Tin tức 24h: Từ đêm mai, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có mưa rất to

H.A - Ngày 21/07/2024 18:54 PM (GMT+7)

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm 22/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa rất to.

Từ đêm mai, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay 21/7, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10.

Theo dự báo, trưa và chiều 22/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh trên biển.

Từ gần sáng ngày 23/7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Bão có thể gây mưa to đến rất to tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới (từ đêm 22/7 đến ngày 24/7).

Khu vực Đông Bắc Bộ sẽ có mưa trong 3 ngày liên tiếp do ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh: VGP

Khu vực Đông Bắc Bộ sẽ có mưa trong 3 ngày liên tiếp do ảnh hưởng của bão số 2. Ảnh: VGP

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước đêm 21 và ngày 22/7

Thời tiết Hà Nội đêm nay và chiều tối mai có lúc có mưa rào và dông. Nhiệt độ từ 25-33 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; ngày nắng. Nhiệt độ từ 24-34 độ.

Phía Đông Bắc Bộ đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; ngày nắng gián đoạn. Nhiệt độ từ 24-34 độ.

Khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.Nhiệt độ từ 24-33 độ.

Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Bắc chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Nhiệt độ từ 25-34 độ.

Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Nhiệt độ từ 21-29 độ.

Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Nhiệt độ từ 23-33 độ.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó với bão số 2, chủ động sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm

Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký công điện gửi các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên về việc tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ.

Theo đó, sáng nay (21/7), áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024). Hồi 13 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, trưa và chiều mai (ngày 22/7) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh trên biển.

Từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến như sau: Khu vực ven biển Bắc Bộ và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ: 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa: 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Bão số 2 có đường đi phức tạp và gây mưa cho nhiều khu vực.

Bão số 2 có đường đi phức tạp và gây mưa cho nhiều khu vực.

Bão có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên các sông suối nhỏ, ngập úng tại vùng thấp trũng và các đô thị, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và khu vực sườn dốc.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó:

Tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.

Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Lào Cai và Yên Bái thiệt hại nặng nề do mưa lớn

Chiều ngày 21/7, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai và Yên Bái Nông thôn đã có báo cáo thiệt hại do mưa lớn ở 2 tỉnh này.

Theo đó, tại Yên Bái, Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc, kết hợp với rìa phía Tây Nam áp cao cận nhiệt đới, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa rào, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.

Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Yên Bình thì có 13 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở, ngập úng và tốc mái. Diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng là 0,338 ha, 4 con gia súc và 149 con gia cầm bị chết. Đường Quốc lộ 32 từ km259+100+Km269+300 có 9 vị trí /2100 m3 đất đá trôi tràn mặt đường gây tắc đường.

Tại Lào Cai, từ đêm qua đến nay, một số nơi có mưa to đến rất to như: Thủy điện Tà Thàng (thị xã Sa Pa) 106,6mm; Cam Đường (TP Lào Cai) 87,2 mm; Nậm Chày (Văn Bàn) 75,6 mm; Bản Hồ (thị xã Sa Pa) 73,8mm.

Mưa lớn khiến 2 ngôi nhà bị sạt lở và 0,584ha diện tích nông nghiệp bị hư hại với hàng loạt tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể tiếp tục có mưa. Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có mưa kéo dài, đất đã ngấm no nước, kết cấu kém; do đó rất dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo đến người dân đồng thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, khắc phục thiệt hại kịp thời. Đối với các khu vực bị sạt lở, hoặc có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún đề nghị các địa phương lưu ý bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông và triển khai cắm biển, căng dây cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, xác minh, lập biên bản và chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại. Duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.

Người đàn ông Nhật Bản chọn Việt Nam học thạc sĩ, nhận bằng ở tuổi 63

Ông Kato Mitsuru, người Nhật Bản, đã sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới trước khi đến với Việt Nam.

