Mỗi tháng gia đình gửi lên 3 triệu đồng, đi làm thêm kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng, cô sinh viên năm 2 - ĐH Văn hóa Hà Nội vẫn phải tiết kiệm chi tiêu hết mức có thể.
Chuyện sinh viên đi làm thêm để trang trải cuộc sống không phải là chủ đề mới, nhưng giữa thời điểm “bão giá” như hiện tại, đây lại trở thành vấn đề nóng trên mạng xã hội. Ở thời điểm này, hầu hết sinh viên từ tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập đều tìm việc làm thêm. Có bạn làm tới 2, 3 công việc một lúc để kiếm thêm thu nhập, đóng học phí, trả tiền phòng trọ, ăn uống sinh hoạt,... mới gọi là tạm đủ khi mọi chi phí ngày càng đắt đỏ.
Giá cả leo thang, mỗi bữa ăn bình thường cũng hết 35.000 đồng
Vũ Ánh Ngọc (SN 2004, quê ở Lạng Sơn) là sinh viên năm 2 trường ĐH Văn hóa Hà Nội, hiện đang ở cùng 2 người bạn với tổng chi phí thuê trọ rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. So với ở trong kí túc xá của trường, những sinh viên thuê trọ ngoài như Ngọc sẽ phải chi từ 1,5 đến 2 triệu đồng hàng tháng để ở ghép.
Việc ở ghép giúp Ngọc giảm thiểu được không ít gánh nặng về kinh tế. Thế nhưng ngoài tiền phòng, Ngọc vẫn phải chi trả tiền ăn uống, sinh hoạt, đóng học phí, mua sách vở, giáo trình, tham gia câu lạc bộ,... tổng cộng cũng tới 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền ăn đã chiếm 1 nửa vì giá cả ở Hà Nội ngày càng leo thang.
Giá thực phẩm đắt đỏ khiến sinh viên đau đầu về tiền ăn hàng tháng.
“Từ khi mới xuống Hà Nội, em đã choáng trước mức giá lương thực thực phẩm ở đây. Hơn 2 năm qua, giá cả ngày càng tăng, những hàng ăn ở thành phố dù được nhận xét là giá sinh viên nhưng vẫn bán với giá 35.000 - 40.000 đồng cho một phần ăn. Em đã cùng các bạn mua đồ về nấu, mà cũng chỉ dám ăn rau, trứng, lạc, thịt đổi món nhưng cũng tới 30.000 đồng/người/bữa. Chưa kể tiền gạo, mắm muối, tiền gas…”, Ngọc cho biết.
Theo khảo sát, giá thực phẩm ở Hà Nội đang ngày càng tăng ở mọi mặt hàng. Cụ thể, tại một số chợ dân sinh, các loại rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau cải đều tăng lên mức từ 10 - 15.000 đồng/bó, giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ… cũng rơi vào khoảng 20.000 - 35.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, thịt lợn có giá bán dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, thịt bò có giá bán ở mức từ 310.000 - 360.000 đồng/kg, giá thịt gà ta từ 130.000 - 160.000 đồng/kg, cá rô phi được bán với giá 65.000 đồng/kg, cá chép được bán với giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tất cả hầu như đều tăng từ tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với vài tháng trước. |
Đúng là trước thực trạng giá cả “phi mã”, những bữa cơm giá rẻ là một trong những nhân tố không thể thiếu trong đời sống sinh viên. Bên cạnh đó, thay vì mua thực phẩm ở Hà Nội, bố mẹ Ngọc cũng thường xuyên gửi đồ ăn từ quê xuống, để hạn chế ăn ngoài và mua thực phẩm với giá cao.
Bữa cơm sinh viên dành cho 3 người có giá xấp xỉ 100.000 đồng.
Ngọc cho biết thêm, với mức giá đắt đỏ, việc cân bằng chi tiêu sinh hoạt, ăn uống là rất cần thiết. Các bạn sinh viên xa nhà như Ngọc cũng đều chọn cách ở trọ xa, ở ghép và góp tiền nấu ăn chung để giảm bớt chi phí. Có nhiều sinh viên còn chấp nhận ở xa tới hàng chục cây số, hàng ngày dậy sớm để đi xe bus tới trường vì tiền phòng, tiền ăn trong khu vực trung tâm quá đắt.
“Bạn em ở trọ ngoài vùng ven, ở ghép 3 người thì tiền phòng chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Giá thực phẩm ở các chợ vùng ven cũng rẻ hơn, mọi chi phí sinh hoạt đều rẻ hơn nhưng đi học lại rất xa. Vì em phải học thêm ở câu lạc bộ, đi lại nhiều nên không thể ở trọ xa được. Em đành chọn cách tiết kiệm tiền ăn, chỉ có nhịn ăn nhịn mặc mới giảm bớt chi phí”, Ngọc chia sẻ thêm.
Phải làm thêm nhiều công việc mới đủ trang trải cuộc sống
Cũng như bao bạn sinh viên khác, Ngọc đã đi làm thêm từ năm thứ nhất và thay đổi việc làm nhiều lần. Trước đây Ngọc chỉ làm thêm buổi chiều cách ngày, nhưng vì giá cả ngày càng leo thang, mức thu nhập không đủ đáp ứng chi tiêu nên Ngọc xin làm thêm vào tất cả các thời gian rảnh của mình. Hiện tại, Ngọc đang làm thêm 2 công việc là trông cửa hàng sách và pha chế ở quán cafe.
Hầu hết sinh viên Hà Nội đều đi làm thêm để có tiền sinh hoạt.
“Em đi làm thêm ở cửa hàng sách buổi chiều từ 12h - 17h với mức lương 20.000 đồng/giờ, buổi tối từ 18h - 22h đi bưng bê, pha chế cho quán cafe với mức thu nhập 22.000 đồng/giờ. Trừ những hôm phải đi học, sinh hoạt câu lạc bộ, tổng thu nhập em nhận lại cho 2 công việc gần 5 triệu đồng/tháng”, Ngọc cho biết.
Hàng tháng bố mẹ gửi cho Ngọc 3 triệu đồng, nếu không chăm chỉ làm thêm, Ngọc không biết xoay xở thế nào với mức chi phí đắt đỏ ở thành phố…
Tổng chi tiêu trung bình của một sinh viên tại Hà Nội hiện rơi vào khoảng từ 6 triệu đồng/tháng trở lên, bao gồm tất cả các chi phí từ ở trọ, ăn uống, sinh hoạt, học phí, học thêm,... Con số này không phải gia đình nào ở quê cũng có thể đáp ứng được, nên việc các bạn sinh viên đi làm thêm là rất thực tế.
Ngọc cũng cho biết, sinh viên như em chỉ sắp xếp đi làm vào lúc rảnh rỗi và hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc học, kết quả vẫn rất tốt thì nên làm thêm để tự trang trải cuộc sống của mình, tránh phụ thuộc vào gia đình ở quê giữa lúc vật giá ngày càng leo thang.