Vắc xin pha sẵn có phải vắc xin thừa?

Ngày 14/05/2013 08:22 AM (GMT+7)

Chị Oanh bức xúc vì nhân viên y tế Hoa đã tiêm cho con chị vắc xin đã pha sẵn, phải chăng đây là vắc xin được bớt lại?

Vắc xin pha sẵn có phải là vắc xin thừa?

Việc nhân viên y tế Bùi Thị Phương Hoa tại cơ sở tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội “ăn bớt” vắc xin cho trẻ đang gây phẫn nộ trong dư luận thì ngay lập tức có thêm trường hợp tố nhân viên này đã tiêm vắc xin pha sẵn cho trẻ. Sự việc xảy ra vào ngày 10/3, chị Nguyễn Kim Oanh (33 tuổi, ở tổ 8, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) đưa con trai là cháu Lê Khắc Hữu (sinh ngày 19/11/2012) đến TTYTDP 70 Nguyễn Chí Thanh để tiêm vắc xin mũi thứ 2 (mũi phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm gan …). Tại đây, con chị đã được bà Bùi Thị Phương Hoa tiêm cho một loại thuốc đã pha sẵn. Bà Hoa đã viết bản tường trình thừa nhận đã tiêm cho bé Hữu vắc xin pha sẵn có sự xác nhận của trưởng kíp trực ngày hôm đó là ông Đặng Đình Huân.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Quốc gia, tiêm vắc xin pha sẵn cho trẻ là không đúng với quy trình tiêm chủng. Vắc xin được pha và bơm vào kim tiêm từ trước là loại vắc xin gì, có đủ liều hay không, có đảm bảo an toàn hay không, không ai kiểm soát được".  

“Tôi nhận thấy cùng một nhân viên đó có tới 2 sai phạm, ở 2 thời điểm khác nhau, với 2 bé khác nhau (đây là những bé gia đình bắt được quả tang, có vật chứng và biên bản thừa nhận). Theo tôi lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng nên xem xét lại tư cách đạo đức của nhân viên này”, GS Bảng cho biết.

Sau sự việc của cháu Hữu, con chị Oanh bị tiêm vắc xin pha sẵn rất nhiều bà mẹ càng khẳng định thêm sự nghi ngờ của mình về việc nhân viên ăn bớt vắc xin để tiêm cho trẻ khác. Chị Oanh chia sẻ: “Đến nay sau gần 2 tháng trôi qua chưa ngày nào gia đình tôi hết lo lắng trước mũi tiêm bà Hoa tiêm cho con mình. Tôi lo sợ con mình bị tiêm vắc xin thừa, dồn lọ vì cũng chính bà Hoa mới bị tố cáo ăn bớt vắc xin khi tiêm cho một bé khác”.

Chia sẻ về việc có hay không việc nhân viên y tế ăn bớt vắc xin để tiêm cho trẻ khác GS.TSKH Nguyễn Văn Mẫn, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc xin sinh phẩm y tế, Bộ Y tế cho biết: “Có chuyện "ăn bớt" vắc xin để tiêm cho trẻ khác và vắc xin được pha sẵn có phải là vắc xin gốc hay không cần phải điều tra để đưa ra kết luận chính thức. Tuy nhiên, nếu đúng là nhân viên y tế dồn vắc xin thừa để tiêm cho trẻ thì chắc chắn vắc xin đó sẽ không đảm bảo, không có tác dụng phòng bệnh hiệu quả cho trẻ”.   

Vắc xin pha sẵn có phải vắc xin thừa? - 1

Chị Oanh lo sợ bà Hoa đã tiêm vắc xin "ăn bớt" cho con mình

Bà Hoa có thể bị buộc cho thôi việc

Được biết, trong ngày hôm nay (14/5) Hội đồng kỷ luật Trung tâm Y tế dự phòng sẽ họp và đưa ra quyết định xử phạt đối với bà Hoa.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định hành vi của bà Hoa dù là vô tình hay lỗi hệ thống thì cũng là sai phạm nghiêm trọng, gây phẫn nộ lớn trong nhân dân. Do có thêm tình tiết mới chị Oanh tố cáo bà Hoa tiêm vắc xin pha sẵn cho con mình nên Hội đồng kỷ luật Trung tâm Y tế dự phòng sẽ xem xét, xác minh và xử lý luôn cả 2 vi phạm của nhân viên này.

Ông Hạnh cho biết thêm, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm phải xử lý nghiêm khắc nhất, đúng người đúng tội để củng cố niềm tin của nhân dân với công tác tiêm chủng, không làm nhân dân hoang mang, lo lắng mà ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, gửi báo cáo về Sở trước ngày 16/5. Nhiều khả năng bà Hoa sẽ bị xử lý với hình thức nặng nhất là buộc thôi việc.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã đưa ra thông báo về quy trình tiêm chủng, mọi nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình này. Theo ông Hạnh, người dân nên biết về quy trình tiêm chủng để cùng tham gia giám sát, nếu phát hiện nhân viên nào không thực hiện đúng quy trình nên yêu cầu làm đúng hoặc dừng tiêm cho trẻ và phản ánh với lãnh đạo Trung tâm.  

Quy trình tiêm chủng bao gồm các bước:

1. Tiếp đón: Khách hàng qua bàn tiếp đón để xếp thứ tự

2. Khám phân loại: Đo nhiệt độ, hỏi tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng các mũi tiêm trước, tình trạng sức khoẻ hiện tại (nếu trẻ đang sốt hoặc đang nhiễm trùng cấp tính thì hoãn tiêm lần này)

3. Tư vấn, chỉ định tiêm chủng đúng loại vắc xin, liều lượng, đường tiêm theo lứa tuổi, thời gian, tiền sử tiêm chủng

4. Nhập số liệu quản lý vào hệ thống máy tính

5. Thu tiền theo hoá đơn, phát tích kê loại vắc xin theo đúng chỉ định

6. Thực hiện thao tác tiêm: 

- Xem sổ tiêm đối chiếu với tích kê, lấy thuốc

- Thông báo cho khách hàng tên vắc xin, vị trí tiêm, đường tiêm, liều lượng tiêm

- Pha hồi chỉnh (nếu có)

- Sát trùng nơi tiêm

- Tiêm chủng

- Bỏ bơm kim tiêm vào hộp an toàn, vỏ lọ vắc xin vào túi lưu 14 ngày theo đúng quy định, chỉ trả vỏ hộp cho khách hàng với loại vắc xin có vỏ hộp riêng cho từng liều tiêm

- Hướng dẫn khách hàng các phản ứng sau tiêm thường gặp và cách xử trí

- Theo dõi 30 phút sau tiêm tại khu vực tiêm chủng.      

Mai Hương
Nguồn: Khampha.vn

Tin liên quan