Do số lượng trẻ nhập viện quá nhiều, không đủ giường nằm, các phụ huynh đành cho con ra ngoài hành lanh “lánh” tạm.
Biết trước vẫn không tránh được
Càng đến ngày Giáng sinh, thời tiết tại TP.HCM càng trở lạnh khác thường, đặc biệt, vào đêm và lúc trời sáng. Sự thay đổi bất ngờ của thời tiết đã kéo nhiều người mắc phải các căn bệnh liên quan đến hô hấp. Đặc biệt là trẻ em.
Vào sáng 19/12/2014, mặc dù chưa phải là cuối tuần nhưng tại cả hai khu khám bệnh công lập lẫn dịch vụ ở bệnh viện Nhi Đồng 1 đều quá tải. Bệnh nhân chủ yếu là các em nhỏ. Chị Trần Thị Hường (quận 3) cho biết: “Cách đây hai đêm, tôi chở cháu đi xem các khu phố được trang trí Noel. Không ngờ, vì trời lạnh, nên sáng hôm sau cháu ho ngay. Tôi mua thuốc cho cháu uống nhưng không khỏi nên phải đưa đi khám”.
Trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi tăng đột biến
Chị Nguyễn Thị Đào Nguyên (quận Bình Tân) bồng đứa con 2 tuổi trên tay cho hay: “Tôi biết trời trở lạnh là trẻ thường ốm. Chiều nào tôi cũng bắt cháu ở trong nhà. Thế nhưng, cháu vẫn bị nhiễm lạnh, ho khò khè. Cháu ho hai ngày liên tiếp, chảy mũi. Tôi lo cháu sẽ bị nặng hơn nên phải xin nghỉ làm một ngày đưa con đi khám”.
Khi được hỏi, hầu hết tất cả các bậc phụ huynh đều thừa nhận, dù đã có kinh nghiệm, mỗi khi trời trở lạnh là con lại ốm. Thế nhưng, dù cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi việc con bị ốm. Nhiều bà mẹ thấy con bị bệnh, liền ra quầy thuốc hỏi bệnh rồi mua thuốc. Sau vài ngày, con vẫn không có dấu hiệu khỏi nên phải đưa đến bệnh viện.
Phải nằm giường ghép
Các bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, một tuần trở lại đây, ngày nào cũng có hơn 400 trẻ đến khám. Chủ yếu, trẻ bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mỗi ngày, bệnh viện phải tiếp nhận chừng 100 trẻ. Trong đó, số lượng trẻ nằm viện vì bệnh hô hấp dao động từ 200 đến 300 trẻ.
Trưởng khoa Hô hấp (bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, hiện tại, số lượng trẻ nhập viện tại đây tăng từ 20% đến 30% so với tuần trước. Tuần trước, mỗi ngày, khoa có khoảng 180 trẻ nhập viện thì sáng 19/12 có gần 230 trẻ đang được điều trị.
Cảnh tương tự cũng được ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ Trần Thị Thu Loan (trưởng khoa Hô hấp) cho biết, số lượng trẻ nhập viện tăng đột biến trong suốt gần một tuần qua. Khoa chỉ có 154 giường bệnh. Thế nhưng, hiện tại, ở khoa dịch vụ hô hấp và khoa hô hấp có hơn 350 trẻ nhập viện. Do đó, nhiều giường, có từ 2 đến 3 bệnh nhân nằm chung.
Tất cả các nơi đều được phụ huynh trưng dụng
Nhiều bậc cha mẹ không chịu được cảnh quá tải nên đã mua võng mắc ở bên ngoài hành lang cho con nằm. Anh Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) cho biết: “Thấy con bị bệnh đã thương rồi mà khi vào viện, không có chỗ nằm lại càng thương hơn. Dù biết, trời lạnh như thế này, cho con ra nằm ở bên ngoài hành lang thì khó khỏi bệnh hơn nhưng không còn cách nào khác”.
Nhiều phụ huynh, để tránh trường hợp con lạnh, lại bị bệnh nặng hơn nên che chắn kĩ lưỡng. Riêng các phụ huynh lại trải chiếu ngồi canh con. Chị Dương Thị Hải (quận Bình Chánh) chia sẻ: “Mình khổ tí cũng được. Chứ để con ốm mà lại khổ thì xót không chịu nổi”.
Các bác sĩ tại khoa Hô hấp cũng cho biết, do bệnh nhi quá đông, số lượng giường bệnh không đáp ứng đủ nên nhiều bé phải nằm ghép, nằm võng. Đây cũng là nguy cơ lây nhiễm chéo tăng.
Cần giữ ấm cho trẻ
Bác sĩ Loan cho biết, thời tiết thay đổi, không khí lạnh sẽ khiến niêm mạc đường thở hanh khô. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi trùng, vi rút dễ xâm nhập nên trẻ dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bác sĩ khuyến cáo, cần giữ ấm, ủ ấm cho trẻ, đặc biệt là khi xe máy, ra ngoài trời. Khi ra đường vào ban đêm, lúc rạng sáng phỉa mặc đủ ấm. Cần lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ…
Ghi nhận tại các bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM, số lượng người lớn nhập viện vì bệnh hô hấp, tim mạch cũng tăng mạnh. Trong đó, số lượng người già chiếm số đông. Các bác sĩ khuyến cáo, do thời tiết thay đổi, trở lạnh, các cụ không nên tản bộ hoặc đi thể dục ngoài trời quá sớm, quá muộn hoặc tắm rửa với nước lạnh… |
Các bậc phụ huynh cũng cần tránh trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh. Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Đối với trẻ em, bệnh có thể diễn biến nhanh và phức tạp. Có khi, buổi sáng, trẻ chỉ bị viêm phổi. Sau đó, trẻ có nguy cơ suy hô hấp hay bị tiêu chảy do vi rút rolta thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho hay, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để cơ thể có nhiều vitamin, nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này không nên cho trẻ uống nước lạnh. Thay vào đó, nên cho trẻ uống nước ấm. Ngoài ra, cũng tránh cho trẻ ăn những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.