Tuyên “bầu” Kiên y án 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng

Ngày 15/12/2014 22:06 PM (GMT+7)

Chiều nay (15.12), Hội đồng Xét xử (HĐXX) phiên tòa phúc thẩm đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và đồng phạm.

Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh – Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX đọc bản án phúc thẩm.

Thẩm phán Vĩnh tóm tắt lại quá trình nội dung bản án sơ thẩm và quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát tại tòa, cũng như luận điểm bào chữa của các bị cáo và các luật sư.

Thông qua hồ sơ vụ án, cũng như xét xử công khai tại phiên tòa, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ án.

Sau khi đưa ra quan điểm chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX khẳng định, trong cả bốn tội danh bị cáo Kiên bị tòa sơ thẩm quy kết đều không oan. Việc bị cáo kháng cáo là không có căn cứ để xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Đồng phạm với bị cáo Kiên bị tòa sơ thẩm quy kết về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" cũng là đúng người, đúng tội. Việc tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo mức hình phạt tù như vậy đã là giảm nhẹ. 

HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với hầu hết các bị cáo, chỉ riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ được giảm từ 5 năm xuống 4 năm tù.

Tuyên “bầu” Kiên y án 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng - 1

 “Bầu” Kiên và các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án.

Trước đó, bản án tòa sơ thẩm tuyên phạt: Nguyễn Đức Kiên - nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB: 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 6 năm tù về tội “Trốn thuế”; 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Kiên còn nhận hình phạt bổ sung tiền trốn thuế 75 tỷ đồng và thêm 100 triệu đồng cho hành vi lừa đảo. Đồng thời, bị cáo Kiên còn bị cấm tham gia hoạt động ngân hàng trong 5 năm sau khi ra tù.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 5 năm tù. Bị cáo Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB: 8 năm tù. Bị cáo Trịnh Kim Quang - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 4 năm tù.

Bị cáo Phạm Trung Cang - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB: 2 năm tù. Các bị cáo này cùng bị tuyên phạt tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này còn có Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt: 5 năm 6 tháng tù. Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội: 5 năm tù, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai bị cáo này không kháng án sơ thẩm.

Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo kháng cáo, luật sư kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt đều bị đại diện Viện Kiểm sát bác. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn được đề nghị giảm một phần bản án sơ thẩm. Bị cáo Trịnh Kim Quang rút đơn kháng cáo, nên công tố viên đề nghị HĐXX đình chỉ kháng cáo với bị cáo Quang.

Năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của Ngân hàng ACB và sau đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2008. Sau đó, Kiên đã rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB. Nhưng để tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng, có quyền chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng ACB, trước khi rút khỏi HĐQT, Kiên đã đề nghị HĐQT ngân hàng này ra nghị quyết thành lập và phê chuẩn quy chế làm việc Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB do Kiên làm Phó Chủ tịch. 

Nhưng trên thực tế, Hội đồng sáng lập không được pháp luật thừa nhận. Sau khi rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB, Kiên đã thành lập sáu công ty, trong đó Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty B & B, Công ty AFG, Công ty ACBI, Công ty ACI và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thiên Nam. 

Với nhiều thủ đoạn, Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo Ngân hàng ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng cùng vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc… gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng (tính theo đơn giá cổ phiếu lúc mua) và thiệt hại hơn 879 tỷ đồng. Việc Ngân hàng ACB chuyển 1.500 tỷ đồng lòng vòng qua các ngân hàng để mua trái phiếu do các công ty phát hành qua đó mua lại chính cổ phiếu ACB cũng gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 74 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty B & B, Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát trong việc mua bán cổ phần.

Kiên còn đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác, cấp tín dụng sai quy định, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB hơn 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỷ đồng. 

Việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 718 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng của Kiên trong vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B & B và Ngân hàng ACB, thu lãi được hơn 100 tỷ đồng.

Theo Thắng Quang (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot