Trong năm 2020, có nhiều chính sách mới về tiền lương có hiệu lực thi hành, tác động trực tiếp đến người lao động, công chức, viên chức...
Nghị định 90 năm 2019 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được điều chỉnh tăng, cụ thể:
- Vùng I: Tăng 240.000 đồng/tháng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng;
- Vùng II: Tăng 210.000 đồng/tháng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng;
- Vùng III: Tăng180.000 đồng/tháng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng;
- Vùng IV: Tăng 150.000 đồng/tháng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định: Mức lương tối thiểu vùng quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo: Không trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Theo khoản 7 điều 3 Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên thành 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Như vậy, mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng thêm 110.000 đồng/tháng so với hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất trong một vài năm trở lại đây. Tính từ năm 2016 đến năm 2019, lương cơ sở chỉ tăng cao nhất từ 90.000 đồng/tháng - 100.000 đồng/tháng.
Khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang cũng được điều chỉnh tăng 7,38% so với hiện hành.
Năm 2020 là năm cuối cùng tồn tại lương cơ sở. Theo Nghị quyết 27 Bộ Chính trị, từ năm 2021 trở đi lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở. (trừ một số trường hợp quy định riêng).
Dù tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện thì lương hưu của một người đều được xác định theo công thức: Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%.
Do đó, có thể chia lương hưu năm 2020 thành 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (Từ 01/01/2020 - 30/6/2020): Tối thiểu 1,49 triệu đồng/tháng khi vẫn áp dụng mức lương cơ sở như hiện nay.
Giai đoạn 2 (Từ 01/7/2020 - 31/12/2020): Tối thiểu 1,6 triệu đồng/tháng khi áp dụng mức lương cơ sở mới.
Như vậy, việc tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là tiền đề cho việc tăng lương hưu của những người đang hưởng chế độ hưu trí mà còn là sự hỗ trợ đối với những người đang làm việc để tích lũy thêm một phần cho khoản lương hưu sau này.
Khoản 1, điều 90 Bộ Luật Lao động 2012, nguyên tắc trả lương cho người lao động (NLĐ) mà mọi người sử dụng cần phải bảo đảm là: "Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định".
Tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2020 áp dụng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tăng trung bình 5,5% so với năm 2019. Riêng với người đã qua học nghề, đào tạo nghề (người có bằng đại học; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) thì mức lương tối thiểu phải cao hơn ít nhất 7%.
(Ảnh minh họa)
Như vậy, mức lương của những sinh viên mới ra trường (đã có bằng đại học; cao đẳng, trung cấp) năm 2020 làm việc tại các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động phải thấp nhất bằng:
- 4.729.400 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng I (tăng 256.800 đồng/tháng so với năm 2019)
- 4.194.400 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng II (tăng 224.700 đồng/tháng so với năm 2019)
- 3.670.100 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng III (tăng 192.600 đồng/tháng so với năm 2019)
- 3.284.900 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng IV (tăng 160.500 đồng/tháng so với năm 2019).
SV mới ra trường cần lưu ý về mức lương trên để thỏa thuận với người sử dụng lao động, bảo đảm mức lương thực tế ít nhất bằng hoặc cao hơn các mức nêu trên.
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6, quy định chung về chính sách giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đáng chú ý là lương giáo viên có nhiều điểm mới.
Theo đó, từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Tại Điều 76 của Luật giáo dục mới quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Giáo viên được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Lương giáo viên từ năm 2020 có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)
Sẽ không còn phụ cấp thâm niên, các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,… sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm khi đó chênh lệch giữa người giáo viên trong đơn vị sẽ thu hẹp lại, sẽ không có việc chênh lệch quá lớn giữa giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm như hiện nay, lương sẽ được chi trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp, đặc thù nghề nghiệp.
Ngoài ra, khi lương cơ sở được điều chỉnh, tiền lương và một số khoản phụ cấp của giáo viên vẫn được duy trì theo cách tính: Lương cơ sở x Hệ số, nên khi lương cơ sở tăng, lương và một số khoản phụ cấp của giáo viên cũng sẽ tăng vọt (mức tăng lương cao nhất lên đến 700.000 đồng/tháng với giáo viên trung học).
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng đối với nhà giáo cũng sẽ tăng hơn 7,38% so với quy định hiện hành. Từ năm 2021, giáo viên sẽ được xếp lương theo bảng lương chức vụ hoặc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ dựa vào mức độ phức tạp của công việc.