Trong những ngày tháng cả nước tưng bừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, PV có dịp gặp gỡ Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.
Ông tự nhận mình là người may mắn trong số những người góp sức sản xuất 33 số báo tại “chảo lửa” Điện Biên Phủ ngày ấy, còn có cơ hội được chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên lẫy lừng của dân tộc.
Chiếc máy in vượt 500 cây số đường rừng
Ký ức những ngày tháng bom đạn như ùa về trong ngôi nhà nhỏ đầu ngõ số 8, Lý Nam Đế, Hà Nội vào một buổi sáng đầu hè dịu mát. ánh mắt của vị đại tá rưng rưng khi kể về công cuộc tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho chiến sỹ trong những ngày tháng cam go ấy.
Ông chầm chậm kể: Ngày nay, việc vẽ một bức tranh, chụp một bức ảnh hay viết một bài báo không còn là chuyện quá khó khăn. Máy ảnh, máy tính, điện thoại làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Nhớ lại ngày đó, viết được một bài báo, có được một bức tranh, ảnh trên báo là biết bao mồ hôi, nước mắt, có khi còn đổ cả máu của người làm báo. Khó khăn là vậy, nhưng anh em trong ban Biên tập sản xuất báo luôn tâm niệm phải có những bài viết thật hay, nóng hổi chiến sự và chan chứa tinh thần lạc quan để cổ động cho các anh em chiến sỹ.
Không ai nói, viết báo là dễ dàng và có lẽ vì thế, làm báo thời chiến còn vất vả gấp trăm nghìn lần.
Theo Đại tá Phạm Phú Bằng, tờ báo ấy có tên “Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận”. Ban Biên tập lúc đó có năm người gồm: Chủ bút (Tổng Biên tập) Hoàng Xuân Tùy, Thư ký tòa soạn Trần Cư, phóng viên Nguyễn Khắc Tiếp, phóng viên Phạm Phú Bằng; họa sỹ Nguyễn Bích. Duy nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam, chỉ có một tờ báo làm tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Nơi sản xuất báo nằm ngay gần chiến hào của anh em để báo in xong là “chạy vèo một cái” đưa đến cho các trung đội. Báo lấy tài liệu ngay tại chiến trường, viết tại chiến trường và lập tức được viết rất nhanh, viết rất ngắn để có "đất” dành cho nhiều tin tức trên tờ báo.
Nội dung mỗi số báo là hơi thở của chiến dịch, là chiến công lừng lẫy của các trung đội, là những vần thơ tràn đầy lạc quan hay bức tranh biếm họa cười nhạo sâu cay sự gian ác của kẻ thù.
Thời gian phát hành một số báo cũng không cố định. Khi chiến dịch tạm lắng thì báo phát hành thưa hơn, hai ba ngày/số để chờ các cộng tác viên gửi bài. Với những trận đánh mang tính quyết định thì bằng mọi cách ngay sau đó, trong thời gian ngắn nhất, ban Biên tập có thể đưa ra nội dung, định hình số báo cho anh em tác nghiệp. Việc tác nghiệp như vậy để khi báo phát hành có thể đến được tay những người lính trực tiếp tham gia trận đánh đó đọc được, nếu họ còn sống.
Người lính đang băng bó đầy người thì phóng viên đọc cho họ nghe bài viết có họ trong đó, để họ có thêm sức mạnh chiến đấu với vết thương, chiến đấu với quân địch. Nhưng đáng buồn, cũng có những chiến sỹ, khi báo đến nơi, họ đã không còn...
Để phát hành được mỗi số báo, khâu in ấn là vô cùng khó khăn và quan trọng. Vì, quân ta có năm vạn quân và hàng chục vạn dân công nên muốn xuất bản được nhiều báo, cho nhiều người đọc thì phải in bằng chữ chì, cho vào máy và dập.
Để có được chiếc máy in ở giữa “chảo lửa” Điện Biên không phải chuyện đơn giản. Nó đã được vận chuyển từ hậu phương qua 500 cây số đi bộ đường rừng lên Điện Biên Phủ để phục vụ cho công tác sản xuất báo. Trên đường đi, các chiến sỹ không có đèn pin, không được dùng đuốc.
Người mang máy còn phải mang gạo, mang xẻng... Giấy phải cõng trên vai như cõng con mình. Thùng chì được đeo trên lưng cũng nặng bằng một nòng súng cối cỡ vừa. ông Bằng cho hay, máy in ở hậu phương được chạy bằng máy nổ nên in được nhiều và nhanh.
Nhưng, tại mặt trận Điện Biên Phủ về phía Nam, Đông, Đông Bắc đều cách xa hậu phương. Khiêng máy in (nặng như chiếc ô tô con trên vai) bằng hai cái đòn đi 500 cây số trong rừng, dưới bom đạn của địch đã vô cùng gian khổ nên không thể mang theo chiếc máy nổ nữa...
Vậy là chiếc máy in vốn chạy bằng động cơ của máy nổ thì giờ phải thay thế bằng sức người. Hai chiến sỹ khoẻ mạnh, nối dây quay tay cho máy in dập chữ. Chiếc máy in được đặt sâu dưới lòng đất vì sợ “bom đạn mồ côi” đánh vào thì coi như chiến sỹ ta không có báo đọc.
