Sự việc bé gái 3 tuổi ngụ Lâm Đồng tử vong sau khi sốt 3 ngày vì bệnh tay chân miệng, khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Trên thực tế, trong thời tiết chuyển mùa, trẻ rất dễ dàng mắc tay chân miệng từ những nguyên nhân ít ai ngờ tới.
Tay chân miệng rất dễ lây
Mới đây, bé gái 3 tuổi, ngụ xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đã qua đời vì mắc bệnh tay chân miệng. Các bác sĩ cho biết, cháu nhập viện với độ sốt 2a và tăng dần lên tới độ 4 rồi tử vong.
Đáng nói là, trước khi phát bệnh, cháu bé có tiếp xúc trong thời gian ngắn với một trẻ hàng xóm bị sốt. Điều này chứng tỏ, tay chân miệng lây nhiễm rất nhanh và biến chứng nặng của bệnh lại dễ bị nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác.
Về vấn đề này, bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó trưởng khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc cho biết: “Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, trẻ bị bệnh tiết virus ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, phân hoặc bóng nước trên da. Trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ vật, hay lây từ người sang người”.
Theo bác sĩ Quang Vinh, có nhiều phụ huynh giám sát con rất kỹ nhưng trẻ vẫn bị mắc tay chân miệng. Bởi trong thời tiết chuyển mùa, virus gặp môi trường thuận lợi để phát triển, thì những nơi tập trung nhiều người như nhà trẻ, khu vui chơi, đến cả hồ bơi cũng có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Hồ bơi quá đông cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị lây các bệnh truyền nhiễm - Ảnh minh họa
Bác sĩ Quang Vinh cho biết thêm: “Nhắc đến hồ bơi, nhiều phụ huynh nghĩ nước hồ bơi có chứa dung dịch sát khuẩn, sẽ không sao. Nhưng việc dùng chung phao bơi, bàn ghế, nhà vệ sinh... cũng làm tăng khả năng lây nhiễm. Cách tốt nhất để phòng chống tay chân miệng và các loại bệnh truyền nhiễm khác trong mùa dịch, là phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ đến nơi quá đông người”.
Khó phát hiện khi biến chứng nặng
Bệnh tay chân miệng thông thường rất dễ phát hiện, dấu hiệu là những bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám. Các bóng nước ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân thường ấn vào không thấy đau. Trẻ bị tay chân miệng còn có bóng nước hoặc vết loét đỏ ở niêm mạc miệng, lưỡi, nướu gây đau miệng, bỏ ăn bú và chảy nước miếng.
Khi trẻ bị nổi bóng nước có thể kèm theo sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ ăn do đau miệng. Sau 5 – 7 ngày, bóng nước sẽ tự khỏi. Tuy bệnh dễ phát hiện, điều trị cũng không khó, nhưng khi biến chứng nặng lại rất khó nhận ra.
Bóng nước xuất hiện khi trẻ mắc tay chân miệng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Bệnh tay chân miệng có thể biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm màng não. Nhưng điều nguy hiểm hơn là các biến chứng nặng nề này lại rất khó phát hiện nếu đội ngũ y tế thiếu kinh nghiệm”.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trẻ khi bị biến chứng về thần kinh, thường không hôn mê sâu mà lại khó ngủ, giật mình lúc thức, hay lúc mới thiu thiu ngủ. Đây là những biểu hiện rất khó nhận thấy, và dễ nhầm lẫn với những triệu chứng mệt mỏi khác trong khi mang bệnh.
Nặng hơn, trẻ có thể hoảng hốt, nói nhảm, tay chân run, co giật… Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói thêm: “Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng thì phải nghĩ ngay đến biến chứng. Khi trẻ có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong rất nhanh chỉ trong vài giờ”.
Dịp nghỉ hè, là lúc phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ vui chơi tại những nơi đông người vui nhộn, tuy nhiên, để phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ khuyến cáo không nên đưa trẻ đến những nơi vui chơi đại trà quá đông người, và không đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, hiện nay, loại virus gây nên biến chứng của bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc ngừa, nên cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt thường ngày của trẻ.