Đến hẹn lại lên, việc sử dụng nilon bọc bìa sách vở cho học sinh đang trở thành đề tài bàn tán của nhiều phụ huynh lẫn giáo viên với ý kiến trái chiều.
Bọc sách vở bằng bao nilon là kỷ niệm không thể nào quên, gắn bó với bao thế hệ học trò. Song càng ngày phụ huynh càng nhận ra những hạn chế của việc sử dụng nilon. Họ so sánh việc dùng bọc nilon cũng giống như thả bóng bay trong ngày khai giảng bởi đều ảnh hưởng đến môi trường. Hơn cả bìa sách vở hiện nay được sản xuất dày và đẹp, không cần thiết phải bọc, gây lãng phí.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện bài viết kêu gọi phụ huynh “tẩy chay” việc bọc sách vở bằng nilon, tránh tạo ra những lượng rác thải nhựa rất lớn. Bài viết chỉ ra rằng: “Hiện sách vở được sản xuất rất đẹp, có bìa tốt, đủ bảo về cho ruột ở bên trong. Thậm chí nhiều loại cũng đã được in sẵn nhãn vở ngay trên bìa. Nhưng nhiều trường học vẫn bắt các cháu phải bọc rồi dán nhãn vở khác đè lên trên. Đó là hành động mang tính hình thức và lãng phí một cách vô lý. Không chỉ vậy, việc bọc sách, vở bằng nilon còn tạo ra những lượng rác thải nhựa rất lớn.
Bài viết kêu gọi bậc phụ huynh không sử dụng nilon bọc sách vở cho con. (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ cần vài chục trường có quy định như vậy, thử tính xem sau mỗi năm học, có bao nhiêu lượng bìa nilon bị thải ra? Trong đó, bao nhiêu phần trăm được thu hồi tái chế, bao nhiêu phần trăm đưa ra bãi rác hoặc tồn tại trong môi trường, rồi mất bao nhiêu năm mới phân huỷ hết?”.
Bài viết kêu gọi phụ huynh thay vì sử dụng bọc vở bằng nilon có thể khuyến khích con dùng bọc vở bằng giấy bảo vệ môi trường. Nếu sách vở đã in sẵn nhãn thì phụ huynh hạn chế dán thêm nhãn lên vở.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo phụ huynh với những ý kiến trái chiều: NÊN và KHÔNG NÊN. Sau đó họ đưa ra quan điểm của bản thân.
Không cần thiết phải bọc bìa sách vở bằng nilon hay giấy báo
Chị Lan Nhi (32 tuổi, Hà Nội) khi được đặt vấn đề: “Dùng hay không dùng bao nilon bọc sách vở?” liền hỏi ngược: “Tại sao bìa sách vở đang đẹp như thế và khá bền chắc thì phải bọc vào? Tôi không hiểu nhiều trường lớp yêu cầu học sinh về nhà phải bọc bìa để đẹp hơn hay bền hơn nữa. Thực tế bìa gốc của sách vở giờ rất đẹp và làm từ giấy có chất lượng tốt, không nhất thiết phải khoác cho nó một lớp áo nilon”.
Nhiều người cho rằng việc bọc sách vở bằng nilon gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Người phụ nữ Hà thành từng hỏi giáo viên chủ nhiệm của con gái về việc tại sao phải bọc nilon vào bìa sách vở? Sau đó chị nhận được câu trả lời để giữ được độ bền và sạch của sách vở. Điều đó khiến chị vô cùng khó hiểu. Chị nói: “Tất cả đều là ý thức của học sinh. Nếu các em không có ý thức thì bọc thêm một lần cũng chẳng khá là mấy. Tôi thiết nghĩ nên bỏ hẳn việc bọc sách vở, bao gồm nilon, giấy báo, giấy xi măng hay bất cứ loại giấy hữu cơ nào. Chúng đều là rác thải cả. Đặc biệt không bọc vở bằng bất cứ thứ gì vừa tiết kiệm được tiền mua giấy bọc, nhãn vở và thời gian ngồi bọc”.
Chị Thanh Vân (35 tuổi, Hà Nội) có cùng quan điểm với chị Lan Nhi. Chị lập luận rằng sách vở vốn có bìa cứng và rất đẹp, dễ nhận biết,… đặc biệt còn có cả nhãn để ghi tên thì chẳng có lý do gì phải bọc lại. “Xưa phụ huynh thường bọc sách vở cho con là muốn chúng giữ gìn cho các em dùng lại. Giờ sách vở toàn viết thẳng vào, chúng làm sao để lại cho ai dùng được nữa. Mình rất phản đối việc bọc sách – đó là một việc làm vô bổ, tốn thời gian lẫn công sức và gây ô nhiễm môi trường”, người phụ nữ nói.
