Sau khi nhận được tin nhắn từ người bạn "Con gái mày đã bị tao bắt cóc", anh Tuyển tưởng bạn đùa còn đang định nhắn trả lời, thì tiếp tục nhận được tin nhắn đe dọa gửi kèm số tài khoản, đồng thời yêu cầu phải gửi 2 tỷ đồng để chuộc con.
Vụ bé gái 3 tuổi bị bắt cóc, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng: Hé lộ tin nhắn tống tiền từ "bạn thân"
Sau khi nhận được tin nhắn từ người bạn "Con gái mày đã bị tao bắt cóc", anh Tuyển tưởng bạn đùa còn đang định nhắn trả lời, thì tiếp tục nhận được tin nhắn đe dọa gửi kèm số tài khoản, đồng thời yêu cầu phải gửi 2 tỷ đồng để chuộc con.
Ngày 3/10, cơ quan Công an tỉnh Long An vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan lấy lời khai với Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, thường trú xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) để điều tra vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn.
Hiện bé gái M.C (3 tuổi) đã an toàn trở về đoàn tụ với gia đình tại nhà ở phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An.
Theo báo Dân Trí, chị Bùi Gia Hân (mẹ đẻ cháu M.C) cho biết, bé C. được gửi tại trường mẫu giáo ở khu dân cư phường 6, TP.Tân An, cách nhà khoảng 2km. Bình thường, buổi sáng người thân sẽ đưa bé vào trường, tới khoảng 16h-16h30 chiều ba mẹ bé thay nhau đón. Nhà trường cũng quen mặt hết thành viên gia đình mới cho rước trẻ khỏi trường.
Bé gái an toàn đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Thanh Niên
16h ngày 2/10, khi chuẩn bị đón con gái thì anh Lê Trọng Tuyển (cha bé C.) bất ngờ nhận được tin nhắn Zalo từ người bạn Nguyễn Thanh Sơn với nội dung: "Con gái mày đã bị tao bắt cóc".
Tưởng bạn đùa vui, anh Tuyển còn đang định nhắn trả lời lại thì tiếp tục nhận tin nhắn gửi kèm số tài khoản, đồng thời yêu cầu anh phải gửi 2 tỷ đồng để chuộc con.
"Nếu không chuyển tiền, hoặc báo công an thì sẽ giết chết bé, rồi tao tự tử như vụ ngoài Hà Nội", tin nhắn Sơn gửi đe dọa anh Tuyển.
Trước sự việc, anh Tuyển liền nhắn tin trả lời, nói Sơn bình tĩnh, có gì từ từ chuyển tiền, yêu cầu đừng làm hại bé.
"Gia đình nhanh chóng chạy lên trường thì mới biết bé đã được một người rước về. Người này còn đón cả con trai ruột đang học cùng lớp với bé C.. Biết chắc bé bị bắt cóc, gia đình rất bối rối, nhất là khi tin nhắn dồn dập từ Sơn lại liên tục yêu cầu chuyển tiền, không được báo công an", mẹ bé C. kể lại.
Ngay sau đó, gia đình anh Tuyển dồn tiền rồi chuyển vào tài khoản cho Sơn 1 tỷ đồng, đồng thời báo cơ quan công an.
Nhận được tin báo của gia đình nạn nhâm, cơ quan Công an tỉnh Long An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP.HCM vào cuộc điều tra. Cảnh sát chia làm nhiều mũi, lần theo dấu vết nghi phạm cũng như chốt chặn kiểm tra các phương tiện trên tuyến đường kẻ bắt cóc di chuyển.
Sau đó, nghi phạm Sơn bị công an bắt giữ. Cơ quan công an cũng giải cứu bé C. an toàn.
Chị Hân cho biết, Sơn là người bạn thân thiết với gia đình. Cách đây nhiều năm, anh Tuyển có quen biết với Sơn và cả 2 thường xuyên đi uống cà phê chung.
Hơn 6 giờ sau, gia đình chị Hân nhận được thông tin đã bắt giữ được Nguyễn Thanh Sơn và giải cứu bé C. an toàn.
