Đó là nhận định của các chuyên gia khi nhiều người dân có tâm lý hoang mang, thậm chí không dám dùng các loại hải sản.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm nhất là đối với các loại thủy hải sản trong bối cảnh cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung trong thời gian qua, ngày 10/5 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia đã có thông báo chính thức về kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản ở 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Các mẫu lấy ngẫu nhiên ở các chợ đều trong ngưỡng an toàn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trong 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại khu vực xuất hiện hiện tượng cá chết, có 97 mẫu hải sản tươi sống đạt chỉ số an toàn. Còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép.
TS Long thông tin, tất cả các mẫu hải sản tươi sống, rau, nước ở vùng cá chết đều ở ngưỡng an toàn.
Liên quan đến vấn đề này TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong số các mẫu hải sản tươi sống được lấy xét nghiệm, hầu hết là hải sản đánh bắt xa bờ. Riêng vấn đề được nhiều người quan tâm đó là, một số đối tượng thu gom cá chết để sản xuất là sản phẩm khác, liệu có quản lý được không?
TS Long cho rằng, nếu người dân nào cố tình vi phạm pháp luật cũng như những quy định nhà nước thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Theo tôi nghĩ nó phụ thuộc phần lớn vào ý thực từng người dân, vào tính nghiêm minh của pháp luật và những người thực thi pháp luật.
Tôi cho rằng nếu ai đó muốn dùng cá chết vào chế biến thực phẩm thì cũng khó có thể thành công vì một khi cá đã chết, đã ôi thiu rồi thì chỉ có thể tiêu hủy mà thôi chứ không thể làm mắm được”, ông Phong chia sẻ.
Ông Long cho rằng, vấn đề cần giải quyết hiện nay đó chính là tình trạng khủng hoảng môi trường, ngoài ra cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo đến từng địa phương để tại đó, mỗi người dân đều ý thức được làm thế nào để tự bảo vệ cho mình và bảo vệ cho người khác trước hiểm họa lớn này.
Người dân đừng vì cá chết mà quay lưng với hải sản tươi sống.
“Không ăn cá chết phải là mệnh lệnh. Nhưng không vì cá chết mà chúng ta quay lưng lại tất cả các loại cá biển dù được đánh bắt từ khơi xa”, ông Long cho biết.
Chung quan điểm này, GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung trong thời gian qua là hiện tượng thiên nhiên có sức tàn phá rất lớn đối với sinh vật biển. Các loài hải sản bị nhiễm độc do thủy triều đỏ sẽ lờ đờ rồi chết.
Vì thế, người dân ngay lập tức thu gom tiêu hủy hải sản chết, tuyệt đối không ăn hay mang về làm thức ăn chăn nuôi. Độc tố trong hải sản chết khá nhiều, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và các vật nuôi khác.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 4, khu vực ven biển thuộc địa phận các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng và thủy, hải sản tự nhiên chết hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các Bộ, các địa phương liên quan đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, tổ chức thu gom, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi, khai thác, tiêu thụ thủy, hải sản phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.