Do cơn mưa đầu mùa cuốn nước từ các cống đổ xuống kênh gây ô nhiễm nguồn nước làm hơn 14 tấn cá trên kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè chết.
Chiều 17.5, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức họp báo thông tin nguyên nhân cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM cho biết, hiện tượng cá chết ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không phải là lần đầu. Trước đó, năm 2014, 2015 hiện tượng cá chết hàng loạt cũng xảy ra sau các cơn mưa.
Ngay khi nhận được thông tin hiện tượng cá chết trên kênh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài nguyên Môi Trường TP cùng các đơn vị liên quan lấy mẫu nước kiểm tra. Kết quả kiểm tra tại hiện trường và phân tích mẫu nước cho thấy chất lượng nước trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giảm dần từ khu vực cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) đến khu cầu số 1 (quận Tân Bình). Ông Trung đưa ra các chỉ số như nhiệt độ cao 34-34,4 độ C, độ trong < 20cm thấp hơn cho phép nên có thể khẳng định là do ô nhiễm hữu cơ sinh ra khí độc hại. Bên cạnh đó, độ pH: 8,7-9,0; NH4, NH3 đều cao hơn ngưỡng cho phép.
Chiều 17.5, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức họp báo thông tin nguyên nhân cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Cá chết nổi trắng mặt kênh
“Từ các kết quả phân tích, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết là do cơn mưa chiều qua cuốn trôi nhiều chất bẩn trên đường, ở cống rãnh đổ xuống kênh gây ô nhiễm cục bộ. Hiện tượng cá chết sẽ diễn ra vào 1 đến 2 cơn mưa tiếp theo và sẽ chấm dứt khi môi trường nước ổn định”, ông Trung thông tin.
Về công tác khắc phục hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè, Sở NN&PTNT cho hay trước mắt sẽ tập trung lực lượng vớt số cá chết, tăng cường xử lý nước kênh sau cơn mưa như đưa hóa chất xuống để giảm độ pH và tăng độ Oxy lên.
“Chúng tôi đã rải 900kg vi sinh hữu cơ Zeolite để làm sạch môi trường, mục đích của chất này làm kết tủa các chất lơ lửng trong nước, giảm nồng độ NH3, NH4. Tất cả số cá vớt lên sẽ đưa về bãi rác Đa Phước xử lý theo đúng quy định. Ngày mai sẽ rải thêm 5 tấn Zeolite từ cầu Trần Khánh Dư đến cầu số 1”, ông Trung cho biết.
Đại diện Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo người dân không nên vớt cá trên kênh để làm thức ăn. Về giải pháp lâu dài Sở này cho biết sẽ có các biện pháp căn cơ với dự án xử lý nước thải ở khu vực thượng nguồn kênh trước khi xả vào kênh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, sau khi sự việc xảy ra đơn vị đã tập trung lực lượng vớt cá chết trên kênh. Tính đến thời điểm 17h hôm nay, số lượng cá vớt đã trên 14 tấn.
Trước đó, vào chiều qua cơn mưa chuyển mùa đổ xuống nhiều khu vực của TP, đến sáng 17.5 hàng ngàn con cá chết nổi trắng trên Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ khu vực đường Hoàng Việt, quận Tân Bình đến khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi, quận 3. Đa phần các loại cá chết là cá điêu hồng, cá chép, rô phi và to bằng ngón tay đến bàn tay.
Những con cá còn sống cũng nổi lênh mặt nước bơi lờ đờ. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc.
Sau khi hiện tượng cá chết xảy ra, các đơn vị chức năng kiểm tra nguồn nước và thu gom số các chết.
Tính đến thời điểm 17h hôm nay, số lượng cá vớt đã trên 14 tấn.
Toàn bộ số cá vớt được sẽ đưa về bãi rác Đa Phước xử lý theo đúng quy trình. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng người dân không nên lấy cá chết để sử dụng và cũng không nên thả cá vào thời điểm này xuống kênh