Ông đến Việt Nam lần đầu năm 2004 và sống hai năm liên tục từ 2008 đến 2009. Ấn tượng trước vẻ đẹp thiên nhiên, sự thân thiện của con người, ông đã lựa chọn gắn bó với nơi này trong khi gia đình ông định cư tại nước ngoài.

“Sau những chuyến đi công tác, làm việc tại Việt Nam, tôi nhận ra rằng, Việt Nam rất phù hợp với tôi”, ông Kato nói.

Vì vậy, sau khi đến tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản, ông quyết định sang Việt Nam và đi làm cho một công ty về sản xuất linh kiện điện tử ở Hải Dương trong vòng 5,5 năm.

Ông Kato Mitsuru, 63 tuổi, người Nhật Bản vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN. Ảnh: Trần Quốc Toản.

Ông Kato Mitsuru, 63 tuổi, người Nhật Bản vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN. Ảnh: Trần Quốc Toản.

Sau một thời gian làm việc, ông Kaito quyết định học cao hơn để hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.

Ông Kato cho biết, những ngày đầu tiên đến Việt Nam, bất đồng ngôn ngữ khiến ông gặp nhiều khó khăn. 

Những ngày đầu, không thể phát âm được, không biết làm sao để người đối diện hiểu, ông vừa cố gắng nói lẫn lộn các ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật vừa dùng ngôn ngữ hình thể để biểu đạt. 

Mặc dù bắt đầu học tiếng Việt khi đã ở độ tuổi gần 50, chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của gia sư, nhưng ông Kato đã rất nỗ lực để có thể viết, giao tiếp tiếng Việt và ứng tuyển vào chương trình thạc sĩ ngành Khu vực học (theo định hướng Việt Nam học) của Trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo học ngành này, ông học về tất cả mọi thứ gồm văn hóa, chính trị, ngoại giao, kinh tế,... của Việt Nam.

Quyết định đi học, ông Kato cho biết, mình sống trong ký túc xá của ĐH Quốc gia Hà Nội và hằng ngày ăn cơm “bụi”. 

Ông cũng tham gia cùng câu lạc bộ xe đạp và đi đến rất nhiều địa điểm du lịch, có phong cảnh đẹp của Việt Nam như Sa Pa, Y Tý (Lào Cai), Chùa Hương, Đền Hùng...

Ông cho hay, cảm nhận văn hóa của Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với đất nước của mình, chẳng hạn về truyền thống gia đình và nhiều phong tục tập quán khiến ông cảm thấy gần gũi như quê nhà.

“Tôi thấy phong cảnh Việt Nam rất đẹp. Càng đi, tôi càng ấn tượng về văn hóa và con người Việt Nam”.

Ông Kato Mitsuru (thứ hai từ phải sang) nhận bằng thạc sĩ ở tuổi 63 cùng các bạn đồng khóa tại Việt Nam. Ảnh: Trần Quốc Toản

Ông Kato Mitsuru (thứ hai từ phải sang) nhận bằng thạc sĩ ở tuổi 63 cùng các bạn đồng khóa tại Việt Nam. Ảnh: Trần Quốc Toản

Ông Kato cho hay, lý do chọn học thạc sĩ ở Việt Nam đơn giản chỉ là muốn có thêm nhiều kiến thức, hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

“Tôi chọn Trường ĐH Việt Nhật để theo học vì qua tìm hiểu, tôi biết trường có nhiều giảng viên người Nhật ngoài những giảng viên người Việt giỏi”. 

Lớn tuổi, đi học với người trẻ, song ông Kato cho hay không cảm thấy xấu hổ hay ngượng ngùng mà thay vào đó rất vui, bởi người trẻ có rất nhiều năng lượng. 

“Các bạn trẻ rất thông minh, giàu năng lượng và những điều đó cũng giúp tôi như được tiếp thêm động lực, thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn trong học tập”. 

