Việc thu phí bảo hiểm y tế học sinh đầu năm học này không chỉ khiến nhiều phụ huynh bất ngờ vì số tiền tăng cao mà còn tạo ra nhiều tranh luận bởi mỗi trường nộp một kiểu khác nhau.
Cao và không có mức thống nhất
Những ngày đầu năm học, trên nhiều diễn đàn, đề tài được nhiều phụ huynh bàn luận khá sôi nổi là mức phí bảo hiểm y tế dành cho học sinh. Tuy nhiên, việc tranh luận này không chỉ dừng lại ở việc phí tăng cao mà nội dung mức phí khác nhau cũng đã gây thắc mắc cho nhiều người.
Thông thường, mức thu phí bảo hiểm ở các năm đều khá thống nhất ở một con số cụ thể cho 12 tháng cả năm. Tuy nhiên năm nay, việc phía Bảo hiểm xã hội đưa ra nhiều mức lựa chọn cho người mua ở các mức 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng đã kéo theo việc mỗi nơi thu một kiểu. Mặc dù là đưa ra nhiều sự lựa chọn nhưng đa số các trường đều đưa ra các gợi ý cụ thể để phụ huynh thực hiện theo. Nhiều trường thu ở mức 15 tháng với con số là 544.000đ/1 học sinh.
Tuy nhiên, một số trường học lại có mức thu khác. Ví dụ như ở Hà Nội, trường Tiểu học Cát Linh thu 507.000đ, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân thu 660.000đ (bao gồm cả Bảo hiểm thân thể), còn trường Tiểu học Ngọc Thụy có mức thu 650.000đ (bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể) cho học sinh cấp 1…
Các mức thu bảo hiểm y tế học sinh cho thấy đều ở mức khoảng trên 500.000 cho mỗi học sinh. Tuy nhiên, các mức thu không thống nhất làm cho phụ huynh học sinh vốn bất ngờ với mức tăng phí bảo hiểm y tế năm nay lại thêm phần khó hiểu vì mỗi trường thu một mức rất khác biệt.
Trước các con số khác nhau đã xuất hiện nhiều đồn đoán. Nhiều người suy luận, có thể mỗi trường thu theo một mức thời gian, có thể là 12 tháng, có thể là 15 tháng. Một số người lại cho rằng do số tiền bảo hiểm y tế lẻ nên một số trường đưa ra các con số chẵn cho dễ thu. Cũng có ý kiến cho biết có thể do bảo hiểm y tế có trích lại “hoa hồng” cho các trường nên mỗi trường thu theo cách của mình.
Trích lại 7% hoa hồng cho nhà trường từ BHYT
Ngoài việc một số trường đưa ra các con số chẵn cho dễ thu thì suy đoán của các phụ huynh học sinh về việc các trường có “hoa hồng” trong câu chuyện này và dẫn đến việc các mức thu có thể chênh lệch giữa các trường là có cơ sở.
Trao đổi với báo chí về các thắc mắc liên quan đến mức phí bảo hiểm y tế tăng cao thời gian gần đây, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, việc nhiều trường cùng lúc thu 15 tháng BHYT để giảm thời gian và thủ tục đã vô hình tạo ra áp lực ban đầu cho các gia đình phải đóng nhiều khoản tiền vào đầu năm học. Trong khi thực tế, BHXH đã hướng dẫn có thể thu theo chu kỳ 3, 6 hoặc 12 tháng.
Ông Lê Văn Khảm - Phó vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế
Giải thích lý do điều chỉnh mức đóng từ 3-4,5% mức lương cơ sở, ông Khảm cho biết hiện nay các kỹ thuật tiên tiến trong y khoa, chẩn đoán, điều trị hoặc công nghệ bào chế thuốc, thuốc mới liên tục được cập nhật, ứng dụng tại Việt Nam... đồng nghĩa chi phí y tế có xu hướng tăng. Do đó phải có điều chỉnh mức đóng để phù hợp với sự gia tăng này.
"Ngoài ra mức đóng tăng, quyền lợi người đóng BHYT cũng tăng lên. Trước đây đối tượng nghèo, dân tộc thiểu số chỉ được hưởng 95%, giờ được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo trước 80%, giờ là 95%. Chưa kể một số bệnh tật, tình trạng sức khỏe trước đây không được thanh toán như tổn thương thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, điều trị tật khúc xạ, tai nạn lao động... thì giờ cũng đã được thanh toán", ông Khảm phân tích.
Ông Khảm cho biết thêm, đối với học sinh, sinh viên, quỹ BHYT còn trích lại 7% để thực hiện khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường, tạo điều kiện cho y tế học đường phát triển.
Trường hợp nhà trường không có trung tâm y tế học đường có thể liên kết với trạm y tế xã để đảm bảo việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Với mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên là 435.000 đồng/12 tháng (544.000 đồng/15 tháng) như hiện nay, ông Khảm cho rằng tác động đến kinh tế gia đình là không lớn.
Ông Khảm phân tích, bản thân học sinh, sinh viên đã được hỗ trợ 30%, chưa kể con hộ nghèo, con sĩ quan quân đội, công an đều được hỗ trợ 100%; con hộ cận nghèo được giảm 70%; 30/63 tỉnh đã hỗ trợ nốt 30% còn lại, hộ cận nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100%. Nhóm còn lại là hộ gia đình có kinh tế khá giả hoặc từ mức trung bình trở lên.
Với các em học sinh lớp 12 hoặc sinh viên năm cuối, chỉ phải đóng đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc năm học.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh cho rằng BHYT học sinh, sinh viên chưa thiết thực, ông Khảm cho rằng không ai mong muốn tham gia BHYT để ốm, chỉ mong rằng khi ốm được quỹ BHYT hỗ trợ chi phí. Tham gia BHYT bắt buộc còn là sự sẻ chia, tương trợ trong cộng đồng, thể hiện tính nhân văn cao cả.