Với cách ăn nói nhã nhặn, phong cách thời trang bắt mắt và lên ảnh đầy khí chất, người phụ nữ bán trà đá đang “nổi như cồn” trên mạng xã hội.
Trước khi rót nước cho khách, chị Ly tráng cốc bằng nước sôi 2 lần và màn "múa nước sôi" tráng cốc này là thương hiệu riêng của quán nước
Mới đây, hình ảnh về một “tỷ tỷ bán trà đá” ở phố Phương Mai xuất hiện trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo đó, người phụ nữ này dù chỉ bán trà đá nhưng ăn mặc rất đẹp, với gu thời trang độc lạ, với những hình xăm vô cùng cá tính. Đã vậy, cô đứng bán nước trước cổng bệnh viện nhưng lại dùng cả bộ đàm lại khiến nhiều người càng tò mò hơn.
Chủ quán trà đá này tên là Nguyễn Ngọc Ly (39 tuổi), bán nước ở chân cầu thang tập thể ở phố Phương Mai đã 10 năm nay. Đặc biệt, những câu chuyện liên quan đến công việc, cách ăn mặc của chị Ly cũng đầy thú vị như chính con người của chị.
Hình ảnh chị Nguyễn Ngọc Ly bán nước với những bộ váy áo lộng lẫy nhận được nhiều ý kiến tích cực của khách hàng và cư dân mạng.
Phụ nữ là phải đẹp cho dù bạn làm gì và ở đâu
Chị Nguyễn Ngọc Ly quê Phú Thọ, trước khi làm nghề bán nước chị đã bươn chải đủ nghề kiếm sống, từ làm bốc vác, đến chăm trẻ chị đều đã trải qua. Dù làm việc gì, chị Ly cũng luôn giữ hình ảnh bản thân “phải đẹp”. Với chị phụ nữ là phải đẹp, được quyền làm đẹp cho mình dù làm công việc gì và ở đâu.
“Không ai quy định bán trà đá là phải luộm thuộm hay cố tỏ ra mình khổ để người khác phải thương”, chị tâm sự rồi chỉ vào bộ váy trên người và tiếp lời: “Ngày nào tôi cũng mặc những bộ như thế này bán nước, nếu cần một ngày tôi thay 7 bộ vẫn đủ”.
Hình ảnh trước và sau khi nữ chủ quán trà đá trên phố Phương Mai thay đổi phong cách ăn mặc khi bán hàng.
Chị tâm sự, từ khi còn nhỏ, khi xem những bộ phim nước ngoài chị đã yêu thích và ước ao có một bộ đồ như vậy nhưng không thực hiện được. Sau này có điều kiện hơn, chị tìm được cửa hàng chuyên cung cấp những bộ váy như chị đang mặc bây giờ và từ đó chị trở thành khách quen.
Ban đầu, chị Ly thi thoảng mới mặc, mỗi khi mặc được mọi người khen đẹp, chị cảm thấy rất vui. Đến năm 2022, chị quyết định chuyển hẳn sang mặc váy mỗi ngày khi bán nước và định hình phong cách thời trang cho riêng mình. “Tôi mặc mãi thành quen, làm việc cũng chẳng vướng víu gì. Điều quan trọng nhất với tôi là đẹp và mình thích là được”, chị Ly nói.
Hãy nhẹ nhàng nhưng đừng yếu đuối
Nếu quan sát vẻ bề ngoài, nhiều người nghĩ chị Ly là người “có máu mặt”, vì ẩn hiện bên trong bộ váy bắt mắt kia là những hình xăm đầy cá tính, hay chiếc bộ đàm lăm lăm trên tay không biết có mục đích gì. Chính những điều này khiến nhiều người rất tò mò, đôi khi ngồi uống nước chỉ dám liếc mắt nhìn trộm hình xăm chứ không dám nhìn thẳng.
Ngoài bán trà đá, chị Ly còn cùng mẹ bán bún và mỗi khi có khách hai mẹ con liên hệ bằng bộ đàm để chuẩn bị trước.
Chị Ly lý giải rằng, hình xăm không thể hiện được bản chất của con người và chị xăm hình vì sở thích, giúp bạn làm mẫu xăm chứ chẳng phải để dọa dẫm ai. Hơn nữa, chiếc bộ đàm đơn giản là để báo mẹ chuẩn bị những bát bún mỗi khi có khách gọi, chứ không phải để “gọi quân, gọi hội” gì.
