Gia đình từng ngăn cản khi thực hiện những tác phẩm từ các nguyên liệu tái chế, 9X ở TP.HCM vẫn quyết tâm theo đuổi, chinh phục mọi người bằng tài năng khéo léo và sự sáng tạo của mình.
Từ kỹ sư hóa học đến nghệ nhân “vẽ” tranh bằng chất liệu xanh
Tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học theo nguyện vọng của gia đình, anh Nguyễn Phước Quý Thành (SN 1993, ngụ quận Tân Phú) trở thành kỹ sư tại một công ty sản xuất lụa. Tuy nhiên sau nửa năm làm việc, nam kỹ sư nhận thấy bản thân không phù hợp với môi trường doanh nghiệp, không thích sự rập khuôn trôi qua mỗi ngày. Từng xin ý kiến từ cấp trên, bạn bè và người thân nhưng anh Thành vẫn phân vân đứng trước lựa chọn liệu nên tiếp tục công việc kỹ sư hay theo chọn một lĩnh vực mới để thử sức.
Sau đó, khi vô tình được xem những tấm thiệp, móc khóa bằng cúc áo, anh thấy rất ấn tượng và muốn sử dụng nguyên liệu này để "vẽ" những bức tranh đậm chất nghệ thuật. Tận dụng kiến thức, kinh nghiệm làm việc trong công ty sản xuất lụa, cộng thêm việc mày mò học hỏi từ các kênh mạng xã hội, anh Thành tạo được tác phẩm đầu tiên khiến nhiều người không khỏi trầm trồ.
Từ các vật liệu nhựa bỏ đi, anh Thành tái chế chúng thành các tác phẩm nghệ thuật thật ý nghĩa, nâng cao ý thức của mọi người về việc xử lý rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về nội dung của các tác phẩm, anh Thành khẳng định muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng: “Sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường như cúc áo, chai nhựa… tôi có thể tận dụng các vật liệu tưởng chừng bỏ đi, kết hợp cùng kiến thức, kinh nghiệm vào làm tranh. Tôi mong muốn tạo ra sản phẩm có thông điệp tích cực, tuyên truyền mọi người nên tái chế rác thải nhựa đúng cách, vừa có thể giúp mọi người nâng cao ý thức về tác hại của rác thải nhựa và góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta”.
Thời gian đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng táo bạo này, anh Thành đi thu gom cúc áo cũ ở các nhà người thân, bạn bè, nơi bán nguyên liệu handmade, chợ phụ kiện thời trang. Sau đó, khi những tác phẩm đầu tiên trình làng, anh Thành được nhiều người biết đến. Có một số nhà máy sản xuất gửi tặng cúc áo tồn kho để anh "biến hình" thành sản phẩm có giá trị.
Hình ảnh quốc kỳ Việt Nam được anh Thành đính kết bằng cúc áo.
“Màu sắc của các cúc áo cũng rất quan trọng, phải phong phú và hài hòa để tạo nên sự bắt mắt, đồng thời phù hợp với nội dung của từng bức tranh. Sau khi có được nguyên liệu, tôi bắt đầu sắp xếp chúng sao cho hợp lý, kết chúng lại bằng keo dính. Vì mỗi chiếc cúc áo có kích thước và màu sắc khác nhau, nên việc bố trí đòi hỏi tôi phải thật tỉ mỉ. Chẳng hạn, những chiếc cúc áo nhỏ tôi thường đan xen với những chiếc lớn hơn, còn cúc áo có màu sắc nổi bật sẽ được phối hợp cùng cúc áo tối màu để làm nổi bật tổng thể. Quá trình này không chỉ là sắp đặt mà còn là sự sáng tạo, để bức tranh có thể thu hút ánh nhìn ngay từ lần đầu tiên” - anh Thành chia sẻ về quá trình thực hiện những bức tranh đặc biệt.
Hơn 6 năm theo đuổi đam mê, anh Thành luôn quan niệm muốn khi người thưởng thức tranh, họ nhìn vào tác phẩm sẽ hiểu được thông điệp anh muốn truyền tải. Do đó, khó nhất trong quá trình đính kết cúc áo, rác thải là phải thể hiện được các chủ đề mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với tất cả mọi người.
Nhờ đam mê với những nguyên liệu xanh, anh Thành còn mở rộng được mối quan hệ với những bạn bè có cùng sở thích trong và ngoài nước.
Xóa bỏ định kiến của gia đình bằng sự khéo léo, đam mê
Dù chưa từng tham gia lớp hội họa hay mỹ thuật nào, thậm chí còn chưa từng cầm cọ vẽ nhưng anh Thành chỉ mất thời gian ngắn để biến những cúc áo cũ thành bức tranh độc đáo. Trước khi thực hiện, anh Thành thường vẽ phác họa ra giấy và sau đó đính hạt nhựa, cúc áo lên đó để hoàn thiện.
Quyết định chuyển hướng, theo đuổi đam mê trở thành nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu thân thiện với môi trường, anh Thành chịu áp lực khi bị gia đình phản đối, không ủng hộ. “Thời điểm đó, ba mẹ còn không nói chuyện với tôi, người em cũng không ủng hộ vì bỏ công việc có thu nhập ổn định để chạy theo một lĩnh vực xa lạ, ít người biết đến. Thế nhưng, đến nay khi các tác phẩm tranh cúc áo hay chai nhựa, hạt nhựa được mọi người biết đến, tôi kiếm được thu nhập từ đó nên ba mẹ có ánh nhìn thoáng hơn và ủng hộ tôi trên con đường này” - anh Thành tâm sự.
Anh Thành còn tạo những buổi workshop để lan tỏa thông điệp sống xanh, bảo vệ môi trường đến nhiều người.
Nhận thấy ngày càng nhiều người quan tâm, thích thú với tranh từ nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường do mình làm ra, anh Thành hào hứng kể: “Nhiều lúc làm xong thấy xấu tôi tháo ra làm lại, chỉnh sửa đến khi nào vừa ý mới thôi. Có bức làm một tuần, bức vài tháng mới xong. Nhưng mọi người thích là mình lại có thêm động lực".
Chính từ sự nỗ lực kiên trì ấy, anh Thành đã nhận lại kết quả xứng đáng khi tác phẩm đã bắt đầu tạo ra thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Trong tương lai, anh mong muốn thế hệ trẻ hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, theo đuổi đam mê và biết cách đặt ra mục tiêu của riêng mình. Và chỉ khi thật sự cố gắng, phấn đấu chắc chắn sẽ mang lại thành quả đáng tự hào.