Chị M.T (39 tuổi, Hà Nội) có con gái đang học lớp 9 tại một trường THCS tại Nam Từ Liêm cho biết: “Con gái tôi đã 14 – 15 tuổi, rất sạch sẽ và có ý thức giữ gìn sách vở. Vậy mà cô giáo chủ nhiệm vẫn yêu cầu cả lớp phải bọc bìa sách vở bằng nilon hoặc bóng kính. Thậm chí cô còn muốn các con mang cả bộ sách giáo khoa đến lớp để kiểm tra xem còn những ai chưa bọc? Tôi không hiểu vì sao cô giáo lại làm như thế?
Chị Thanh Vân lập luận rằng sách vở vốn có bìa cứng và rất đẹp, dễ nhận biết,… đặc biệt còn có cả nhãn để ghi tên thì chẳng có lý do gì phải bọc lại.
Nếu là học sinh cấp I, cô giáo có thể đề nghị phụ huynh để học sinh được bọc bìa sách vở nhằm giữ gìn độ bền và mới, chứ các cháu mười mấy tuổi rồi, đều có ý thức cả. Tôi nghĩ việc đó không cần thiết và vô cùng lãng phí tiền bạc lẫn thời gian”.
Không đồng tình với quan điểm của cô giáo, chị M.T dự định trong kỳ họp phụ huynh năm học mới sắp tới sẽ đưa việc này ra để các bậc phụ huynh cùng bàn luận. Hơn cả chị muốn cô giáo cũng như nhà trường có một cái nhìn khác về việc bảo vệ môi trường ngay trong nhà trường.
“Năm học nào con gái của tôi cũng được tham gia tiết học bảo vệ môi trường. Các con còn được tuyên truyền không dùng cốc giấy, vứt rác thải bừa bãi. Vậy mà các con lại phải bắt buộc bọc bìa sách vở bằng nilon – thứ khó phân huỷ nhất! Nhà trường muốn học sinh có ý thức bảo vệ môi trường sống nên làm từ những điều nhỏ nhặt nhất, sát sườn với chính học sinh”, chị M.T bày tỏ.
Giáo viên tiểu học cho rằng việc bọc nilon sách vở là cần thiết
Trái ngược với quan điểm của các phụ huynh, Ngọc Hà (25 tuổi, TP.HCM) – giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 cho biết: “Trường của mình không cho học sinh bọc bìa sách bằng giấy báo… Học sinh nào đã bọc giấy báo phải tháo ra và bọc lại bằng nilon.
Mình nói ra điều này chắc sẽ bị nhiều phụ huynh “ném đá” dữ dội song vẫn muốn “bảo vệ” đến cùng. Mọi người phải là người sử dụng mới thấy nó hữu ích như thế nào. Nilon trong suốt, có thể nhìn thấy bìa sách đẹp, giúp học sinh tiểu học dễ tìm sách, giảm nhầm lẫn”.
Theo cô giáo trẻ, nếu sách của học sinh cấp I, đặc biệt là lớp 1 – 2 không bọc thì rất nhanh bị nhàu nát bìa, trông xấu. Ngoài ra học sinh thường quên đem sách đi học, các cô thường xuyên phải kiểm tra xem có mang theo hay không? Khi ấy bìa nilon vô cùng tiện, chỉ cần liếc mắt là thấy, không phải đến từng chỗ của các con lật bọc vở ra nhìn.
Theo cô giáo trẻ, sách của học sinh cấp I, đặc biệt là lớp 1 – 2 không bọc thì rất nhanh bị nhàu nát bìa, trông xấu.
Sau đó cô kể rằng bản thân từng chủ nhiệm một học sinh mà cha mẹ kiên quyết không dùng nilon để bọc sách vở. Song đứa trẻ lại nghịch ngợm, thường xuyên vẽ nghệch ngoạc hoặc đổ mực lên bìa sách, thậm chí còn xé nát. Cuối cùng chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm học, sách vở của cậu bé đã rách nát, phụ huynh phải tốn tiền mua thêm một bộ nữa.
“Lần ấy, cha mẹ của bé đã phải mua nilon về bọc vào toàn bộ bìa sách vở. Mình cho rằng dù các con ngoan hay ý thức như thế nào cũng không thể tránh được việc làm bẩn sách hoặc nhàu nát. Do đó việc dùng nilon trong trường hợp này là cần thiết, không hề làng phí”, cô giáo Ngọc Hà cho hay.
Dẫu nilon là rác thải nhưng cô giáo trẻ nghĩ nó chẳng đáng là bao so với việc các quán cà phê dùng ly và ống hút nhựa. Mỗi năm lượng túi nilon thải ra chỉ vài chục cái/học sinh, còn hàng quán thải ra biết bao lượng cốc và ống hút chứ. Vì thế cô giáo rất mong phụ huynh có cái nhìn thoáng hơn về việc bọc bìa sách vở cho con bằng nilon.