Từ 1/7, trường hợp nào không đăng ký thường trú, tạm trú bị xử phạt?

Ngày 29/06/2021 00:10 AM (GMT+7)

Trường hợp nào không đăng ký thường trú, tạm trú sẽ bị xử phạt và phạt bao nhiều? Đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.

Đối với đăng ký thường trú, theo khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7), người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Theo đó, nếu công dân đủ đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến nơi ở khác mà đủ điều kiện đăng ký thường trú nhưng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện không đăng ký thì sẽ bị phạt, cụ thể:

Thứ nhất, đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác thuộc quyền sở hữu của mình.

Thứ hai, đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình như: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con…

Thứ ba, đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Thứ tư, đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo...

Thứ năm, người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

Thứ sáu, người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện đã đăng ký thường trú nhưng chuyển đến sống trên phương tiện đó.

Đối với đăng ký tạm trú, theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Không đăng ký thường trú, tạm trú bị phạt bao nhiêu?

Hiện nay, theo Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Như vậy, những người thuộc 6 trường hợp phải đăng ký thường trú và 1 trường hợp phải đăng ký tạm trú mà không đăng ký thường trú, tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, Bộ Công an đang đề xuất nhiều mức phạt mới để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình tại dự thảo Nghị định mới nhất.

Một trong số các hành vi vi phạm đáng chú ý nêu tại dự thảo Nghị định này là vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

Cụ thể, theo Điều 9 Dự thảo Nghị định, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Vụ nam tài xế taxi chết trong tư thế treo cổ: Phát hiện nhiều tờ giấy lạ ở hiện trường
Ngay sau khi nhận được tin báo về việc nam tài xế taxi chết trong tư thế treo cổ, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường.

Tin tức 24h

Theo H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h