Mới đây, Công an TP.HCM đã chuyển đơn tố cáo bà Phương Hằng - CEO Đại Nam của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến Cơ quan CSĐT, Công an Bình Dương để thụ lý điều tra và giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đó, ngày 1/9/2021, ông Huỳnh Minh Hưng (tên thật của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống ông trong việc kêu gọi tiền từ thiện gửi đến Công an TP.HCM.
Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan CSĐT, mới đây, Công an TP.HCM đã chuyển đơn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến Cơ quan CSĐT, Công an Bình Dương để thụ lý điều tra và giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất của đại diện Đàm Vĩnh Hưng kể từ khi nộp đơn đến nay, cơ quan chức năng chưa mời nam ca sĩ lên làm việc. Hiện tại, Đàm Vĩnh Hưng cũng đang chờ phản hồi từ Công an tỉnh Bình Dương.
Công an TP.HCM chuyển đơn Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bà Hằng cho Công an Bình Dương
Chia sẻ về thay đổi này, theo TS.LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Chánh pháp) cho rằng, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tố cáo doanh nhân Phương Hằng sẽ được xem xét thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015 và thông tư liên tịch hướng dẫn số 01/2017. Thủ tục này được xác định là thủ tục xác minh tin báo, tố giác tội phạm.
Ngoài ra, ngày 26/3/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020).
Về phân loại, xử lý tin báo, quy định rõ trách nhiệm phân loại của các lực lượng trong Công an nhân dân như: trách nhiệm phân loại, xử lý tin báo của công cấp xã, Đồn, Trạm Công an và quy trình xử lý tin báo của các đơn vị này trong một số trường hợp cụ thể; quy trình phân loại, xử lý tin báo của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quy trình xử lý đối với đơn, thư gửi qua Bưu điện…
Về việc giải quyết tin báo, điều tra viên chỉ được tiến hành các nội dung kiểm tra, xác minh theo Kế hoạch đã được phê duyệt; nếu phát sinh vấn đề mới không có trong Kế hoạch thì phải phải đề xuất bằng văn bản với chỉ huy phụ trách để báo cáo Thủ trưởng cho ý kiến. Quá trình giải quyết tin báo, Cơ quan điều tra được phép triệu tập và lấy lời khai những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh.
Sau khi gửi đơn tố cáo, Đàm Vĩnh Hưng giữ im lặng trên mạng xã hội vì không muốn đôi co mà nhờ pháp luật can thiệp
Vì thế, theo LS Cường, trong vụ việc trên cơ quan điều tra Công an TP.HCM hoặc Bộ Công an đều có quyền thụ lý tin báo tố giác tội phạm để xác minh làm rõ sự việc. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án và chuyển thẩm quyền điều tra cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Hoặc cơ quan điều tra Công an TP.HCM cũng có thể chuyển đơn thư của nam ca sĩ này đến công an tỉnh Bình Dương - nơi có sự việc xảy ra để được giải quyết theo quy định pháp luật. Vì theo quy định của pháp luật thì Thẩm quyền xác minh tin báo sẽ rộng hơn thẩm quyền điều tra.
Còn về nguyên tắc thì hành vi phạm tội xảy ra ở đâu, cơ quan điều tra ở đó sẽ giải quyết. Với hành vi phạm tội diễn ra trên không gian mạng thì cơ quan nào phát hiện tội phạm, cơ quan đó sẽ có thẩm quyền giải quyết.
"Bởi vậy, trong vụ việc này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ cho Công an Bình Dương tiếp tục xem xét thụ lý xác minh tin báo tố giác tội phạm là không sai thẩm quyền. Trong trường hợp hành vi được thực hiện tại Bình Dương mà vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương có thể khởi tố điều tra theo quy định pháp luật"- LS Cường cho biết.
Cũng theo luật sư Cường, đây mới chỉ là giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm, chưa phải là giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
Hồi tháng 6/2021, vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nữ doanh nhân ngành Thực phẩm Lê Thị Giàu và đại gia Nguyễn Phương Hằng đã được TAND Quận 1, TP.HCM thụ lý xử lý.
Tuy nhiên, vào ngày 8/6, hai luật sư của bà Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn đến TAND quận 1, đề nghị chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho Toà án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.
Cụ thể, đơn của luật sư phía bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng: "TAND quận 1 thụ lý vụ án "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" theo đơn khởi kiện của bà Lê Thị Giàu là không đúng thẩm quyền giải quyết của Toà án theo lãnh thổ".
Phía bà Hằng đưa ra 3 nội dung để chứng minh.
Một là, bà Hằng đăng ký hộ khẩu tại đường Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1 nhưng thực tế bà cùng gia đình sinh sống thường xuyên và có đăng ký tạm trú ở Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một.
Luật sư nói rằng, theo khoản 1, điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nơi cư trú của bà Hằng được xác định là nơi bà sinh sống thường xuyên.
Hai là, bà Hằng hiện đang làm việc, giữ chức danh Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, trụ sở chính tại Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An.
Và ba là, luật sư viện dẫn, từ trước đến nay bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân tại TP Thủ Dầu Một. Cụ thể trong đợt bầu cử vừa qua, thẻ cử tri của bà Nguyễn Phương Hằng là ở địa phương này.
Ngay sau đó, phía nguyên đơn bà Lê Thị Giàu có đơn gửi TAND quận 1 để trình bày ý kiến xung quanh vấn đề này. Bà Giàu cho biết, không đồng ý với đơn đề nghị của luật sư phía bà Nguyễn Phương Hằng, tức là chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết.
Bà Giàu nêu ý kiến, quan hệ tranh chấp giữa bà và bà Nguyễn Phương Hằng là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, không liên quan đến doanh nghiệp, nơi bà Hằng làm việc.
Bà Giàu nêu, theo điểm đ, khoản 1, điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự nói rõ, nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án, nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra thiệt hại giải quyết.
Trên cơ sở đó, bà Giàu đề nghị TAND quận 1 tiếp tục thụ lý, giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.