"Gia đình tôi vỡ òa, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến các cán bộ, chiến sĩ công an đã giải cứu con tôi an toàn", chị Hân bày tỏ. Cách đây vài tháng, Sơn cũng có nói với chồng chị là muốn vay vài trăm triệu mua nhà nhưng gia đình không có nên thôi.
Hàng tháng, vợ chồng Sơn và vợ chồng chị Hân gặp gỡ nhau 3-4 lần đi chơi, uống nước. Sơn làm việc tại một đơn vị tại TP.Tân An.
Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi), nghi can bắt cóc trẻ em ở Long An tại công an. Ảnh: Vietnamnet
Chị Hân cho biết, ngày thường Sơn vui vẻ, khá hiền lành. Nhiều lần đi chơi chung, cũng có mặt cả con gái chị Hân và con của Sơn. Hai đứa bé học chung nên rất thân thiết.
"Dù người lớn chơi thân thiết với nhau nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhờ Sơn đón hộ con cả. Nhưng có thể con tôi quen mặt khi Sơn đến đón con anh ta ở lớp nên con tôi đi theo, cô giáo cũng mất cảnh giác", chị Hân chia sẻ với PV báo Dân Trí.
Diễn biến mới liên quan đến sự việc, chiều 3/10, Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khen thưởng nóng của UBND tỉnh Đồng Nai cho các đơn vị tham gia truy bắt đối tượng bắt cóc bé gái 3 tuổi đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng xảy ra tại tỉnh Long An, báo Lao động đưa tin.
Theo đó, các đơn vị được khen thưởng gồm: Công an tỉnh Đồng Nai, Công an huyện Tân Phú; Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai và Phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).
Phát biểu tại buổi lễ khen thưởng, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai biểu dương những nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đã mưu trí, kịp thời bắt giữ đối tượng bắt cóc để giải cứu cháu bé.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, trong vụ việc này lực lượng công an các đơn vị đã rất linh hoạt, kịp thời vào cuộc để bắt đối tượng, giải cứu cháu bé an toàn.
Vụ phụ huynh "tố" một trường tiểu học ở Hải Dương lạm thu: Yêu cầu tạm dừng kêu gọi đóng góp đầu năm
Báo Thanh niên đưa tin, ngày 3/10, ông Phạm Hải Ninh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết sở này đã nhận được báo cáo của Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn về các khoản thu đầu năm học tại Trường Tiểu học Thượng Quận (xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương)
Theo báo cáo, trong 14 khoản thu bị phụ huynh học sinh phản ánh trên mạng xã hội Facebook tại Trường Tiểu học Thượng Quận, có một số khoản đã thu, một số khoản chưa thu và số tiền qua phản ánh chênh lệch so với thực tế.
Cụ thể, nhà trường bị phản ánh kêu gọi ủng hộ cơ sở vật chất (bàn ghế) đầu vào lớp 1 là 400.000 đồng. Thực tế nhà trường vận động tài trợ lớp 1 là 700.000 đồng/học sinh (mua bàn ghế, sửa chữa nền nhà, tu sửa đường điện của các phòng). Đối với khoản thu này, nhà trường đang lấy ý kiến phụ huynh để báo cáo lãnh đạo địa phương và Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn, chưa tiến hành nhận kinh phí, hiện vật.
Báo cáo của Phòng GD&DDT thị xã Kinh Môn về sự việc. Ảnh: VietNamnet.
Nhà trường bị phụ huynh phản ánh kêu gọi ủng hộ 700.000 đồng/học sinh đối với khoản thu cơ sở vật chất đầu vào lớp 1 bán trú. Nhưng thực tế, nhà trường chỉ kêu gọi ủng hộ khoản tiền này là 400.000 đồng/học sinh (gồm mua đệm, quạt, điều hòa và giường nằm). Đối với khoản thu này, nhà trường đang lấy ý kiến phụ huynh để báo cáo và chưa nhận kinh phí, hiện vật ủng hộ.
Khoản kêu gọi ủng hộ tiền cơ sở vật chất đầu vào lớp 1 là 400.000 đồng/học sinh. Nội dung này nhà trường khẳng định không có trong kế hoạch thu, thông tin phản ánh không đúng.
