Ngày 20/9 vừa qua, một bi kịch đã xảy ra tại thị trấn Đại Thông, thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Bé trai 11 tuổi đã treo cổ tự tử sau khi bị mẹ mắng vì tranh chơi điện tử với em trai khiến dư luận vô cùng xót xa.
Theo lời kể lại của một người dân địa phương họ Lưu, hôm đó ông đến bệnh viện Đại Thông để khám bệnh, tầm 20 phút sau thì có một chiếc ô tô chở bệnh nhân đến. Từ trong ô tô, 4, 5 người hốt hoảng bước ra, trong đó có một người bế một đứa trẻ tầm 10 tuổi mặt mày tái mét hỏi phòng cấp cứu.
“Lúc đứa trẻ vào phòng rồi, một người phụ nữ ở ngoài không ngừng khóc lóc, nhìn rất thảm thương. Khi được hỏi có chuyện gì xảy ra, người phụ nữ nói khóc nghẹn: “Hai đứa con tôi giành nhau chơi điện tử, tôi mới mắng thằng lớn vài câu, bảo nó lớn rồi, không được giành đồ với em, con mà không nghe mẹ sẽ đánh con. Rồi nó nghĩ không thông…”, nói đoạn, người phụ nữ lại òa lên óc nức nở!”, ông Lưu cho biết.
Bị mẹ mắng vì tranh chơi với em, bé 11 tuổi treo cổ tự tử (ảnh minh họa)
Được biết, chiều ngày 20/9, thi thể bé trai đã được cảnh sát đưa về để tiến hành khám nghiệm và điều tra.
Theo điều tra, nạn nhân là bé nam tên Tiểu Hoa, năm nay 11 tuổi. Tối ngày 19/9, bé Tiểu Hoa có chơi cùng cùng em trai tại căn nhà thuê số 201 đường Đại Hưng, thị trấn Đại Thông. Khi hai bé tranh giành nhau chơi thì bị cô Lý (mẹ hai bé, 30 tuổi, người tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) mắng. Ngay sau đó, bé Tiểu Hoa về phòng và treo cổ tự tử. Sự việc được phát hiện, cô Lý hốt hoảng đưa con tới bệnh viện.
Các bác sĩ kiểm tra cho biết, bé Tiểu Hoa đã tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. Phía cảnh sát theo bước đầu kiểm tra cũng loại bỏ khả năng bé Tiểu Hoa bị sát hại.
Câu chuyện bi kịch xảy ra khiến dư luận hết sức đau lòng và cũng khiến những bậc phụ huynh phải xem xét lại cách nuôi dạy con của mình.
Khi được phỏng vấn, chuyên gia tâm lý học người Trung Quốc, ông Hoàng Quốc Lạc cho biết, trẻ con suy nghĩ rất đơn giản là còn non dại. Khi bạn phê bình và mắng mỏ, trẻ rất dễ nghĩ rằng bạn như vậy là không yêu bé, dễ dẫn đến hành động tiêu cực. Chính vì vậy, đồng thời với việc phê bình và giúp bé nhận ra cái sai để sửa chữa, bạn cũng cần kịp thời động viên, khích lệ, cho bé thấy rằng bạn làm như vậy là vì yêu bé và muốn điều tốt nhất cho bé!