Chị Ly cùng người thầy của mình đang tập luyện cùng nhau. Đây là người thầy mà chị đã theo học suốt 9 năm qua.
Công việc của chị Ly hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, với nhiều thành phần xã hội khác nhau và với ai chị cũng nhẹ nhàng, lễ phép chào hỏi vì với chị “khách hàng là thượng đế”. Thế nhưng, cũng có không ít người khi thấy chị ăn mặc yểu điệu nên buông lời khó nghe, thậm chí còn “cà khịa” ngay tại quán.
Khi tiếp xúc với những người đó, chị Ly như “lột xác” hoàn toàn. “Có lần tôi đã nói thẳng với một người đàn ông rằng, bên trong chiếc váy em đang mặc là chiếc quần đùi, anh thích gì em cũng chiều, dù đánh nhau em không hề giỏi”, chị Ly kể lại.
Chị Ly tham gia học boxing đến nay đã được 9 năm, việc tập luyện giúp chị rất nhiều trong việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vóc dáng cũng như tự bảo vệ mình.
10 năm trước khi bắt đầu bán trà đá, chị Ly nhận thấy rằng để tồn tại được thì phải biết tự bảo vệ mình trước. Sau đó chị đã đi học boxing (đấm bốc) và đến nay đã theo học được 9 năm. Với chị Ly, học đấm bốc không phải là để đánh nhau, mà chỉ là tự vệ và rèn luyện sức khỏe, tính cách, sự kiên trì cho bản thân. Nhờ học boxing mà chị quen được nhiều bạn mới, chị học được nhiều điều trong cuộc sống từ người thầy của chị, cũng như từ các đồng môn.
Hãy sống tích cực và tử tế trong kinh doanh
Với người phụ nữ quê Phú Thọ, dù là kinh doanh mặt hàng gì cũng phải làm thật tử tế, đơn giản như bán trà đá cũng vậy. Thực tế, với bất cứ khách hàng nào khi đến quán, chị đều dùng nước sôi tráng cốc 2 lần trước khi rót nước mời khách.
Chị Ly chia sẻ, khi mới mở quán nước, một nhóm bác sĩ là người mở hàng đầu tiên và khi gọi nước, họ có nhờ chị tráng cốc bằng nước sôi. Cuối ngày hôm đó, nhóm bác sĩ quay lại, chị Ly tâm sự rằng “quán ế ẩm quá, cả ngày bán được 50.000 đồng”. Khi đó, một bác sĩ nói rằng: "Em cứ tráng cốc đều tay đi, rồi mọi thứ sẽ thay đổi". Kể từ đó chị luôn ghi nhớ, thực hiện điều này và thực tế đã thay đổi, việc làm này giúp chị tồn tại đến bây giờ.
Công việc bán nước hàng ngày của chị Ly bắt đầu từ 5h30 sáng đến 18h chiều.
“Nhiều người cho rằng, tôi làm vậy tốn nước, mất thời gian nhưng tôi nghĩ đó là việc nên làm, vì như vậy sẽ an toàn cho mọi người, nhất là mình bán ở gần bệnh viện. Với chị, đó cũng là sự tử tế mà chị hướng đến trong kinh doanh, dù chỉ là bán nước hay bán bún”, chị Ly chia sẻ.
Chính nhờ những kỹ thuật tráng nước sôi, hay phong cách ăn mặc “đẹp mọi lúc, mọi nơi” mà quán nước của chị Ly có lượng khách ổn định, nhiều khách quen và thân thiết. Bạn Hương (ở Hà Nội) lúc đầu chỉ là khách đến uống nước, nhưng ấn tượng với phong cách bán hàng và cách nói chuyện của chị Ly, dần dần hai chị em trở thành thân thiết.
“Điều em học được ở chị Ly là năng lượng tích cực, dù ở trong hoàn cảnh nào nhưng khi bán hàng là phải vui vẻ, lễ phép với khách hàng. Không chỉ có vậy, chị còn sẵn sàng bênh vực người yếu thế, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn. Dự định tới đây em sẽ đưa chị ấy vào để làm nhân vật trong tập truyện tranh của em”, Hương chia sẻ.
Còn bác Hùng, người có nhiều năm chạy xe ôm ở phố Phương Mai chia sẻ rằng: “Với những người lao động như chúng tôi, chị ấy ít khi lấy tiền nước. Trời nắng nóng, phải chạy xe xa, chúng tôi vào xin đá lạnh, chị vui vẻ cho chúng tôi, điều này khiến tôi vô cùng cảm động”.