Trong luận văn thạc sĩ được bảo vệ mới đây, ông lựa chọn nghiên cứu về chủ đề: “Thực trạng của lao động theo hợp đồng người Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng”, qua đó đưa ra vấn đề về nhóm lao động dễ bị tổn thương, bóc lột bởi hạn chế ngôn ngữ. 

Đây là một đề tài mang nhiều ý nghĩa song không dễ thực hiện và thách thức nhất đối với ông là phải viết luận văn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, ông Kato đã cố gắng đầu tư rất nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành nghiên cứu.

Bằng phương pháp tiếp cận kết hợp giữa phỏng vấn sâu, phân tích văn bản và những quan sát dựa trên kinh nghiệm của bản thân, ông Kato phát hiện thấy các lao động hay thực tập sinh kỹ năng Việt Nam ở Nhật là nhóm dễ chịu tổn thương, bị bóc lột và gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Nguyên nhân một phần cũng từ khả năng ngôn ngữ (tiếng Nhật) hạn chế.

Chính vì vậy, trong phần đề xuất của mình, ông Kato nhấn mạnh các cơ quan hữu trách của cả Việt Nam và Nhật Bản nên có những chương trình phù hợp nhằm giúp các lao động hay thực tập sinh kỹ năng Việt Nam cải thiện năng lực tiếng Nhật.

Cùng đó, các công ty dịch vụ phái cử lao động sang Nhật Bản nên điều chỉnh mức chi phí sao cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không tạo gánh nặng tài chính cho người lao động. Hay Chính phủ Nhật Bản có thể thảo luận với những doanh nghiệp thuê lao động Việt Nam về khả năng chi trả 100% chi phí dịch vụ cho công ty dịch vụ phái cử từ Việt Nam.

Ảnh: Trần Quốc Toản.

Ảnh: Trần Quốc Toản.

Ông Kato cho hay, ngày hôm nay, được nhận tấm bằng thạc sĩ, ông cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc. Song ông mong muốn sẽ tiếp tục học cao hơn nữa, cụ thể là tiến sĩ về ngành Việt Nam học hoặc ngành Nhật Bản học khi có cơ hội.

Ông Kato nhìn nhận đến thời điểm hiện tại, tiếng Việt của ông vẫn còn kém, mặc dù có tốt hơn so với 2 -3 năm trước.

“Tôi đã có thể đọc, viết và nghe tốt nên giờ đây đi học không cảm thấy khó khăn như trước nữa. Nhưng khả năng nói và phát âm chưa được tốt, đó cũng là vấn đề mà tôi cần khắc phục”, ông Kato nhìn nhận.

Ông Kato cho hay, sau khi học tập và nghiên cứu về văn hóa, con người Việt Nam, ông muốn chia sẻ nhiều hơn những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam tới những những người bạn của mình ở Nhật.

GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Việt Nhật, Giám đốc chương trình thạc sĩ Khu vực học) cho hay, ông Kato là học viên đặc biệt khi thi vào chương trình thạc sĩ Khu vực học khi tuổi đã cao. Song ông rất quyết tâm, nghị lực, nhiệt tình nghiên cứu về Việt Nam và chủ đề nghiên cứu rất đặc biệt về người Việt đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.

“Lúc đầu tôi lo lắng bởi tiếng Việt của học viên tương đối khó khăn nhưng sau hai năm, Kato đã vượt qua tất cả và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với chất lượng tương đối tốt”, GS Vũ Minh Giang nói.

Theo GS Giang, kết quả này thể hiện chất lượng học tập cũng như tình cảm rất đặc biệt của ông Kato với Việt Nam nói chung và đối với những người lao động Việt ở Nhật Bản nói riêng. “Ông Kato từng nói với tôi, sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, ông muốn tiếp tục học tập, nghiên cứu về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp kết quả nhỏ bé của mình vào việc cải thiện những điều kiện lao động cho các thực tập sinh và những người Việt Nam sang Nhật lao động", GS Vũ Minh Giang nói.

