TP.HCM: Nhập viện hàng loạt vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngày 26/06/2015 15:14 PM (GMT+7)

Chỉ trong 3 tuần trở lại đây, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 80 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Trước hiện tượng người dân liên tục nhập viện vì rắn cắn, bệnh viện đã phải gặp gỡ báo chí để cảnh báo người dân.

Thai phụ bị rắn độc cắn

Chưa bao giờ, rắn lục đuôi đỏ lại trở thành nỗi sợ hãi của người dân TP.HCM như hiện tại. Không chỉ ở các quận huyện vùng ven, nơi có nhiều cây cối bụi rậm, mà rắn lục đuôi đỏ còn xuất hiện ngay trung tâm thành phố khiến người dân kinh sợ. Trước sự nguy hiểm của loài rắn này và hiện tượng người dân nhập viện hàng loạt do rắn cắn, mới đây, bệnh viện Chợ Rẫy đã cung cấp thông tin cho báo chí nhằm cảnh báo người dân.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ trong vòng 3 tuần đầu của tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận 111 ca bị rắn cắn, trong đó có 80 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

TP.HCM: Nhập viện hàng loạt vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn - 1

Bệnh nhân bị rắn độc cắn đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy

Đáng chú ý là trường hợp một phụ nữ mang thai đến tháng thứ 3 (ngụ tại Bình Dương) bị rắn cắn. Thai phụ nhập viện trong tình trạng vết cắn bị sưng, đau nhức, rối loạn đông máu... TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết: “Thai phụ bị rắn cắn thì mức độ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con cao gấp nhiều lần. Vì nọc độc rắn gây rối loạn đông máu, xuất huyết nhau thai dẫn đến sẩy thai hay sinh non, băng huyết thai phụ và rất khó cứu được thai nhi”.

Các bác sĩ đã dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn cho thai phụ. Sau 1 ngày vết thương đã bớt sưng, bớt đau nhức. Sức khỏe của mẹ và thai nhi đang trên đà tiến triển tốt.

Cần điều trị kịp thời

Hiện tại, bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị 15 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có 9 ca do rắn lục đuôi đỏ cắn. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 800 – 1000 trường hợp bị rắn cắn. Thời gian cao điểm là vào lúc chuyển mùa và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8. Bình quân mỗi tháng trong thời điểm nêu trên bệnh viện phải tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, tại TP.HCM hầu hết bệnh nhân nhập viện từ rắn cắn là tại các quận huyện vùng ven, vùng trũng, nhiều cây cối bụi rậm như quận 12, huyện Hóc Môn, quận 9. Bác sĩ Hùng cho biết: “Đối với trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cần sơ cứu và ngay lập tức đưa đến bệnh viện để điều trị. Bệnh nhân sẽ bị sưng đau, xuất huyết tại vết cắn, sau đó có các dấu hiệu rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi trong cơ thể, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, sốc phản vệ và dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Để sơ cứu người bị rắn độc cắn, Bộ Y tế khuyến cáo, nạn nhân cần rửa vết thương, đồng thời cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn, tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để nạn nhân tự đi lại để tránh việc chất độc lan nhanh hơn trong máu, bất động chi bị cắn bằng nẹp.

TP.HCM: Nhập viện hàng loạt vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn - 2

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở vùng ven, vùng có nhiều cây cối bụi rậm

Đặc biệt, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân không chích rạch tại vết cắn mà nên nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc. Sau đó, nạn nhân cần được vận chuyển nhanh chóng tới bệnh viện để có hướng điều trị phù hợp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong tháng 4 – 9 là mùa sinh sản của rắn, thế nên rắn thường hung dữ hơn và xuất hiện nhiều hơn. Người dân cần cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. 

Thoại Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan