Truyền thuyết 'giếng sữa' ở đất hai vua Đường Lâm

Ngày 08/06/2014 14:57 PM (GMT+7)

Người tới xin sữa chỉ cần thành tâm nói rõ tên tuổi, địa chỉ bố mẹ và cháu bé, sau đó làm lễ xin nước ở “giếng sữa” về cho sản phụ uống hoặc nấu cháo ăn thì sữa sẽ về.

Sự tích “giếng sữa”

 

Từ bao đời nay, không chỉ người dân thôn Cam Lâm mà dân làng khắp 8 thôn khác ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đều biết đến ngôi miếu cổ và giếng nước có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh. Người dân trong vùng gọi đó là “giếng sữa ”.

Giếng sữa và ngôi miếu nằm sát dưới chân đồi Cấm ở thôn Cam Lâm, cách vài trăm mét từ lăng vua Ngô Quyền theo hướng Nam. Tương truyền đây là ngôi miếu rất cổ cùng có niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng vua Ngô Quyền.

Vào thời loạn lạc, khi nơi đây vẫn là vùng núi hoang sơ không bóng người ở, một em bé mới chào đời bị bỏ rơi khát sữa khóc ngằn ngặt dưới chân đồi. Một bà lão đi ngang qua chứng kiến nhưng không biết làm thế nào để cháu bé nín. Bà chỉ biết bế cháu bé trên tay đi dọc đường với hy vọng tìm được nhà dân để xin nước.

Đi mãi cũng không thấy bóng người, tới một thung lũng dưới chân đồi Cấm, bà thấy một mạch nước róc rách chảy từ trong hang đá bèn mớm miếng nước cho cháu bé. Đứa bé bỗng nhiên ngừng khóc và thiếp ngủ trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều ở tại đây nuôi đứa trẻ. Khi mất, người dân trong vùng lập miếu thờ bà và gọi là “miếu mẹ” bên mạch nước thiêng gọi là “giếng sữa”.

Truyền thuyết #039;giếng sữa#039; ở đất hai vua Đường Lâm - 1

Giếng sữa trước cửa miếu mẹ ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).

Mạch nước sau đó trở nên thiêng liêng và được nhiều người biết đến khi vào mùa khô, tất cả giếng làng đều bị cạn trơ đáy thì thấy mạch nước vẫn đầy ăm ắp, trong vắt. Họ cùng nhau ra gánh nước về ăn, càng lấy nước càng trong càng đầy.

Từ đó, nhiều người dùng đá ong che chắn xung quanh để giữ nước. Cũng từ ngày dựng miếu, trong làng luôn có một người "có căn số" trông coi và bảo vệ miếu và “giếng sữa".

Truyền thuyết #039;giếng sữa#039; ở đất hai vua Đường Lâm - 2

Nước trong giếng sữa rất trong và luôn luôn ổn định dù vào mùa khô.

Bà Phan Thị Sót (SN 1948), người hiện trông coi “miếu mẹ” và “giếng sữa” cho biết: “Tôi trông miếu mẹ nhiều năm nay nhưng cũng không biết đức mẫu tên thật là gì và ngôi miếu có từ bao giờ. Các cụ trong làng cũng không ai rõ, chỉ biết ngôi miếu rất thiêng, đặc biệt có thể gọi sữa cho những sản phụ bị tắc sữa, ít sữa sau sau sinh. Hiện nay, hàng ngày có nhiều ông bố bà mẹ khắp nơi về đây xin sữa về cho con bú”.

Miếu mẹ nhỏ bé nằm trọn dưới tán cây bạc lộc cổ thụ hướng ra cánh đồng làng. Trước cửa miếu mẹ lệch hướng Đông là giếng sữa được kè bằng gạch đá ong. Đường kính lòng giếng nhỏ, chỉ khoảng 60 cm, sâu 1 m. Nhìn xuống dưới đáy giếng chỉ thấy một ang nước nhỏ trong vắt. Nhìn thấu đáy có một tảng đá ong cổ đã bạc màu. Mực nước luôn luôn giữ ở mức lưng chừng.

Bà Sót cho biết, mực nước như vậy hầu như không thay đổi qua các mùa, các năm. Dù mùa mưa, nước ở cánh đồng dâng lên cao hay mùa cạn nứt toác cánh đồng thì nước trong giếng vẫn vậy. Nhiều năm trước, từng có đoàn người ở Hà Nội hàng trăm người về dùng can, thùng xin nước liên tục kéo dài ra tận đầu ngõ. Nhưng múc mãi nước cũng không hao đi chút nào.

