Cận Tết, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu trong khi nhiên liệu chiếm khoảng 35% chi phí vận tải hành khách. Vì thế, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: "Tết này giá vé xe khách có tăng như mọi năm?".
TP Hồ Chí Minh vẫn phụ thu 20-60%
Ngày 5/1, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại bến xe Miền Đông chưa xảy ra tình trạng “rồng rắn” chờ mua vé. Cầm trên tay 8 tấm vé xe Tết của nhà xe Chín Nghĩa, ông Đoàn Minh Chí (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi mua được 8 vé ghế ngồi nhưng rơi vào hai ngày 27, 28 Tết và không chung một chuyến. Tôi mua mấy vé này xong là quầy cũng hết vé luôn”, ông Chí cho biết.
Xăng dầu giảm nên giá vé sẽ giảm khoảng 5% so với năm trước
Sau khi đảo gần hết các quầy nhưng vẫn không mua được vé, ông Nguyễn Minh Cường (48 tuổi, quê Quảng Ngãi) phàn nàn: “Tôi không biết nhân viên có “găm” vé vào những ngày “vàng” để sau tuồn ra chợ đen kiếm lời hay không mà sao vé hết nhanh đến vậy?”. Một nhân viên nhà xe Chín Nghĩa chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 20 - 28/12, vé Tết Âm lịch đã hết. Ngày 29 cũng chỉ còn một vài vé nhưng xe chạy vào khoảng 5 - 6 giờ. Giá vé của nhà xe này được tính phụ thu 20 - 60% tùy theo ngày từ 12 - 29 Tết. Tương tự, nhà xe Bình Tâm, Thiên Trang bán vé đi Quảng Ngãi các ngày 25-28 Tết cũng không còn. Một số tuyến đi miền Trung khác như của nhà xe Phi Hiệp đi Đà Nẵng cũng chỉ còn vé các ngày 23, 24 tháng Chạp. Một số nhà xe có tuyến ra miền Trung đều thông báo đã hết vé vào những ngày cao điểm…
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, tình trạng “cháy” vé chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp tự bán vé từ rất sớm. Ông Hải khẳng định: “Bến vẫn còn một lượng xe của các doanh nghiệp lớn uy tín bán vé với hình thức ủy thác. Ngày 10/1 (1/12 Âm lịch), bến sẽ chính thức bán vé”. Ông Hải cho rằng, năm nay xăng dầu giảm nên giá vé giảm khoảng 5% so với năm trước.
Tại Bến xe Miền Tây, ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc bến xe cũng cho biết, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh ĐBSCL trong dịp Tết năm nay tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái. Theo ông Phương, năm nay, bến xe áp dụng phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết). Cũng theo ông Phương, chấp hành chỉ đạo của Bộ GTVT, bến xe đã yêu cầu 26 doanh nghiệp trong bến kê khai giảm giá vé từ 2 - 4% bắt đầu từ tháng 1/2016.
Tăng giá vé dịp lễ, Tết là vô văn hoá
Theo tìm hiểu của PV, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ có đợt giảm giá vé xe khách dịp Tết Âm lịch năm nay. Ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết, hiện tại một số doanh nghiệp vận tải đăng ký giá vé xe khách mới theo hướng giảm so với hiện tại, mức giảm nhiều hay ít tùy thuộc vào tuyến cụ thể.
“Hiện chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 35% tổng chi phí tạo nên giá thành vận tải hành khách. Vì vậy, việc giảm giá vé xe khách cũng dựa trên việc tính toán, cân đối với các chi phí khác ngoài giá xăng dầu. Nhằm đảm bảo kiểm soát về giá vé xe khách, công ty sẽ yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải. Các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai giá sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Tùng Anh nói.
Tổng kiểm soát ô tô khách trước và sau Tết Bính Thân 2016 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Cục CSGT sẽ mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội dịp Tết Bính Thân 2016 từ ngày 16/12/2015 đến hết ngày 15/2/2016. Trong đợt cao điểm này, lực lượng CSGT tập trung tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông như: chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, chở hàng quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định; Sử dụng triệt để hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào việc xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đặc biệt, từ ngày 16/1/2016 đến ngày 15/2/2016, Cục CSGT sẽ thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô chở khách trên đường bộ, kể cả trên các tuyến cao tốc… Văn Huế |
Ghi nhận tại các bến xe có lượng khách cao tại Hà Nội như: Giáp Bát, Mỹ Đình… cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đều giảm giá hoặc giữ nguyên giá vé dịp Tết. Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá vé. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, các doanh nghiệp ở bến bắt đầu đăng ký giảm giá cước. Cụ thể, đã có 10 doanh nghiệp đăng ký giảm giá từ 2 - 8% dịp Tết Âm lịch 2016. Tại Bến xe Mỹ Đình, ông Vũ Tuấn Tùng, Phó giám đốc bến xe cho biết, từ tháng 9/2015 đến nay, bến xe có hơn 100 doanh nghiệp xin giảm giá cước. Tiếp tục trong tháng 12 có hơn chục doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hiện các doanh nghiệp đăng ký tăng cường 100-200 xe/ngày.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên (Quảng Ninh) - đơn vị có 15 xe khách 45 chỗ ngồi khai thác vận tải khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và nhiều xe khách tuyến đường dài khác khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi không bao giờ tăng giá vé vào những dịp lễ, Tết. Theo tôi điều đó là thuộc phạm trù văn hoá của doanh nghiệp. Hành khách chính là người nuôi sống doanh nghiệp vận tải, không có lý gì khi hành khách cần mình nhất mình lại đi tăng giá. Làm như vậy là vô văn hoá”. Theo ông Xuyên, giá vé xe khách Phúc Xuyên chạy tuyến Bãi Cháy - Mỹ Đình dịp Tết này vẫn giữ mức 80 nghìn đồng/khách.
Khi được hỏi, vì sao một số nhà xe đang áp dụng mức phụ thu dịp Tết với lý do xe phải chạy “rỗng” một chiều, ông Xuyên cho biết, quy định phụ thu chiều rỗng hay không là tuỳ thuộc vào từng tuyến. Có những tuyến không có khách cả hai chiều mới áp dụng, còn hầu hết các tuyến vận tải hiện nay đều có khách đi - về.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết, do giá xăng dầu vừa giảm mạnh nên dịp Tết năm nay, công ty sẽ tính toán để giảm khoảng 10% giá cước cho tất cả các loại hình vận tải.