Đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nhiều trẻ em không được đến trường vì bị kỳ thị nhiễm HIV, nhiều trẻ ghi danh đến trường chỉ được chào cờ rồi về
“Lớp học ghép, hai cháu học lớp 3 ngồi quay lưng với hai cháu học lớp 4. Cùng một lúc, cô giáo dạy cả lớp 3 lẫn lớp 4. Hình ảnh này, tưởng chừng như ở vùng sâu xa hẻo lánh nào đó. Nhưng không, đây là thực tế diễn ra tại thành phố lớn nhất cả nước – TP Hồ Chí Minh”.
Đó là chia sẻ về chuyến đi thực tế của ông Đỗ Hữu Thủy – Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục phòng chống HIV/AIDS trong buổi thông tin báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Trao giải báo chí về HIV/AIDS ngày 15/12 tại Vĩnh Phúc.
Các em nhỏ tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II tại Ba Vì, Hà Nội - nơi tiếp nhận, chăm sóc trẻ nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ông Thủy kể lại, trong lần đi thực tế tại Mái ấm Mai Hòa (TP. HCM), ông chứng kiến trẻ em nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biêt đối xử nên không thể đến trường học bình thường như trẻ em khác.
Bởi phụ huynh học sinh biết là con mình “đang ngồi chung lớp với đứa nhiễm HIV” đã gây áp lực, không cho con em đến trường nữa “nếu có trẻ nhiễm HIV học chung”. Có phụ huynh rút hồ sơ của con em mình, chuyển đến trường khác.
Do sợ mất học sinh, lãnh đạo trường học động viên trẻ nhiễm HIV ghi danh, thứ 2 đầu tuần đến chào cờ xong lại về trung tâm chăm sóc trẻ nhiễm HIV. Trường học cử giáo viên đến Mái ấm Mai Hòa dạy riêng, thay vì dạy các em ở trường học bình thường.
Ông Thủy đồng tình với tâm lý chung phụ huynh, ai cũng muốn con em mình được học ở môi trường tốt, an toàn, không bệnh tật. Tuy nhiên, kỳ thị, phân biệt trẻ bị nhiễm HIV đến mức không cho học chung là “tâm lý thái quá”.
“HIV không lây qua đường tiếp xúc thông thường. Đến bây giờ trên thế giới chưa có trường hợp nào học sinh lây nhiễm khi học chung”, ông nói.
Cũng theo lời kể của ông Thủy, tại một thành phố lớn khác là Hà Nội - Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II tại Ba Vì - nơi tiếp nhận, chăm sóc trẻ nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi, các em cũng gặp sự phân biệt đối xử tương tự.
Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cũng cho rằng, xã hội vẫn còn sự e dè và phòng vệ một cách thái quá đối với người nhiễm HIV.
Ông nói: “Chúng tôi rất buồn khi trẻ em không được đến trường vì nhiễm HIV, hoặc sự phân biệt đối xử, phòng vệ thái quá với người nhiễm HIV. Mong rằng, xã hội thay đổi những quan niệm sai lầm về HIV/AIDS và mở rộng vòng tay với họ”.
Ông Cảnh thông tin thêm, HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm có trên 2.000 người tử vong. Ở nước ta, mỗi năm phát hiện mới thêm khoảng hơn 12.000 người nhiễm HIV. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 200.000 người nhiễm HIV. Đáng lưu ý, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang có xu hướng tăng cao hơn sơ với đường máu.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nghiện chích ma túy, mại dâm nữ, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam... Ông Cảnh nhấn mạnh, từ 2007 đến nay, chiều hướng của dịch giảm xuống, tạo tâm lý chủ quan cho nhiều người. Một số bộ phận cho rằng “HIV/AIDS ổn rồi, không cần đầu tư nhiều”.
Điều 15, Luật Phòng chống HIV/AIDS: a) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; b) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; c) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV; d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học. |