Ngày 24/3, tại TP. HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học – Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; PGS.TS Nguyễn Xuân Tế - Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý giáo dục TP. HCM và Giám đốc các Sở GD&ĐT các tỉnh phía Nam.
Trong hội thảo, Th.S Bùi Xuân Dũng và Th.S Phạm Thị Kiên, giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị của Trường cán bộ quản lý giáo dục TP. HCM đã có tham luận bàn về thực trạng chương trình sách giáo khoa hiện nay.
Hai đại biểu cho rằng hiện nay, nội dung sách giáo khoa trọng lí thuyết và ít thực hành làm cho học sinh thụ động. Hơn nữa với nội dung quá nhiều, học sinh thường học theo kiểu học “vẹt” để có thể học hết chương trình đó. Mặc khác chương trình học còn thiếu nhiều kiến thức, kể cả thiếu một số môn cốt lõi về khoa học tư duy, về kĩ năng sống, khả năng sáng tạo.
Ngoài ra, sách giáo khoa hiện tại định vị không đúng vai trò của các môn học trong cấu trúc kiến thức. Chẳng hạn như môn ngoại ngữ được gọi là môn tự chọn ở bậc tiểu học, và từ lớp 3 trở lên mới dạy, trong khi ngoại ngữ hiện nay rất quan trọng. Trong thực tế, ở các thành phố lớn, trẻ 3 tuổi đã được phụ huynh cho đi học ngoại ngữ chứ không phải chờ đến tiểu học mới cho trẻ đi học.
Các đại biểu tham dự hội thảo bàn về chương trình và sách giáo khoa, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên - Ảnh: Văn Luận
Cùng sử dụng một bộ sách giáo khoa nên hiện tại xảy ra tình trạng học sinh miền núi không theo kịp chương trình, còn học sinh ở miền xuôi thì phải nâng cao thêm bằng các nguồn tài liệu khác.
Sau nhiều năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành, tổng hợp thông tin của Bộ GD&ĐT cho thấy việc thực hiện chương trình ở các vùng khó khăn như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Cạn…có nhiều bất cập.
Chẳng hạn như kết quả đánh giá học sinh lớp 3 sau 5 năm thay sách giáo khoa thấy rõ có sự chênh nhau khá lớn giữa các vùng, miền: Tỷ lệ học sinh giỏi môn Tiếng Việt ở Đà Nẵng là 63,43%; Hải Phòng là 60,57%; TP. HCM là 59,25%; trong khi đó các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số chỉ đạt 6,5%, 7,15%, 8,66%...Hoặc tỷ lệ học sinh giỏi Toán ở Đà Nẵng là 57,58%; Hải Phòng là 61,03%; TP. HCM là 64,94%; trong khi ở các tỉnh khó khăn chỉ đạt 7,64%, 9,8,%, 11,2%...
Qua đó, rút ra đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi đó là học sinh các vùng có điều kiện khó khăn. Các em khó đáp ứng được đầy đủ mục tiêu đặt ra, vì thế chất lượng giáo dục ở các vùng này sẽ bị kéo xuống thấp và mục tiêu miền núi tiếp kịp miền xuôi mãi mãi sẽ chỉ là lý thuyết.
Còn ở khu vực thành thị, cho rằng cùng học chung một bộ sách giáo khoa với vùng sâu vùng xa thì quá nhẹ nên hầu hết các trường đều tự ý đưa thêm kiến thức nâng cao để dạy cho học sinh. Chính vì thế mà có tình trạng học sinh ở thành thị từ lớp 1 đến lớp 12 phải đi học thêm cả ngày lẫn đêm thì mới theo kịp chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo
Sách giáo khoa hiện nay còn thiếu tính xuyên môn trong cấu trúc chương trình, thiếu liên thông về kiến thức, việc lựa chọn khối lượng và tính chất các đơn vị kiến thức đưa vào chương trình nhiều khi chưa có tính sư phạm, nhiều khi quá tải, sai thực tế…
Ở hầu hết các nước, giáo viên không dạy hẳn theo một bộ sách giáo khoa nào. Căn cứ vào tình hình thực tế của lớp, giáo viên có thể chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn sách giáo khoa đã có để dạy.
Học sinh ở các nước học chương trình khá nặng nhưng không phải học sinh lên lớp, nghe thầy cô giảng bài và thuộc lòng những kiến thức đó để thi.
Hiện nay, việc biên soạn sách giáo khoa còn có một nhược điểm rất lớn là thiếu sự chia sẻ thông tin với xã hội. Nghành giáo dục chỉ lặng lẽ thực hiện, vì thế khi bộ sách mới ra đời có một vài chi tiết bị phản ứng, tự nhiên lại thành một dư luận xã hội rất không đồng thuận. Nghành giáo dục cần chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa với xã hội và tạo điều kiện nhiều hơn nữa để xã hội tham gia vào công việc xây dựng sách giáo khoa.
“…Xã hội vẫn cho rằng nghành giáo dục hay lấy học sinh ra làm thí nghiệm cho những đổi mới của mình, nếu xã hội hóa hoàn toàn việc viết sách giáo khoa và Bộ GD&ĐT đứng ngoài cuộc tổ chức biên soạn thì việc lấy học sinh ra làm thí nghiệm thật sự nguy hiểm. Cần phải hiểu rõ, từ trước đến nay, kể cả khi chỉ có một bộ sách giáo khoa thì Bộ GD&ĐT cũng chưa bao giờ trực tiếp đứng ra làm sách giáo khoa, Bộ chỉ tổ chức, tập hợp đội ngũ để biên soạn” Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nhiều cán bộ quản lý trong nghành giáo dục nhận thức vấn đề quản lý và đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa chưa thấu đáo. Nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT, Nhà nước liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa chưa được các cán bộ quản lý chịu khó đọc hoặc do đọc không đến nơi đến chốn đã dẫn đến việc làm sai. Vì vậy, các cán bộ quản lý phải lưu ý hơn. Theo lộ trình, từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, cấp THCS và THPT. |