Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện về các bệnh mùa đông tại miền Bắc tăng đột biến.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết trong những ngày gần đây số lượng trẻ bị ốm do mắc các bệnh mùa đông tăng mạnh. Trong đó, một số trẻ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Số trẻ đến khám dịch vụ ngoài giờ cũng tăng mạnh, trung bình một ngày có tới gần 100 ca, vào 2 ngày cuối tuần có thể lên tới 120 ca, trong khi trước đây chỉ có 50-60 ca/ngày.
Tại khoa Nhi, BV Xanh Pôn, số trẻ đến khám và nhập viện cũng tăng gấp 1,5-2 lần so với những ngày trước đó.
Nguyên nhân là do hiện tại miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển từ thu sang đông, thời tiết nóng – lạnh thay đổi liên tục, đột ngột, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu không thích nghi kịp nên dễ mắc bệnh. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa và một số dịch bệnh gây sốt.
Trẻ nhỏ trở nặng vì các bệnh đường hô hấp
Đối với bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp mà trẻ hay mắc trong thời điểm giao mùa này, PGS.TS Dũng cho biết với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên không đáng lo ngại nhưng ngược lại phải đề phòng và theo dõi chặt các bé bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Bởi với nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới trẻ rất dễ trở nặng, gây biến chứng viêm phổi.
“Tuy nhiên, việc theo dõi diễn biến bệnh của trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện nay có hai trường phái trái ngược nhau trong khi trẻ ốm: một là cha mẹ lo quá, cứ thấy trẻ hơi sốt, hơi ho là xách vội trẻ đến viện hoặc tự tống kháng sinh ở nhà. Ngược lại, có cha mẹ lại quá chủ quan, để trẻ ốm ở nhà quá lâu, đến khi đưa trẻ đi viện thì bệnh đã trở nặng và có các biến chứng nguy hiểm”, PGS.TS Dũng nói.
Vị bác sĩ này lấy dẫn chứng không phải trẻ bị viêm phổi không cần phải nằm viện điều trị mà cần được chăm sóc đúng cách ở nhà sẽ tốt hơn vì nếu nằm viện trẻ có nguy cơ bị lây nhiễm nhiều bệnh. Đó là trường hợp các trẻ viêm phổi nhưng chỉ xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, thở nhanh, nhưng vẫn ăn chơi bình thường. Với trường hợp này chỉ cần bác sĩ khám xong, cha mẹ cho bé về nhà dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ, cách 2 ngày vào viện kiểm tra một lần.
Ngược lại với trường hợp ho, sốt, thở nhanh, có rút lõm lồng ngực, khó thở thì đó là lúc chứng viêm phổi của bé đã nặng, trẻ cần được đưa vào viện và nằm điều trị nội trú. Khi đó bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêm để trẻ nhanh khỏi, tránh để bệnh nặng gây biến chứng.
Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa
Nhiều trẻ nhập viện vì tiêu chảy
PGS.TS Dũng cho biết, thời điểm này số lượng trẻ bị nhiễm Rota virus cũng tăng mạnh. Virus Rota được coi là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Loại virus này có khả năng lây nhiễm rất cao, tấn công nhanh và trực tiếp vào hệ tiêu hóa của trẻ, gây tiêu chảy, mất nước, thậm chí là đe dọa tính mạng trẻ.
Tại các quận, nội thành Hà Nội nhiều trẻ được cha mẹ đưa cho uống vắc xin Rota virus nên số trẻ mắc có giảm nhiều, còn tại các quận, huyện ngoại thành hoặc các tỉnh khác thì tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em rất cao.
Khi trẻ bị nhiễm Rota virus sẽ bị sốt, buồn nôn và nôn mửa dữ dội. Sau 12 đến 24 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đờm nhớt nhưng không có máu.
Với trẻ nhiễm Rota virus có thể tiêu chảy và nôn mửa lên đến 20 lần/ngày. Bệnh thường kéo dài từ 3-8 ngày, thậm chí có trường hợp lên tới 14 ngày. Chính vì thế, trẻ sẽ bị mất nước và mệt nhiều. Hiện nay, các bà mẹ đã biết bù nước cho trẻ bằng oresol nhưng nhiều mẹ vẫn chưa biết bù nước đúng và đủ cho bé, tránh để tình trạng mất nước.
PGS.TS Dũng cảnh báo, việc cho trẻ uống oresol khi bị tiêu chảy có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng nhiều mẹ thấy trẻ khóc, không thích uống nước oresol nên cũng chỉ cho bé uống vài thìa, điều này rất nguy hiểm. Cách đây vài tuần đã có trường hợp bé 9 tháng tuổi nhiễm Rota virus tử vong vì bị rối loạn các chức năng của cơ thể trầm trọng do không được bù nước đủ. Trường hợp này bé bị tiêu chảy, người nhà đã đi đưa khám ngoài và điều trị theo đơn của bác sĩ nhưng tại nhà cha mẹ không cho trẻ bù nước oresol đủ, đến khi trẻ bị mất nước quá nguy kịch mới đưa đến viện thì không thể cứu chữa kịp.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần phải pha dung dịch oresol đúng theo liều lượng, chỉ dẫn của từng loại (có oresol gói pha trong 1 lít nước; 200ml; 2550ml). Việc pha oresol không đúng liều lượng sẽ nguy hiểm cho trẻ. Nếu pha loãng hàm lượng điện giải không đủ, trẻ không được bù nước đủ sẽ bị mất nước trầm trọng. Nếu pha đặc, trẻ uống sẽ bị ngộ độc muối, dẫn tới nguy cơ teo não, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tùy theo tình trạng mất nước nhiều hay ít mà lượng nước uống vào trung bình một ngày như sau: Sơ sinh đến dưới 6 tháng: 250-500ml; trẻ từ 6 đến 24 tháng: 500-1000ml; trẻ từ 2-5 tuổi : 750-1500ml; trẻ trên 5 tuổi : từ 1000-2000ml theo yêu cầu.
Chỉ pha oresol với nước đun sôi để nguội, tuyệt đối không được pha với các loại nước khoáng, nước có gaz hay nước hoa quả. Dung dịch đã pha, nếu không dùng hết trong 24 giờ thì bỏ đi, tuyệt đối không cho trẻ sử dụng lại. Cách phòng bệnh tốt nhất là cho trẻ uống vắc xin phòng tiêu chảy Rota virus.