Trẻ em đường phố nghĩ gì về Tết thiếu nhi?

Ngày 01/06/2014 08:03 AM (GMT+7)

Trăn trở với những gánh nặng cuộc đời đã khiến không ít đứa trẻ chỉ nghĩ đến miếng cơm và chỗ ngủ hàng ngày.

Cuộc sống đã đẩy các em đến với những khó khăn mà đáng lẽ ra chúng không phải chịu. Ngày tết thiếu nhi như đúng nghĩa của nó là ngày mà tất cả trẻ em trên thế giới đều được hưởng những niềm vui lớn lao nhất, được bố mẹ tặng cho những món quà. Nhưng đâu đó vẫn còn có những đứa trẻ bất hạnh, cuộc sống hàng ngày không có nổi một bữa ăn đầy đủ, một giấc ngủ bình an trong vòng tay ba mẹ thì làm sao biết đến ngày 1/6.

Đâu đó trên đất nước Việt Nam này, vẫn còn có những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi như vậy. Ngay cả với trẻ em ở nông thôn, vùng núi có đầy đủ gia đình cũng còn quá mơ hồ với ngày 1/6. Các em được chăm sóc, bao bọc nhưng tất nhiên đời sống sinh hoạt ở nông thôn không thể bằng thành thị. Chúng chỉ được bố mẹ chăm sóc cho ăn uống đầy đủ và vui chơi với bạn bè với những trò chơi dân gian mà chỉ ở các vùng quê mới có.

Khó để có những khái niệm cho chúng về những công viên, những trung tâm mua sắm hay những khu vui chơi giải trí. Người lớn cũng chỉ biết đến trách nhiệm là kiếm tiền lo cho gia đình, cho con cái được đi học đàng hoàng và chăm sóc chúng lớn lên. Nói đến ngày quốc tế thiếu nhi đến bố mẹ các em cũng còn không biết đến thì các em làm sao biết rằng có một ngày dành riêng cho chúng.

Thế nhưng, những đứa trẻ đó vẫn còn được hạnh phúc hơn rất nhiều so với những thân phận bé nhỏ đang gồng mình vất vả mưu sinh ngoài xã hội. Qúa dễ dàng để bắt gặp những hình hài bé nhỏ, đen nhẻm cầm trên tay những món hàng rồi cất những tiếng nói yếu ớt rao bán, nài nỉ người qua đường trên những con phố Hà Nội

Với hai chị em Thùy Trang (10 tuổi, quê Nam Định) ngày 1/6 với chúng: “Em không biết là ngày gì cả! Em chỉ biết là sẽ được mẹ thưởng kẹo khi bán hết đống đồ này chị ạ”. Theo gia đình lên Hà Nội từ nhỏ, bố đánh giày thuê, mẹ đi bán rong, cuộc sống nghèo khó buộc hai em phải nghỉ học và ra đường kiếm tiền với cái nghề “bất đắc dĩ” này. “ Mùa hè em thường bán ở các quán bia, vỉa hè nơi có đông người còn mùa đông em bán trên xe buýt, trong bến xe, nhà ga…” - Trâm (em gái Trang) chia sẻ.

Trẻ em đường phố nghĩ gì về Tết thiếu nhi? - 1

Hai chị em Trang  - ảnh chụp tối 30/5 trên phố Xã Đàn

Trẻ em đường phố nghĩ gì về Tết thiếu nhi? - 2

Những bộ áo quần mới luôn là ước mơ của hai chị em

Trẻ em đường phố nghĩ gì về Tết thiếu nhi? - 3

Bán hàng rong đã trở thành công việc quen thuộc của em Trâm

Cùng bán hàng với chị em Trang, cô bé Diệu ( SN 2005) nhà ở Chương Mỹ là đứa trẻ mồ côi bố mẹ từ nhỏ, theo bà ngoại lên Hà Nội ăn xin. Theo lời kể của em, em không có bố, mẹ em vào Nam khi em còn bé.  Ban ngày, em dẫn bà đi ăn xin vì mắt bà bị mù. Đêm về, em một mình với dỏ hàng chứa những phong kẹo cao su, bao thuốc lá, bông ngoáy tai, tăm xỉa rang… lang thang trên các tuyến phố Hà Nội. Với em, ngày Tết thiếu nhi năm nay, năm nữa cũng giống nhau, chỉ là những hình ảnh mơ hồ về những món đồ chơi, bộ áo quần mới trong trí tưởng tượng trẻ thơ.

Trẻ em đường phố nghĩ gì về Tết thiếu nhi? - 4

Diệu một mình bán hàng trên các tuyến phố Hà Nội

“Em chỉ mong kiếm đủ tiền để có cơm ăn thôi chị ạ. Mùng 1/6, em chưa được đi chơi hay được tặng quà gì cả. ?” – Diệu tâm sự.

Không ai biết rằng tại sao trong xã hội ngày nay, vẫn còn có những đứa trẻ một mình lang thang ngoài xã hội. Hai chị em Trang và Diệu chỉ là một trong số rất nhiều đứa trẻ lang thang trên địa bàn Hà Nội. Gia đình chúng đâu? Tại sao chúng lại làm nghề này? Câu hỏi này có lẽ có ít người động lòng trắc ẩn mà nghĩ tới khi vô tình nhìn thấy các em. Có những em bé bán hàng rong là các em được ở trung tâm mồ côi, hay nhà tình thương nào đó thì dù sao các em vẫn còn được chăm sóc, bao bọc.

Trong thời gian gần đây, báo chí, các phương tiên truyền thông nói nhiều về việc các em nhỏ bị bóc lột sức lao động. Giữa hàng trăm mảnh đời bé nhỏ, bất hạnh  như vậy vẫn còn rất nhiều em rơi vào tay những kẻ xấu, những tổ chức kiếm tiền nhờ vào sức lao động của trẻ thơ, bóc lột chúng. Thâm chí hơn, đã bị ép buộc đi kiếm cơm và bị huấn luyện cách lợi dụng tình thương từ người khác và sa vào các tệ nạn của xã hội. Nhưng tình trạng đó vẫn tiếp diễn hàng ngày trong xã hội này.

Với các em có được miếng cơm ăn đủ no, manh áo mặc và chỗ ngủ hàng ngày đã là điều đáng mơ ước rồi. Các em không đủ sức chống chọi với những điều xấu và khó có thể gượng lại những cám dỗ, những điều xấu vì không được ai uốn nắn, bảo ban. Vì thế mà ngày quốc tế thiếu nhi là điều gì đó xa lạ, mơ hồ và là ước mơ quá xa xỉ với các em. Ngày quốc tế thiếu nhi sẽ không thể trọn vẹn như đúng tên của nó nếu đâu đó thấp thoáng hình ảnh thân hình gầy gò, làn da đen nhẻm liêu xiêu giữa dòng đời tấp nập ngoài kia.

Cuộc sống của những đứa trẻ lang thang cứ tiếp diễn như thế biết bao giờ chúng mới có được một niềm vui trẻ thơ trọn vẹn. 

Theo Nguyễn Thoa - Lê Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan