GS.TS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng, xuất phát từ góc độ khoa học, ông không tin có thể dùng ngoại cảm để tìm được mộ liệt sĩ.
Gần đây, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến phóng sự của VTV trong chương trình “Trở về từ ký ức” phát sóng hôm 20/10. Phóng sự cho biết, hầu hết hài cốt liệt sĩ do các “nhà ngoại cảm” tuyên bố tìm được đều là xương động vật, đất đá… Theo kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội, tỷ lệ chính xác được kết luận "gần như bằng 0".
GS.TS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, người sáng lập Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền trò chuyện với PV về sự việc này.
Thưa giáo sư, từ góc độ khoa học, ông có tin phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ bằng “ngoại cảm”?
Tôi không đánh giá hay có nhận xét gì về “ngoại cảm” vì bản thân tôi chưa nghiên cứu hiện tượng này. Tuy nhiên, xuất phát từ góc độ khoa học, tôi không tin có thể dùng ngoại cảm để tìm được mộ.
GS.TS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam
Vừa qua, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền có tiếp nhận trường hợp nào giám định ADN hài cốt liệt sĩ tìm được bằng phương pháp “ngoại cảm”?
Thời gian qua, chúng tôi giám định ADN hài cốt cho khoảng 200 trường hợp, trong đó có những ca tìm mộ bằng ngoại cảm. Tỷ lệ trùng hợp kết quả của các trường hợp này rất thấp.
Hiện nay, có thể sử dụng phương pháp nào để định danh được chính xác hài cốt? Phương pháp giám định nào đang được coi là chính xác nhất?
Có nhiều cách. Cách tốt nhất là sử dụng thông tin do đồng đội và gia đình liệt sĩ cung cấp. Tiếp theo là tư vấn của các cơ quan hình sự về thông tin có được từ hình thái bộ hài cốt và vật dụng mà lúc sinh thời liệt sĩ thường mang theo. Và để có độ chính xác cao thì nên kiểm chứng bằng các phương pháp công nghệ cao như giám định ADN.
Giám định ADN được công nhận là phương pháp chính xác nhất, khoa học nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu so với phương pháp xác định huyết thống cho những người còn sống thì độ chính xác của phương pháp này thấp hơn, do sử dụng loại ADN khác (ADN ty thể) và công nghệ khác (công nghệ giải trình tự).
Trong giám định ADN người sống, có thể dùng bất cứ mẫu phẩm nào của thân thể: 1 sợi tóc có gốc, móng tay, móng chân, tế bào niêm mạc miệng… Còn giám định hài cốt phổ biến là dùng răng và xương.
Ông có thể lý giải tại sao người dân lại đặt niềm tin khá lớn vào “nhà ngoại cảm” tìm kiếm hài cốt liệt sĩ?
Một phần vì họ chưa biết có phương pháp giám định ADN. Mặt khác, giám định ADN không giúp tìm ra ngôi mộ mà chỉ giám định độ chính xác sau khi đã có bộ hài cốt. Chúng tôi là phòng thí nghiệm đầu tiên của Việt Nam được thành lập để xác định huyết thống bằng ADN mới bắt đầu hoạt động chính thức từ năm 2004, lúc mà công chúng chưa biết nhiều về ADN. Còn bây giờ mọi người biết nhiều rồi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!