Một bức tranh được in trên số báo tại mặt trận bằng cách in li-tô và khắc gỗ.
Viết ngược, vẽ ngược trên mặt đá để in báo
Bên cạnh dùng máy in chữ chì, ban Biên tập báo còn dùng cách in li-tô (viết chữ ngược trên mặt đá bằng phẳng để in ra giấy-PV). Ưu điểm của cách in này là in màu được. Mặt đá phải được mài mịn, lau cọ sạch bụi bẩn, đánh một lớp a-xít lên mặt để đảm bảo mọi vết bẩn không còn. Người viết dùng thứ mực như chất keo để viết chữ ngược lên đá, sau đó trải giấy ra để mực in lại lên mặt giấy. Người viết phải thật khéo léo, vì viết chữ ngược, nhưng vẫn phải viết đẹp và chính xác.
Tại Điện Biên Phủ căng thẳng, ngày nào cũng có người “ngã xuống” nên không có đủ điều kiện để sáng tác ra nhiều bức tranh, ảnh để đăng báo. Những bức tranh về Điện Biện Phủ có giá trị đều được sáng tác sau này, khi chiến dịch đã kết thúc. Chỉ có một số bức tranh vẽ trên giấy giang, giấy dó, vải dù... được vẽ tại mặt trận lúc đó.
Thời đó, báo không in ảnh nhiều được, vì không chụp được ảnh. ảnh trên báo là được khắc trên gỗ để in ra hoặc kết hợp với in li-tô để in. Mực in chủ yếu là màu đen. Mực đỏ, mực màu rất ít nên chỉ dùng vào những hình ảnh quý giá như cờ Tổ quốc... “Mực đỏ cũng quý như người mẹ bế đứa con. Bị đổ ra, rớt ra... thì bị cấp trên mắng”, ông Bằng ví von.
Kể về những bức tranh cổ động, tranh in trên báo, Đại tá Phạm Phú Bằng cho hay, những ngày tháng tại mặt trận, để kịp có những bức tranh in và phát hành theo các số báo, các họa sỹ đã phải miệt mài vẽ phác họa.
Phác họa xong, họ cắt gỗ rừng, chạm khắc từng nét, từng nét làm thành bản khắc. Giấy in chủ yếu là giấy giang, giấy dó. Mực màu dùng để in chỉ có phẩm đỏ, xanh, vàng và mực đen. Mực được quét lên bản khắc gỗ rồi đặt lên giấy in.
Do thiếu giấy in cho nên có sáng kiến, dùng dù chiến lợi phẩm cắt ra để in tranh thay giấy. Những cánh dù trắng, dù xanh dưới bàn tay của các chiến sỹ trở thành chăn đắp, làm võng nằm, làm khăn quàng và làm quà tặng. Số dù trắng được chuyển tới cơ quan tuyên huấn các đơn vị làm bản tin trên dù.
Nhà báo Phạm Phú Bằng bên những số báo xuất bản tại mặt trận đã được in lại.
Học tập số báo xuất bản tại mặt trận, nhiều đơn vị trong chiến dịch đã phát động đợt thi đua “Củng cố trận địa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội” và thành lập tổ báo hầm, báo liếp. Nội dung ưu tiên cho báo hầm là chuyện chiến đấu, những tấm gương thi đua lập công...
Điều đặc biệt, báo hầm, báo liếp còn chép lại những thông tin hay, ngắn về thành tích chiến đấu, gương chiến sỹ chiến đấu dũng cảm của đơn vị bạn trên báo xuất bản tại mặt trận về bổ sung cho báo hầm. Có nhiều tin, bài chép lại nhưng rút ngắn để anh em đọc cho phù hợp.
Quả thực, đây là những việc làm đơn giản nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với bộ đội, chiến sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. ý thức được điều đó, Đại tá Phạm Phú Bằng cùng các anh em trong tổ sản xuất báo càng có thêm nhiều động lực để mang nhịp chiến thắng đến từng đơn vị, để anh em có thêm sức mạnh, thừa thắng xông lên tiêu diệt kẻ thù.
Tùy bút Đêm nay Bác không ngủ Tuỳ bút Đêm nay Bác không ngủ của tác giả Phú Bằng và Trần Cư đăng trên báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận có đoạn viết: “Ngọn chì đỏ của Bác khẽ gõ xuống tấm bản đồ như cùng nhịp với những nhát xẻng chắc nịch của chúng ta đang hì hục khoét sâu thêm công sự tác chiến, dưới ánh chớp hốt hoảng của đại bác địch. Rồi từ trong đoàn chiến sỹ lớp lớp lao vào đồn giặc, nổi bật lên hình ảnh dũng cảm của những người con ưu tú nhất đã đem tuổi trẻ tươi đẹp của mình cống hiến cho giai cấp, Tổ quốc… Đôi mắt người cha bỗng ứa ra hai dòng nước mắt, từ từ chảy trên gò má rồi rơi xuống tấm bản đồ, xoá nhoè mấy chấm đồn giặc…”. |