Trước sự cạnh tranh khá quyết liệt để có được một suất vào lớp 10 công lập trong năm học 2015 – 2016, không ít người lo ngại nếu trượt lớp 10 thì các em sẽ học ở đâu?
Xác định rõ năng lực học tập của con khó thi đỗ vào lớp 10 THPT, chị Nguyễn Thị Hoàn (huyện Nhà Bè) băn khoăn: “Con tôi nếu không đỗ vào lớp 10 có lẽ tôi sẽ cho cháu học trung cấp nghề vì gia đình không có điều kiện cho cháu học trường tư, nhưng không biết học trung cấp nghề liệu cháu có chịu không, muốn học liên thông lên đại học thì sẽ như thế nào?”
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, mỗi quận huyện đều có đủ thông tin cung cấp cho học sinh về những trường trung cấp tuyển sinh học sinh hoàn thành chương trình lớp 9. Đặc biệt, thành phố có chế độ miễn giảm 50% học phí cho học sinh học nghề.
Sau khi học 3 hoặc 3 năm rưỡi, học sinh có bằng tốt nghiệp THPT quốc gia hoặc bằng trung cấp chuyên nghiệp và vẫn có thể dự thi vào ĐH, CĐ nếu muốn. Hiện nay thành phố đang cần đội ngũ công nhân lành nghề ở một số ngành như điện lạnh, điện công nghiệp, xây dựng...
Theo bà Trần Thúy Hằng, Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, một học sinh học THPT phải mất 3 năm THPT và 4 năm đại học mới có được bằng đại học. Trong khi đó, nếu chọn học trung cấp, các em chỉ mất 2,5 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề, liên thông lên cao đẳng 1 năm, liên thông lên đại học 2 năm. Như vậy các em chỉ mất khoảng 6,5 năm là có bằng đại học.
Nhiều phụ huynh khác lo ngại liệu học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên có đảm bảo chất lượng, có đủ điều kiện để thi đại học hay không.
Sở GDĐT TPHCM cho biết, vài năm gần đây, các Trung tâm giáo dục thường xuyên tại thành phố được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng. Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên có số học viên còn đông hơn trường THPT công lập.
Đây là hướng đi cho những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Dù sử dụng chung bộ sách giáo khoa nhưng học viên trung tâm sẽ học số môn ít hơn, áp lực không như các trường công lập. Đặc biệt, các em vẫn có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mà không có sự phân biệt nào khác so với học sinh THPT.