Một người sau khi bị muỗi vằn đã nhiễm vi rút đốt thì xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt vàng bao gồm sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, đau lưng, đau nhức cơ thể, buồn nôn và nôn, mệt mỏi và suy nhược. Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt vàng chiếm đến 50% sau khi vàng da.
Ngày 2/6, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, bệnh sốt vàng đang gia tăng tại một số nước khu vực châu Phi. Ngay nước láng giềng Trung Quốc đã có 11 trường hợp mắc bệnh, tất cả là các lao động trở về từ Angola. Nước ta hiện nay có giao lưu, hợp tác lao động với Angola và nhiều nước đang có dịch nên có nguy cơ bệnh sốt vàng xâm nhập.
Theo BS Thịnh, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP. HCM, bệnh sốt vàng là bệnh nhóm A (nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm) do vi rút thuộc họ Flaviviridae gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu do muỗi Aedes aegypti bị nhiễm vi rút đốt. Đây cũng là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Tại TP. HCM từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận hai trường hợp là một phụ nữ mang thai và một phụ nữ Hàn Quốc nhiễm vi rút Zika.
Khoảng 20 đến 50% các trường hợp vàng da do bị bệnh sốt vàng tử vong
Một người sau khi bị muỗi vằn đã nhiễm vi rút đốt, thông thường mất từ 3 đến 6 ngày thì xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các triệu chứng ban đầu của sốt vàng bao gồm sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, đau lưng, đau nhức cơ thể, buồn nôn và nôn, mệt mỏi và suy nhược. Phần lớn trường hợp bệnh cải thiện sau các triệu chứng ban đầu này.
Tuy nhiên, khoảng 15% trường hợp bệnh, sau khoảng một ngày thuyên giảm, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có nhiễm độc biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt tái phát, đau bụng, và tổn thương gan bắt đầu gây vàng da. Nếu tình trạng này xảy ra thì có nguy cơ gây chảy máu, suy gan, suy thận và sốc. Khoảng 20 đến 50% các trường hợp vàng da tử vong.
Để phòng bệnh sốt vàng người dân cần ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển; diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt. Để ngăn chặn muỗi sinh sôi và phát triển, mỗi gia đình cần đậy kín các dụng cụ chứa nước, lật úp các vật dụng không sử dụng có khả năng đọng nước; súc rửa vật chứa nước, thay nước bình hoa mỗi tuần; bỏ muối vào các chân chén nước kê tủ; loại bỏ và thu gom các vật phế thải xung quanh nhà.
Mọi người có thể tránh bị muỗi đốt bằng các cách như sử dụng các loại kem, thuốc xịt chống muỗi, mặc quần áo dài tay; ngủ mùng cả ban ngày lẫn ban ban đêm...Ngoài ra, mỗi gia đình có thể sử dụng các bình xịt để diệt muỗi và phối hợp với hoạt động phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế.
Ngoài ra, bệnh sốt vàng có thể được phòng ngừa bằng vắc xin. Vắc xin bệnh sốt vàng là vắc xin sống giảm độc lực, được khuyến khích đối với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên đi đến hoặc sinh sống tại các khu vực có nguy cơ truyền vi rút sốt vàng ở Nam Mỹ và châu Phi. Đối với hầu hết những người đi đến vùng có nguy cơ truyền vi rút sốt vàng, một liều vắc xin sốt vàng tạo được miễn dịch lâu dài và tiêm liều nhắc lại là không cần thiết. Tuy nhiên, một số người có thể yêu cầu một liều nhắc lại và một số quốc gia có thể yêu cầu tiêm nhắc lại.
Chú ý, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và bất cứ ai bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của thuốc chủng ngừa, bao gồm: trứng, protein gà hoặc gelatin không nên chủng ngừa. Bất cứ ai đã bị phản ứng nghiêm trọng với vắc xin sốt vàng trước đây thì không nên chủng ngừa lại. Ngoài ra, nếu bạn đang mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư, sử dụng thuốc steroid,...; trẻ em từ 6 đến 8 tháng tuổi; người trên 60 tuổi cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi tiêm ngừa.
Liên quan đến bệnh do muỗi đốt, Sở Y tế TP. HCM thông tin, trong tuần qua, toàn thành phố có 123 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, giảm 25% so với số ca trung bình của 4 tuần trước là 163 ca. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết tử vong. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 2 ca. |