Mục thu đồ dùng học sinh, nhà trường bị phản ánh thu 350.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, nhà trường khẳng định phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm mua cho học sinh các dụng cụ: bảng, bút viết bảng, đất nặn, giấy thủ công... với số tiền là 265.000 đồng/học sinh và đã thực hiện xong.
Khoản thu nước uống, nhà trường bị phản ánh thu 100.000 đồng/học sinh, nhưng thực tế chỉ thu 63.000 đồng/học sinh; vở ghi nhà trường bị phản ánh thu 157.000 đồng/học sinh, nhưng thực tế nhà trường chỉ thu 126.000 đồng/học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường bị phản ánh thu tiền vệ sinh trường là 120.000 đồng/học sinh, nhưng thực tế chỉ thu 100.000 đồng/học sinh.
Tiền quỹ lớp nhà trường bị phản ánh thu 200.000 đồng/học sinh, nhưng đây là khoản thu do ban đại diện phụ huynh thực hiện, Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn đã kiểm tra và yêu cầu trả lại phụ huynh.
Ngoài ra, trong báo cáo của Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn còn thể hiện có 5 nội dung phản ánh trên mạng xã hội về các khoản thu không đúng với thực tế mà Trường Tiểu học Thượng Quận đang thực hiện.
Liên quan đến sự việc, báo Dân trí thông tin thêm, Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn đã yêu cầu Trường Tiểu học Thượng Quận chưa triển khai thực hiện vận động (kêu gọi ủng hộ) khi chưa được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT địa phương còn yêu cầu Trường Tiểu học Thượng Quận báo cáo lãnh đạo địa phương trước khi triển khai thu, đóng góp; công khai các khoản thu và triển khai theo đúng quy định (nếu thu theo kỳ phải được sự đồng ý của tất cả phụ huynh học sinh); không triển khai tạm thu.
Đối với các khoản tài trợ, trước khi vận động triển khai, Ban Giám hiệu nhà trường phải báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo địa phương và Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn.
Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn cũng khẳng định vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh khi được đề nghị tham gia giám sát chặt chẽ các khoản thu góp trong nhà trường; Tiếp tục phối hợp với nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động giáo dục trong nhà trường và các khoản thu góp trong năm học.
Qua sự việc trên, Phòng GD&ĐT thị xã Kinh Môn tiếp tục chấn chỉnh các trường học trên địa bàn thị xã thực hiện nghiêm nội dung thu góp đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Như đã đưa tin trước đó, một tài khoản mạng xã hội Facebook đã đăng tải một bản liệt kê các khoản thu được cho là tại Trường Tiểu học Thượng Quận (Hải Dương). Tổng các khoản thu này là 1,7 triệu đồng.
Nội dung được đăng tải cũng thể hiện, khoản thu 1,7 triệu đồng là quá lớn so với những gia đình làm nông nghiệp hoặc công nhân. Theo đó, khoản thu này bằng thù lao 1 tuần lao động của họ. Phụ huynh này cũng cho rằng đóng góp trên tinh thần tự nguyện nhưng gần như là bị ép buộc. Trong khi đồ dùng học tập nhà trường tự ý mua mà không hỏi ý kiến phụ huynh học sinh. Ngay sau đó, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đã vào cuộc, yêu cầu nhà trường xác minh làm rõ phản ánh của phụ huynh.
Vụ bé gái tử vong nghi ngộ độc: Thêm 19 người nhập viện, kiểm tra cửa hàng bánh Givral
Ngày 3/10, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM đã phối hợp với Phòng Y tế, Đội 3 – Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng bánh Givral trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, quận Bình Thạnh.
Trước đó, quận Bình Thạnh nhận được thông tin vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau chương trình Tết Trung thu tại chung cư Palm Heights, phường An Phú, TP.Thủ Đức nên xác minh.
Qua xác minh làm rõ, trước đó, chị Đinh Thị T.T. (ngụ quận Bình Thạnh) đã tài trợ cho chương trình và đặt mua 230 bánh su kem nhãn hiệu Givral (Choux tròn) tại cửa hàng phân phối bánh Givral trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Cửa hàng bánh Givral ở quận Bình Thạnh
Theo đó, cửa hàng bánh Givral – thuộc Công ty Cổ phần bánh Givral.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ sức khỏe của nhân viên, phiếu xuất kho bánh Choux tròn từ xưởng sản xuất tại địa chỉ Lô II-1B Lê Trọng Tấn, KCN Tân Bình, quận Tân Phú qua cửa hàng, hồ sơ công bố sản phẩm bánh Choux.
