Vận may đến đúng vào lúc gia đình bà rơi vào tình cảnh khó khăn nhất. “Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, người chồng của bà vội vã ra đi vì một tai nạn giao thông. Suốt những năm sống cảnh goá bụa, một mình bà tần tảo nuôi con và khắc khoải nỗi nhớ chồng.
Thế rồi trong một giấc ngủ trưa, nỗi nhớ nhung đã đưa bà gặp người chồng quá cố trong mộng tưởng. Sau giấc mơ ấy, bà mua vé số rồi trúng độc đắc 1,5 tỷ đồng, số tiền lớn đủ giúp con cái đổi đời. Còn bà, thanh thản sống trong niềm thương nhớ người chồng bạc mệnh.
Vận may của người đàn ông lam lũ
Ở vùng sông nước Cửu Long, người ta gọi xóm chợ Nhựt Tân (xã An Nhựt Tân, Tân Trụ, Long An) là xóm “thần tài”, xóm “đại gia” hay xóm “lộc trời”. Cũng dễ hiểu bởi trong vòng 20 năm, khu chợ này có đến gần 20 người trúng số, trong đó 7-8 người trúng giải độc đắc bạc tỷ. Đặc biệt, nhiều gia đình có tới hai vợ chồng đều được “lộc trời”. Nhưng sau niềm vui khó diễn tả, chuyện trúng số ở xóm nghèo này cũng để lại nhiều giai thoại thấm nước mắt. Ông Phạm Văn Thái, người đầu tiên “mở hàng” cho việc trúng số ở xóm nghèo này là một trường hợp điển hình.
Đứng dậy thắp cho người chồng xấu số nén nhang, bà Nguyễn Thị Bách (55 tuổi, vợ ông Thái) trải lòng về cuộc đời nhiều thăng trầm, biến cố của gia đình bà. Ngày trước, khi đến với nhau, hai vợ chồng bà chỉ có đôi bàn tay trắng. Bà Bách ở nhà làm ruộng và chăm con nhỏ còn ông Thái đi lái xuồng máy thuê cho một chủ thuyền buôn lúa trong xóm. 5 đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời. Không cần nói, ai cũng hiểu gia cảnh nhà bà lúc đó túng bấn đến mức nào.
Ngôi nhà mà bà Bách sống với những ký ức về người chồng đã khuất. Ảnh TG
Những ngày đi làm mướn, nhờ tính nết hiền lành, ông Thái được chủ mướn thương tình bán rẻ cho chiếc xuồng máy. Có xuồng, ông không phải đi làm thuê mà tự mình nhận chở hàng cho các tiểu thương ở chợ. Ngày đó, tiểu thương buôn bán khá sầm uất nhưng số xuồng máy đi chở thuê cũng nhiều, vì thế công việc của ông Thái lúc được lúc chăng. Thương vợ con, ông Thái nhiều lần trầm tư suy nghĩ, tìm lối làm giàu. Nhiều năm theo chủ đi buôn lúa các tỉnh miền Tây, ông cũng tự học được ít kinh nghiệm kha khá. Thế nhưng, cái khó bó cái khôn, ông không có tiền để thực hiện ý tưởng của mình. Suy đi tính lại, cuối cùng, ông Thái bàn với vợ làm sổ vay vốn ngân hàng. Sau đó, 5 đứa con được gửi sang bên ngoại để bà Bách theo chồng ngược dòng Vàm Cỏ Đông buôn thóc.
Những ngày đầu thuận buồm xuôi gió, ông bà chẳng mấy chốc đã thu được số vốn bỏ ra. Nhưng đúng lúc ấy, một tính toán sai lầm của ông Thái đã khiến gia đình đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Theo lờ bà Bách kể, qua mấy đợt buôn trúng đậm, ông Thái quyết làm một chuyến ăn thua. Ông vay tiền để mua lúa của người dân với số lượng lớn rồi găm hàng đợi được giá sẽ bán. Nhưng năm đó, gạo rớt giá thê thảm, ông Thái thua to trong vụ này. Sau “thương vụ” lịch sử, ông bà đã nghĩ đến nước phải gán nhà để trả nợ.
Nhưng đúng lúc khánh liệt, nợ nần chồng chất thì 5 tờ vé số trúng giải độc đắc đã giúp gia đình bà Bách thoát khỏi cảnh bán nhà. Bà Bách kể: “Một ngày giữa tháng 4/1996, ông xã tui về Nghĩa Hưng (huyện Mộc Hoá, Long An) ăn cưới một người bà con. Trên đường về, ông ấy say khướt nên va quệt với một người địa phương. Rất may, cả hai chỉ bị xây sát ngoài da. Chị vé số bên đường thấy tai nạn nhưng may mắn cả hai không bị thương nên nhân cơ hội này đã chạy ra mời. Cả hai ông gặp nạn nhưng không sao nên cũng vui vẻ mua mấy tờ vé số ủng hộ”.
Bà Bách cho biết, người đàn ông kia là Trần Văn Hưng (53 tuổi), sau này rất thân với chồng bà. Ông Hưng mua 2 vé thì 1 vé trúng độc đắc, còn ông Thái mua 5 vé, mỗi vé trúng 50 triệu đồng. “Không được trúng giải độc đắc nhưng số tiền 250 triệu đồng trong cơn bĩ cực ấy đã giải cứu cả gia đình tôi. Hôm lĩnh giải, vợ chồng tôi mang toàn bộ tiền đi trả nợ”, bà Bách tâm sự.