Xin sữa cho sản phụ

Bà Sót giải thích chuyện giếng cổ có thể xin sữa cho sản phụ tưởng như chỉ có trong truyền thuyết nhưng đây là sự việc có thật. Những người tới xin sữa tại đền mẫu này hầu hết là các bà mẹ gặp phải chứng tắc sữa, ít sữa. Những sản phụ này không hẳn phải tự đến mà chồng, mẹ chồng hay người thân trong gia đình cũng có thể tới xin hộ.

Truyền thuyết #039;giếng sữa#039; ở đất hai vua Đường Lâm - 3

Anh Quang (30 tuổi), con trai bà Toán (giữa ảnh) tự tay múc nước khi bà Sót (áo trắng) đang làm lễ. 

Truyền thuyết #039;giếng sữa#039; ở đất hai vua Đường Lâm - 4

Nước ở giếng sữa rất trong và mát.

Gọi là "lễ" nhưng cũng rất đơn giản. Người tới xin sữa chỉ cần thành tâm đọc rõ tên tuổi, địa chỉ bố mẹ và cháu bé thiếu sữa kèm theo thẻ hương trái oản và vài đồng tiền lẻ. Ông bố thì để lại 7 đồng, bà mẹ thì để lại 9 đồng tiền lẻ tại miếu và ra giếng tự tay múc nước cho vào chai.

Nước mang về rót một lần ra cốc cho sản phụ uống hết không được đổ bỏ. Số còn lại mang đi nấu cháo hoặc đun lên cho sản phụ dùng. Một hai ngày sau, sữa mẹ sẽ về.

Bà Lê Toán (64 tuổi), trú ở xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) có con dâu mới sinh được 3 tháng nhưng ít sữa, cháu bé vì thế hay khóc, chậm lớn hơn trẻ cùng lứa. "Nhiều người mách, tôi cùng con trai tới tới giếng sữa ở miếu mẹ xin về cho cháu. Xin nước về cho con dâu uống chỉ một ngày, mẹ cháu đã căng đầy sữa cho con bú", bà Toán cho hay.

Nhiều bà mẹ ở xa thiếu sữa cho con cũng tìm tới đây. Cách đây vài ngày có một bà mẹ tên Lan ở Phú Thọ về đây xin sữa khi trời đã tối và có mưa giông. Chị Lan cho biết tình trạng thiếu sữa cả tháng trời khiến gia đình phải dùng sữa bột thay thế nhưng con trai không chịu ăn. Sợ nhờ người thân đi xin sữa ở miếu mẹ không linh ứng, chị Lan tự đi một mình lên đây.

Cảm thông tấm lòng người mẹ, bà Sót mặc áo mưa ra giếng xin nước cho người phụ nữ đó. Hôm sau sữa về, chị Lan mừng rỡ gọi điện lên.

Truyền thuyết #039;giếng sữa#039; ở đất hai vua Đường Lâm - 5

Bà Phan Thị Sót cho biết chỉ cần thành tâm làm lễ thì sản phụ nào cũng có thế xin được sữa về cho con.

"Có những bà mẹ ở rất xa vùng Hà Nam, Nam Định, Thái Bình gọi điện về xin sữa. Tôi ra miếu xin cho họ theo thông tin cá nhân được cung cấp. Miếu mẹ cũng cho các sản phụ sữa ngay sau đó. Nhiều người lặn lội từ dưới đó lên cảm tạ", bà Sót kể.

Ông Dương Hữu Phương, Trưởng thôn Cam Lâm cho biết, trước đây, ngôi miếu rất nhỏ giữa rừng cây um tùm. Cách đây 10 năm, người dân trong thôn cùng xây gạch đá ong tôn lên cao bao quanh bảo vệ giếng, từ miếu ra giếng được xếp gạch chỉ cẩn thận. Mới đây, mái miếu được tu sửa lại chống dột.

"Chuyện ngôi miếu mẹ có giếng cổ xin được sữa là có thật từ bao đời nay ở thôn. Ngôi miếu và giếng có từ lâu đời, các cụ thân sinh của tôi cũng chỉ nói lại như vậy", ông Phương cho hay.

Theo Hoàn Nguyễn (ZING.vn)

Tin liên quan