Cơ sở xây dựng kiên cố, có bố trí khu vực kinh doanh tách biệt, có trang bị máy lạnh tại khu vực kinh doanh và trưng bày sản phẩm.
Đồng thời, sản phẩm được trưng bày và bảo quản trong tủ kính và kệ cao. Có trang bị tủ mát bảo quản các sản phẩm bánh sử dụng trong ngày.
Công ty CP bánh Givral ở quận Tân Phú cũng bị kiểm tra sau vụ việc.
Phiếu đặt bánh tại cửa hàng.
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Lương Mỹ Hà, cửa hàng trưởng cho biết, ngày 21/9, cửa hàng nhận đơn hàng của chị T. với số lượng 230 bánh Choux tròn và cửa hàng đã chuyển đơn về xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần bánh Givral.
Sau đó xưởng sản xuất chuyển bánh Choux tròn về cửa hàng ngày 29/9 và giao ngay cho khách hàng là chị T.
Tại thời điểm kiểm tra đoàn chưa ghi nhận hành vi vi phạm tại cửa hàng bánh Givral, quận Bình Thanh. Hiện Phòng Y tế tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP tiếp tục làm rõ.
Thêm 19 người nhập viện
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cửa hàng bánh ở Bình Thạnh.
Chia sẻ với báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, đến chiều 3/10, ghi nhận 48 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó 19 người nhập viện sau khi ăn bánh phát tại chương trình Trung thu tối 29/9.
Như CAO đã đưa tin, tối 29/9, tại chung cư Palm Heights, phường An Phú, TP Thủ Đức tổ chức Trung thu cho trẻ em trong khu dân cư.
Mẹ bé P.Q.N (6 tuổi) là tạp vụ tại chung cư này, sau khi buổi lễ kết thúc, chị được cư dân cho 2 bánh trung thu cùng bánh su kem của ban tổ chức.
Người mẹ mang bánh về phòng trọ, để trên bàn, sáng hôm sau cả nhà cùng ăn. Sau khi ăn, ba mẹ con chị đều bị nôn ói, tiêu chảy nhiều lần. Đi khám tại phòng khám gần nhà, mẹ con chị mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Sáng 1/10, ba mẹ con chị đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám, được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa và mua thuốc uống, về nhà theo dõi.
Đến chiều tối bé P.Q.N vẫn liên tục nôn ói, kèm tím tái, gia đình vội đưa bé đi cấp cứu. Trên đường đi bé ngưng thở.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh nhi P.Q.N nhập viện lúc 23 giờ 46 ngày 1/10 trong tình trạng hôn mê sâu, không bắt được mạch, không có nhịp tim, huyết áp không đo được, da lạnh, tím tái, mất phản xạ toàn thân và xác định đã tử vong.
Sáng 3/10, 3 người nhà của bé N. cũng nhập viện Bệnh viện Đa khoa Cà Mau với triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Bánh mì Phượng bị phạt 96 triệu, đình chỉ hoạt động 3 tháng
Ngày 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2B, Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam).
Theo quyết định, cơ sở này thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước; không lưu mẫu thức ăn; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Bánh mì Phượng bị phạt 96 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Ảnh: TN
Ngoài ra, bánh mì Phượng còn vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ năm người trở lên.
Cơ quan chức năng xác định, có 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng.
Sau khi xảy ra ngộ độc, cơ sở này đã ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm; gia đình đã tự nguyện đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm hỏi và chịu chi phí điều trị cho bệnh nhân, có biên lai chi trả viện phí; tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
Sau khi xem xét các vi phạm và sự hợp tác của chủ cơ sở bánh mì Phượng, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định xử phạt cơ sở này 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động ba tháng.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ cơ sở bánh mì Phượng chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Hộ kinh doanh bánh mì Phượng phải hoàn trả kinh phí cho các cá nhân, tổ chức bị ngộ độc thực phẩm được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, chi phí vận chuyển mẫu cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam.