Giấc mơ trưa kỳ lạ
Tính đến nay, ông Thái đã khuất bóng được 10 năm có lẻ. Quãng thời gian trôi qua đủ dài để bà Bách vơi bớt nỗi đau thương. Thế nhưng, niềm nhớ nhung và tình yêu dành cho người đàn ông của đời mình thì bà vẫn để nguyên vẹn trong tim. Nhiều đêm nằm cô quạnh bà lại rớt nước mắt thương ông chịu quá nhiều thiệt thòi, vì gánh nặng mưu sinh.
Bà Bách kể, sau lần trúng số, chồng bà chợt nghiệm ra trời không phụ lòng người và cố gắng nỗ lực làm lại từ đầu. Nhờ nhiệt huyết ấy, công việc làm ăn của ông cứ thế phát triển. Từ ngược Vàm Cỏ Đông, ông Thái đưa xuồng xuôi dòng Vàm Cỏ Tây đẻ buôn thóc. Người dân trông lúa thường gọi ông với cái tên ông Ba Lô bởi mỗi lần ông đi buôn là mang theo cả ba lô tiền. Bà Bách cho biết, 3 năm sau ngày trúng số, ông Bách bị tai nạn giao thông qua đời. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, nơi ông Thái gặp tai nạn cũng chính là nơi ông mua 5 tờ vé số ngày trước.
“Hôm ấy, ông đi lên Vĩnh Hưng để dự đám cưới của một người bà con. Tính ông hay rượu mà mỗi lần uống say là không biết gì. Ông bị tai nạn cũng ngay tại ngã ba Vĩnh Hưng. Lúc ngã xe, ông chỉ bị xây sát ngoài da như lần trước, còn đứa cháu đi cùng tên Thuyền thì ngất lịm. Lúc ấy, ông nhà tui rất tỉnh táo, còn kêu người đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu. Không hiểu sao mấy ngày sau, ông ấy ngủ trưa mãi không thấy dậy, tôi vào giường gọi thì ông ấy đã đi từ lúc nào. Ông ấy mất vì bị chảy máu não. Cả đời ông ấy vất vả, bôn ba bên ngoài để lo cho vợ con… nhưng ông ấy đi sớm quá”, bà Bách ngậm ngùi nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chú ruột của Thuyền kể lại chuyện ông Ba Lô gặp nạn với cháu mình. Ảnh TG
Ông Thái mất khi còn dang dở nhiều dự định, đó là lời hứa sẽ lo cho các con một cuộc sống đầy đủ. Ông mất đi, bao nhiêu công việc, lo toan lại chất lên vai người vợ goá bụa. Bà Bách thân gái dặm trường tiếp tục sự nghiệp buôn lúa được một vài năm thì nghỉ. Sau đó, bà về mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ buôn bán ở chợ Nhựt Tân để tiện chăm sóc cho các con. Dạo ấy, mỗi lần có ai nhắc lại chuyện chồng trúng số, lòng bà chỉ thấy dâng trào cảm giác tái tê. Bà chẳng còn ham muốn hay khát khao giàu sang, phú quý. Lúc ấy, hạnh phúc của bà là đàn con phương trưởng và những ký ức không nguôi về người chồng bạc mệnh. Nhưng thật bất ngờ, năm 2012 bà lại trúng một tờ độc đắc, tờ vé số đầu tiên bà mua trong đời.
Bà Bách hồi tưởng: Hôm đó, bà đang nằm ngủ trưa thì mơ gặp ông Thái. Giấc mơ về kỷ niệm lần ông trúng số trước đây, bà thấy ông chạy về nhà trên tay cầm những tấm vé, ông sung sướng hạnh phúc đến ứa nước mắt gọi: “Mẹ nó ơi, ông trời cứu ta rồi. Vợ chồng mình không phải bán nhà nữa, không phải ra đường ăn mày nữa rồi”. Đó chỉ là một giấc mơ, có lẽ do người vợ nhớ chồng quá đỗi. Giật mình tỉnh lại, bà chợt nhớ hôm đó cũng chính là ngày chồng gặp tai nạ ở ngã ba Vĩnh Hưng. Buổi chiều hôm ấy, bà thấy có người bán vé số vào nhà. Một cảm giác khó tả dâng lên, bà rút lấy một tờ vé số. Bà Bách lý giải: “Lúc ấy, tui mua vé số vì nhớ đến chồng mình. Không ngờ, tờ vé số đầu tiên tui mua trong đời lại trúng giải độc đắc trị giá 1,5 tỷ đồng”.
Số tiền lớn ấy, bà dành dụm trang trải cho đàn con ăn học, mua đất dựng nhà. Giờ đây các con bà đã dựng vợ gả chồng hết, đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiếu thảo. Những đứa cháu nội, ngoại quay quần, tíu tít gọi tên và làm nũng với bà, nhưng dường như tất cả điều ấy khiến bà Bách cô đơn trước tuổi già. Những lúc ấy, bà lại thấy cay cay sống mũi, ký ức người chồng năm xưa ùa về khiến cho bà thổn thức nhớ thương.