Diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Khánh Hòa hiện đang được đánh giá là vô cùng phức tạp, dai dẳng và chưa từng thấy với số ca mắc SXH cao nhất miền Trung… Hiện giải pháp cuối cùng đang được Khánh Hòa dự kiến triển khai là dùng muỗi… chống SXH.
Phun 2.000 lít hóa chất, dịch vẫn bùng phát
Sáng 29.10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, chưa bao giờ lượng hóa chất sử dụng trong phòng chống dịch SXH lại được sử dụng nhiều như năm nay, với hơn 2.000 lít mua từ kinh phí địa phương và được cấp phát từ Trung ương.
“Hiện chúng tôi chỉ còn 300 – 400 lít hóa chất sử dụng cho những tháng còn lại trong năm nay và sẽ không còn hóa chất dự trữ gối đầu cho những tháng đầu năm 2014” – đại diện Trung tâm này cho biết.
Dù áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nhưng dịch SXH vẫn bùng phát bất thường tại Khánh Hòa, gây quá tải các bệnh viện.
Tuy nhiên, theo biểu đồ diễn biến dịch, từ tháng 3.2013, số ca mắc SXH không thuyên giảm mà tăng hơn xấp xỉ 200 ca ở từng thời điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này rất bất thường vì dịch thường bùng phát theo chu kỳ 3-4 năm, nay dịch bùng phát 2 năm liên tiếp. Hiện Khánh Hòa đã có gần 6.000 ca mắc SXH, với 490 ổ dịch, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 4 ca tử vong.
Cả 4 type virus gây bệnh SXH đều có ở Khánh Hòa và đặc biệt, thành phố du lịch Nha Trang có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh ở 215 ổ dịch tại 24/27 xã phường. Dịch bùng phát mạnh mẽ, đã có lúc gây hiện tượng quá tải trong công tác dập dịch ở TP. Nha Trang và đã xảy ra tình trạng “nhảy cóc”, bỏ qua việc xử lý một số ổ dịch …
Kinh phí chưa đủ được cho là một trong những nguyên nhân chưa thể dập dịch quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, ngân sách tỉnh và Trung ương cấp về cho Trung tâm gần 4 tỷ đồng và hết sạch từ đầu tháng 8, nhưng hơn 2 tháng sau, được cấp bù hơn 1,14 tỷ đồng. Kinh phí eo hẹp, chậm trễ, giá thuê nhân công phun thuốc quá thấp… nên việc chống dịch chủ động (phun hóa chất ở diện rộng) bị hạn chế so với yêu cầu, tại Nha Trang chỉ phun được 5/24 xã có ổ dịch.
Trông chờ vào muỗi Wolbachia…
Theo GS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, muỗi Wolbachia không gây bệnh nguy hại trên người… Viện dự kiến sẽ làm thủ tục ban đầu, thống nhất với UBND tỉnh chọn 6 phường, xã tại Nha Trang thả muỗi Wolbachia tham gia chống dịch SXH. |
Cuối tháng 7, tại Nha Trang, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng chống sốt xuất huyết. Tiến sĩ Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) cho biết đã áp dụng giai đoạn III ứng dụng muỗi Wolbachia vào hoạt động phòng chống SXH ở Khánh Hòa.
Đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) là nơi được chọn để triển khai xem xét khả năng thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia (gọi tắt là muỗi Wolbachia), được thực hiện từ tháng 10.2012 đến 3.2015. Kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia đạt từ 70-80%, bọ gậy mang Wolbachia tại cộng đồng đạt đến 96%. Đảo Trí Nguyên không xảy ra ổ dịch SXH tập trung
GS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đánh giá: “Nha Trang có hơn 400.000 dân, 100.000 hộ gia đình và đang là nơi có số ca mắc SXH cao. Thành phố du lịch này nếu tham gia triển khai tốt dự án sẽ dập dịch SXH nhờ ứng dụng công nghệ sinh học Wolbachia”.
Trao đổi với NTNN, TS Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: “Kết quả bước đầu ở đảo Trí Nguyên đã được ghi nhận và rất có ý nghĩa đối với chiến lược phòng chống dịch SXH ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng trong bối cảnh sử dụng nhiều biện pháp phòng chống SXH truyền thống mà dịch vẫn tăng. Ngành y tế rất hy vọng việc thả muỗi mang Wolbachia thay thế quần thể muỗi tự nhiên sẽ là giải pháp hiệu quả để phòng chống dịch SXH”.