả những vấn đề Chính phủ không đề xuất và tạo được sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm những kết quả và điểm chưa được để có báo cáo Quốc hội. Lưu ý các nội dung thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá theo từng khu vực kinh tế, lĩnh vực để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung mà Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã đề cập.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong năm 2022 làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Cần các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn

Nêu rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng có thể trình Quốc hội xem xét quyết định một số văn bản như kế hoạch phát triển phục hồi kinh tế sau dịch, xử lý nợ xấu, thể chế chính sách khác có trong chương trình và định hướng chương trình nhiệm kỳ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tập trung vào các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách vĩ mô khác, gắn với cải cách thủ tục hành chính,chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ có kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua để có báo cáo Quốc hội như giá xét nghiệm COVID-19; vấn đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động nhất là tại các tỉnh phía Nam, lao động về quê; vấn đề dạy và học trực tuyến; việc duy trì các hoạt động văn hóa xã hội để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc…

(Theo Tiền Phong)

Quy định mới về cách ly khi đến Bình Thuận

Ngày 12/10, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký văn bản hướng dẫn tạm thời việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi người dân đến Bình Thuận. Theo đó, người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và luôn thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi.

Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 sẽ cách ly tại nhà 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Còn những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải cách ly tập trung 14 ngày; tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARSCoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

COVID-19 13/10: 6 bé cùng trường mầm non nhiễm SARS-CoV-2, lấy mẫu khẩn 700 giáo viên, học sinh - 9

Đối với người đi từ các tỉnh, thành phố khác, nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày khi đến Bình Thuận; hạn chế tiếp xúc và thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID19 sẽ thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày đến địa phương, luôn thực hiện thông điệp 5K và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tại nhà.

Tỉnh Bình Thuận yêu cầu các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; tổng hợp danh sách tất cả người dân di chuyển về các địa phương để quản lý chặt chẽ. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ người dân về từ các tỉnh, thành thực hiện cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà theo quy định.

(Theo Tiền Phong)

Người dân ồ ạt đi tiêm mũi 2 để thông hành, Sở Y tế Bình Dương thông báo khẩn

Sáng 12/10, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có thông báo khẩn gửi đến các đơn vị, địa phương với thông điệp người dân bình tĩnh chờ đến lượt, tất cả sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 theo tiến độ kế hoạch đề ra.

Thông báo nêu, đến nay, Bình Dương đã nhận 3.809.766 liều vắc xin các loại và đã tiến hành tiêm gần 3.100.000 liều. Dự kiến, chậm nhất trong 2 ngày tới, Bình Dương sẽ nhận thêm 774.600 liều vắc xin được phân bổ.

Theo quy định đã được ban hành, người dân chỉ cần tiêm mũi 1 sau 14 ngày có thể lưu thông, đủ điều kiện tham gia đi lại làm việc. Do đó, người dân không nên nóng vội, hiểu sai việc phải tiêm 2 mũi mới được lưu thông để tụ tập đến các điểm tiêm chủng gây ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch bệnh và mất an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng được cử đến hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin sắp xếp người dân giữ đúng khoảng cách an toàn

Lực lượng chức năng được cử đến hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin sắp xếp người dân giữ đúng khoảng cách an toàn

Trước đó, trong hai ngày qua, tại các điểm tiêm chủng phòng COVID-19 ở Bình Dương, người dân ồ ạt đến tiêm với số lượng quá đông, nhiều trường hợp chưa đủ thời gian và chưa có tên trong danh sách vẫn đến năn nỉ được tiêm mũi 2.

Mặc dù lực lượng chức năng đã vận động giữ khoảng cách nhưng người dân không chấp hành khiến nhiều điểm tiêm vắc xin phải tạm ngưng giữa chừng để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Sáng cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 10 này, Bình Dương sẽ tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, người dân không nên nóng vội, tụ tập.

“Theo kế hoạch, trong tháng 10 này, Bình Dương sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, sau khi hoàn tất mũi 2 cho người dân, địa phương sẽ mở cửa toàn bộ, mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói.

(Theo Báo Giao Thông)

Hành khách đến Hải Phòng bằng tàu hoả phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính

Tối 12/10, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng thông tin về việc kiểm soát người đi đến ga Hải Phòng khi mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt.

Theo đó, TP Hải Phòng thực hiện tiếp nhận hành khách về từ các địa phương trên các chuyến tàu khách đến ga Hải Phòng khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến Hải Phòng phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19). Quy định này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi.

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu. Thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, tuân thủ 5K; không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...

Còn đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến Hải Phòng phải thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, tuân thủ 5K; không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng; Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.

Bên cạnh đó, TP Hải Phòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với các nhóm đối tượng theo Quyết định số 1782/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải khi xuống Ga Hải Phòng và lưu trú tại Hải Phòng áp dụng như sau:

Người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng màu đỏ, vùng màu cam, vùng màu vàng) được công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ Y tế thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 2 và ngày thứ 7.

Người trở về từ các địa phương nguy cơ hoặc bình thường mới thì thực hiện tự theo dõi sức khỏe 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7; nếu có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở... thì phải thông báo ngay đến cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ. Luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, không tiếp xúc nơi đông người trong vòng 14 ngày.

(Theo Báo Giao Thông)

Hà Nội đề xuất treo biển trước cửa nhà người bay về từ TP.HCM: Dân mạng phản ứng trái chiều
Đề xuất của Sở Y tế Hà Nội về việc treo biển trước nhà người bay về từ TP.HCM và Đà Nẵng đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối.

Tin tức Hà Nội

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19