Ngày 21/7, Trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 32 cử nhân khóa đầu tiên (2020-2024) và 36 thạc sĩ học khóa VII. Năm nay, cũng là cột mốc đánh dấu 10 năm thành lập Trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tại buổi lễ, ông Ito Naoki - Đại sức đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, chúc mừng toàn bộ sinh viên, học viên tốt nghiệp năm nay. 

Đại sứ Ito Naoki cho hay những kiến thức các em tiếp thu được tại Trường ĐH Việt Nhật ngày hôm nay sẽ là hành trang giúp ích cho cuộc sống và công việc sau này của các em. Ông cũng hy vọng tân cử nhân, tân thạc sĩ sẽ trở thành cầu nối gắn kết mối quan hệ, tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản.

Bắc Ninh: Một lớp có tới 11 thủ khoa và á khoa khối C00

Ba thủ khoa đó là những em: Nguyễn Thị Vân Anh, Lương Thị Diệu Thu, Nguyễn Thị Thiện đều đạt mức điểm các môn: Lịch sử 10; Địa lý 10 và Ngữ văn 9,75 điểm.

Đây cũng là năm đầu tiên, trường này cùng lúc có nhiều thủ khoa như vậy.

Trao đổi với PV, cô Đào Thị Toan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A11 cho biết, kết quả điểm thi tốt nghiệp của lớp năm nay khởi sắc khiến thầy cô giáo và phụ huynh hết sức vui mừng, phấn khởi.

Năm học 2023-2024, lớp có 47 học sinh, trong đó kết quả thi có 3 em đạt thủ khoa khối C00; 8 Á khoa quốc gia khối C00 và 45/47 em có tổng điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên.

“3 học sinh thủ khoa khối C00 đều là học sinh giỏi cấp tỉnh các môn trong khối truyền thống. Dư luận đặt vấn đề cả nước chỉ có 19 thủ khoa, lớp 12A11 có tới 3 thủ khoa là sự bất ngờ nhưng là giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy Ngữ văn tôi không ngạc nhiên về điều đó vì các em có năng lực tốt. Thậm chí, tôi còn nuối tiếc vì chỉ 3 em của lớp đạt mức điểm đó là còn ít. Trong quá trình dạy học, chúng tôi khát vọng có học sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn”, cô Toan nói.

Tin tức 24h: Từ đêm mai, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có mưa rất to - 6

Ông Hoàng Công Trứ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình cho biết, kết quả điểm thi trung bình các môn của học sinh lớp 12 toàn trường năm nay ở mức 7,86 điểm, xếp thứ 3 toàn tỉnh.

Ngoài 3 thủ khoa khối C00, còn có 38 lượt học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối các môn và có tới 133 em có tổng điểm xét tuyển từ 27 trở lên. Điều đó khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường được chú trọng.

Cũng theo ông Trứ, sở dĩ, môn Ngữ văn năm nay học sinh đạt điểm cao, thậm chí có tới 3 thủ khoa trong 1 lớp là do vài năm trở lại đây, nhà trường rất quan tâm thúc đẩy chất lượng ở khối truyền thống này đồng thời có tiềm lực là đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề.

Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, Bắc Ninh có gần 17.500 thí sinh dự thi nhưng có tới 606 bài thi đạt mức điểm 9,75, nhiều nhất cả nước. Theo tính toán, cứ 10 thí sinh của địa phương này dự thi có một em đạt mức điểm từ 9,5 trở lên và 4 thí sinh dự thi có 1 em đạt mức điểm 9 trở lên.

Con vua rồi làm vợ vua, vị Hoàng hậu này nổi tiếng thông minh, được đánh giá là có công lớn trong sử Việt?
Trước khi trở thành vợ vua của một triều đại khác, bà là con của vua Lê Hiển Tông. Bà nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp nhưng lại đa truân. Dù...

Thâm cung bí sử

Theo H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h