Như PLO thông tin, ngành y tế ghi nhận 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng. Kết quả kiểm nghiệm, mẫu thịt heo xíu (có trong bánh mì) chế biến ngày 11-9 phát hiện Salmonella spp.
Sử dụng lao công để làm đẹp cho khách, cơ sở thẩm mỹ ở Đà Nẵng bị phạt 320 triệu đồng
Ngày 3/10, UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Kangzin (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh) có địa điểm kinh doanh thẩm mỹ Kangzin tại số 368 Hùng Vương (quận Thanh Khê) với số tiền 320 triệu đồng.
Đây là cơ sở thẩm mỹ viện đã để nhân viên lao công thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng.
Thẩm mỹ Kangzin bị xử phạt 320 triệu đồng.
Cùng với việc xử phạt, UBND quận Thanh Khê cũng đã đình chỉ hoạt động của cơ sở làm đẹp này trong vòng 22 tháng 15 ngày.
Đồng thời tước giấy phép hoạt động sử dụng khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với giám đốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn hoạt động tại cơ sở thẩm mỹ viện này.
Trong số các hành vi bị xử phạt theo quyết định của UBND quận Thanh Khê, có việc cơ sở làm đẹp này có hành vi sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Nhân viên thẩm mỹ Kengzin là lao công dọn dẹp nhưng thực hiện dịch vụ can thiệp căng da cho khách.
Trước đó như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 12/8, Công an quận Thanh Khê kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở thẩm mỹ Kangzin và phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm.
Trong đó, đặc biệt đáng chú ý, vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhân viên cơ sở này là T.T.T đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng. Qua làm việc, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.
Xe máy điện bốc cháy dữ dội trên đường ở TP.HCM
Hơn 14h chiều 3/10, thanh niên điều khiển xe máy điện lưu thông trên đường Thạch Lam hướng về Lũy Bán Bích. Khi đến trước số 97 Thạch Lam (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) xe bốc khói nghi ngút.
Ngay khi phát hiện vụ việc, thanh niên vội dừng xe sát lề đường hô hoán nhờ người hỗ trợ. Chỉ trong tích tắc, lửa bùng lên dữ dội, bao trùm toàn bộ xe máy điện.
Người dân địa phương huy động nhiều bình chữa cháy mini xịt vào xe máy điện bốc cháy nhưng vẫn không thể dập tắt được ngọn lửa.
Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra
Nhận được tin báo, lực lượng PCCC huy động phương tiện đến hiện trường xịt nước, dập tắt đám cháy. Tại hiện trường, xe máy điện bị cháy trơ khung, nhiều vết cháy nham nhở trên mặt đường.
Nguyên nhân vụ cháy đang được công an điều tra, làm rõ.
Tòa chưa nhận được kháng cáo của bà Nguyễn Phương Hằng
Tính đến ngày 3-10, TAND TP.HCM đã tiếp nhận đơn kháng cáo của bốn bị cáo gồm Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân. Cả bốn bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Về phía bà Nguyễn Phương Hằng, TAND TP vẫn chưa có thông tin về việc bị cáo này có kháng cáo hay không.
Trước đó, ngày 21-9 TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà , Huỳnh Công Tân cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo HĐXX, trong khoảng thời gian liên tục từ tháng 3-2021, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội đã phát sóng trực tiếp (livestream) để đưa lên những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin bịa đặt xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của 10 cá nhân. Cụ thể gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo) và bà Trương Thị Việt Hà.
TAND TP.HCM đã nhận được kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bốn bị cáo. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tấn đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Hằng livestream và đăng tải các bài viết lên các trang mạng xã hội, theo chỉ đạo của bà Phương Hằng.
Bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream của Hằng cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24-12-2021, Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.
Các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, bị cáo Hằng có vai trò chủ mưu. Các bị cáo Nhi, Hà, Tân giúp sức với vai trò hạn chế. Bị cáo Quân tham gia bình luận trong 11 buổi livestream, đã cổ vũ, tiếp thêm ý chí cho bị cáo Hằng nên là đồng phạm giúp sức.
HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Hằng cùng đồng phạm phải có trách nhiệm bồi thường cho hai cá nhân là bà Đinh Thị Lan và bà Đặng Thị Hàn Ni mỗi người 18 triệu đồng.