Điểm xét tuyển từng vượt 30 vì được cộng thêm điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng), điểm khuyến khích nhưng theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn tối đa chỉ là 30. Vì vậy, nhiều trường phải quy đổi điểm chuẩn theo thang 30.
Mỗi trường một kiểu
Từ tháng 1, các cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu công bố đề án tuyển sinh để thí sinh nắm được thông tin, chuẩn bị các điều kiện xét tuyển, trong đó có công thức tính điểm chuẩn. Nội dung các đề án căn cứ quy chế tuyển sinh Bộ GD&ĐT ban hành năm 2022 vì Bộ GD&ĐT năm nay không ban hành Quy chế tuyển sinh mới.
Thí sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Mạnh Thắng
Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương, năm nay trường xét tuyển 6 phương thức, trong đó có 5 phương thức xét tuyển sớm. Nhà trường đã công bố điểm chuẩn đối với phương thức 1, 2 và 5. Thang điểm thực tế đối với học sinh giỏi quốc gia ở phương thức 1, đối tượng phương thức 2 và phương thức 5 là 34 điểm. Các đối tượng còn lại của phương thức 1 thang điểm là 32. Nhưng nếu công bố theo đúng thang điểm này thì điểm chuẩn của thí sinh sẽ vượt 30 điểm, vi phạm quy định của Bộ tại hướng dẫn tuyển sinh ĐH 2023 ban hành hồi tháng 4 (Công văn 1919).
Do đó, nhà trường đã phải quy về thang điểm 30. Trong thông báo điểm chuẩn, đối tượng thí sinh học sinh giỏi quốc gia ở phương thức 1, đối tượng phương thức 2 và phương thức 5, nhà trường chỉ để 1 mức điểm chuẩn đã được quy đổi. Các đối tượng thí sinh còn lại của phương thức 1, Trường ĐH Ngoại thương công bố đồng thời 2 cột điểm chuẩn để thí sinh các phương thức rõ hơn công thức tính điểm chuẩn năm nay của trường. Một cột là mức điểm chuẩn tính theo công thức mà trường công bố trong đề án tuyển sinh, cột còn lại là điểm chuẩn quy về thang 30. Do vậy, một cột nhiều ngành trên 30 điểm, một cột con số tương ứng chỉ khoảng 28,2 - 28,3 điểm.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, nói rằng, cách tính điểm các phương thức xét tuyển sớm của trường đã thực hiện ổn định từ 3 năm nay: ngay sau khi trường công bố đề án tuyển sinh, phụ huynh, thí sinh đều có thể tự tính điểm xét tuyển, từ đó có thể phỏng đoán được khả năng mình đỗ ngành nào. Nếu giờ trường chỉ công bố điểm đã quy đổi theo thang 30 thì sẽ gây hiểu nhầm cho phụ huynh, thí sinh rằng trường thay đổi đề án tuyển sinh. Bà Hiền khẳng định, việc xác định điểm chuẩn theo thang 30 không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của thí sinh.
Năm 2022, ở phương thức xét tuyển học bạ, điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao cao nhất là 32,18 điểm (ngành Truyền thông Quốc tế), các ngành khác từ 29,72 đến 31,83 điểm. Năm nay điểm chuẩn cao nhất vẫn là ngành Truyền thông Quốc tế, 30 điểm với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), các ngành khác dao động từ 27,26 đến 29,13 điểm.
Học viện Ngoại giao cho biết, để đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT (Công văn 1919), Học viện Ngoại giao đã quy đổi điểm xét tuyển bằng cách tổng điểm các môn xét tuyển nhân với hằng số 0,88. Như vậy, thực chất điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao so với năm 2022 không giảm. Ví dụ ngành Truyền thông Quốc tế, điểm chuẩn áp dụng từ công thức tính của Học viện như năm 2022 thì điểm chuẩn của ngành này là: 29 x 0,88 = 32,95 điểm.
Việc Công văn 1919 ra đời sau khi các cơ sở giáo dục ĐH đã công bố đề án tuyển sinh khiến các trường ĐH phải thêm một bước tính toán để quy về thang điểm 30. Với thí sinh, do mỗi trường một cách quy đổi nên khó có thể so sánh điểm chuẩn của trường này với trường khác để đưa ra được lựa chọn của mình. Hiện nay, thí sinh nhìn vào điểm chuẩn để chọn trường, chọn ngành theo học.
Cùng mức điểm chuẩn, giá trị khác nhau
Trường ĐH Luật Hà Nội sau 1 ngày công bố điểm chuẩn cũng đã phải điều chỉnh theo văn bản 1919. Trước đó, điểm trúng tuyển theo phương thức kết quả học tập THPT (học bạ) và dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mức điểm chuẩn cao nhất thuộc về tổ hợp A01 ngành Luật kinh tế: 30,3 điểm. Ngoài ra, còn có 5 tổ hợp - ngành khác (trên tổng số 12 tổ hợp - ngành học tại Hà Nội) điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên.
Nhưng sau đó, trường có văn bản điều chỉnh điểm chuẩn Ngành Luật kinh tế (tổ hợp A01) là 30, các ngành khác giữ nguyên. Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc điều chỉnh này là theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tránh tình trạng điểm chuẩn vượt quá 30 điểm.
Thực tế, trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm xét tuyển với phương thức xét tuyển sớm gồm 3 yếu tố: điểm thành phần các môn học theo tổ hợp, điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng), điểm khuyến khích. Trong số thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào Trường ĐH Luật Hà Nội, có một số em đạt điểm xét tuyển quá 30 nhờ được cộng điểm khuyến khích.
Công thức này cũng được nhiều trường ĐH sử dụng. Vì thế, điểm xét tuyển tối đa của từng trường sẽ khác nhau, có trường 32, có trường 34, có trường 35 thậm chí lên đến 40.
Nhưng theo Công văn 1919, nếu xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, thì trường ĐH phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có).
Vì vậy, nên khi xác định điểm chuẩn, trường ĐH đã phải làm thêm một bước quy đổi thang điểm về 30. Mỗi trường sẽ có một cách tính khác nhau như các ví dụ ở trên và thang giá trị cũng không giống nhau dù đều không vượt quá 30 điểm.