Chiều 13/9, có thêm chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi) đi làm ăn ở Yên Bái, bị lũ cô lập mất liên lạc nay về an toàn cùng 2 con. Như vậy, trong ngày hôm nay có 11 trường hợp được cho là mất tích trong vụ sạt lở Làng Nủ đã trở về an toàn.
Thêm 3 người dân thôn Làng Nủ thoát nạn trong vụ sạt lở ở Lào Cai
Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho biết tính đến 16 giờ 15 phút ngày 13/9 đã có thêm 3 người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên may mắn thoát chết trong vụ sạt lở do đi làm ăn xa.
Cụ thể, đây là 3 người trong một gia đình có người mẹ tên là Nguyễn Thị Hồng (sinh 1991); hai con là Hoàng Thị Hiểm (sinh 2008), Hoàng Trung Huyên (sinh năm 2010) đi làm ăn ở Yên Bái, bị lũ cô lập mất liên lạc, nay đã trở về an toàn.
Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng nằm trong danh sách được xác định mất tích.
Chị Nguyễn Thị Hồng trở về Làng Nủ chiều 13/9. Ảnh: Thành Chung.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng, ba mẹ con đi làm thuê ở TP Yên Bái, bị cô lập bởi nước lũ, không có sóng điện thoại nên không biết thảm họa xảy ra tại làng rạng sáng 10/9. Chiều qua nước rút, chị gọi về nhà mới hay tin bố mẹ, các em an toàn, một số họ hàng trong thôn đang cấp cứu ở bệnh viện, nhà cửa bị vùi lấp. Sáng nay chị đi nhờ xe một đoàn từ thiện trở về làng.
Như vậy, trong ngày hôm nay có 11 trường hợp mất tích trong vụ sạt lở Làng Nủ trở về.
Tính đến 16h15 hôm nay số người chết là 48, số người mất tích là 36, số người an toàn đến thời điểm hiện tại là 57 người.
Hà Nội: Ngập lụt ở Chương Mỹ có thể kéo dài thêm 10-13 ngày
Chiều nay (13/9), lũ trên hạ du các sông miền Bắc đang có xu thế xuống chậm nhưng vẫn duy trì mức lũ cao.
Sông Cầu tại Đáp Cầu (Bắc Ninh) lúc 15h chiều nay vẫn trên báo động 3, cách mực lũ lịch sử năm 1971 khoảng 37cm. Dự báo từ chiều nay đến trưa mai, nước lũ sông Cầu tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3.
Sông Thương tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) lúc 15h hôm nay vẫn trên báo động 3 là 51cm. Dự báo trong chiều và đêm nay, nước sông Thương xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3. Trong ngày mai, nước lũ sông Thương xuống dưới mức báo động 3 và trên báo động 2.
Tân Tiến là một trong những xã ở Chương Mỹ bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ
Sông Hoàng Long tại Bến Đế (Ninh Bình) lúc 15h hôm nay trên báo động 3 là 72cm. Dự báo từ chiều nay đến trưa mai, lũ xuống chậm ở đây và vẫn duy trì trên báo động 3.
Nước lũ sông Lục Nam và sông Thái Bình chiều nay xuống dưới mức báo động 3. Dự báo từ chiều nay đến trưa mai, trên hai dòng sông này, nước lũ xuống chậm, duy trì mức dưới báo động 3, trên báo động 2.
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong chiều nay trên báo động 1 là 2cm. Trong chiều tối và đêm nay, nước sông Hồng xuống dưới báo động 1. Ngày mai, nước lũ sông Hồng ở Hà Nội tiếp tục rút.
Với diễn biến lũ như trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, khu vực ven sông các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, thời gian nước rút kéo dài từ 3-6 ngày tới.
Khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Nhuệ tại Hà Nội mất thêm 2-3 ngày để nước rút hoàn toàn, riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ, nằm ven sông Bùi có thể mất tới 10-13 ngày, sông Tích khoảng 7-10 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 3-5 ngày.
Tại khu vực vùng núi Bắc Bộ, cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ sạt lở đất. Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cung cấp trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Hà Nội: 3.000 cây xanh gãy đổ sẽ được "cứu", trong đó có 100 cây quý hiếm
Tính đến ngày 13/9, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có trên 40.000 cây đổ và cành gãy (số liệu này vẫn chưa đầy đủ, do một số quận, huyện chưa có báo cáo cụ thể).
Trong đó, có 13.615 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) bị gãy, đổ (10.589 cây đổ, bật gốc; 3.069 cây bị gãy cành, cây gãy ngọn). Hơn 26.300 cây do cấp quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị gãy, đổ.
Cây cổ thụ bật gốc trên phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, TP Hà Nội) sau bão số 3.
Đến chiều tối 12/9, vẫn còn gần 7.000 cây xanh gãy, đổ chưa được thu dọn, xử lý. Báo cáo cũng nêu, đã có 3.082 cây trồng lại (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại)...
Hiện nay, công tác giải tỏa để đảm bảo an toàn giao thông cơ bản đã hoàn thành, đồng thời đã rà soát, phân loại các cây xanh yếu chuyển về vườn ươm chăm sóc, chuẩn bị nơi tập kết củi gỗ.
Công nhân dọn dẹp cây đổ, cắm lại biển báo giao thông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mặc dù đã có dự báo và thành phố chuẩn bị mọi phương án ứng phó nhưng thiệt hại về tài sản, đặc biệt là hệ thống cây xanh là rất lớn, bởi bão số 3 lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào thành phố.
Ông Tuấn đề nghị Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan tập trung cao độ xử lý, khắc phục hệ thống cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt tại các công viên, khu đô thị. Cần huy động sự vào cuộc của các đơn vị để hoàn thành việc khắc phục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị, chỉnh trang đô thị để sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Dự kiến trước 20/9 các cơ quan chức năng sẽ thu dọn hết cây xanh gãy đổ trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, trong đó phân loại cây nào là cổ thụ, cây nào có thể trồng lại, cây nào phải mang đi ươm trồng… cho hiệu quả. Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy, đổ trên địa bàn thành phố; thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố là “cứu” tối đa các cây, với dự kiến có khoảng 3 nghìn cây có thể “cứu” (trong đó có 100 cây quý hiếm).
Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan sau khi cắt gọn cây xanh bị gãy, đổ, cần tiếp tục dọn dẹp, bảo đảm trước ngày 20/9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn “cứu” các cây; tập trung khôi phục hạ tầng, cải tạo vỉa hè sau khi trồng lại cây xanh gãy, đổ.
TP HCM mưa tầm tã vào giờ tan tầm
Theo ghi nhận, từ trưa đến chiều, TP HCM nắng yếu, nhiều mây có lúc mưa rào chóng tạnh; gần chiều tan tầm, bầu trời TP HCM bắt đầu kéo mây đen, nhiều quận huyện trở nên tối sầm. Đến khoảng gần 17 giờ, cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống, nhanh chóng tầm tã ngay sau đó.
Đến gần 18 giờ, nhiều nơi đã giảm mưa.
Người dân di chuyển trong cơn mưa
Đến gần 18 giờ, nhiều khu vực ở TP HCM vẫn tiếp tục mưa
Hơn 16 giờ, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết vùng mây dông đang phát triển gây mưa rào kèm theo dông, sét trên khu vực các huyện Bình Chánh, Củ Chi.
Trong vài giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển và gây mưa rào kèm theo dông, sét trên các khu vực kể trên, sau mở rộng sang nhiều nơi khác trên địa bàn TP HCM. Lượng mưa phổ biến trên khu vực từ 5-20 mm, cục bộ có điểm trên 30 mm.
Trong cơn dông cần đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh cấp 5-7 (8-17 m/ giây), mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Trong những ngày tới, rãnh áp thấp dịch dần xuống phía Nam qua khu vực Trung và Nam Trung Bộ hoạt động mạnh dần. Gió mùa Tây Nam trên khu vực sẽ hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới suy yếu.
Theo đó, đợt mưa lớn ở TP HCM và các tỉnh Nam Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 18-9.
Người dân cần lưu ý trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở các vùng trũng thấp, ven sông và kênh rạch.