Theo luật sư, việc khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm trong phòng chống dịch dựa trên các quy định pháp luật và cả văn bản hướng dẫn.
Ngày 3/12, cơ quan công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" tại TP.HCM. Việc khởi tố vụ án này được đưa ra sau khi nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines (bệnh nhân 1342) vi phạm nghiêm trọng quy định tại khu cách ly tập trung riêng của hãng hàng không này, sau đó tiếp tục vi phạm quy định khi cách ly tại nhà.
Hậu quả bệnh nhân 1342 đã bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân 1425 từ trong khu cách ly. Khi cách ly tại nhà, bệnh nhân 1342 tiếp tục lây bệnh cho nam giáo viên tiếng Anh là bệnh nhân 1347 và lây thêm cho 2 người khác là bệnh nhân 1348 và 1349. Đến nay đã có hơn 2000 bệnh nhân liên quan đến 4 bệnh nhân trên được lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp cách ly.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng bệnh nhân 1342 không những vi phạm trong quá trình cách ly tập trung, cách ly tại nhà mà còn không tự giác khai báo, không viết nhật ký đi lại, ví dụ như việc anh ta đi học ở Trường Đại học Hutech. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đề nghị khởi tố bệnh nhân này sau bước khởi tố vụ án.
Nam tiếp viên vi phạm nghiêm trong quy định khi cách ly.
Trước những động thái rất quyết liệt của cơ quan chức năng, rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ bởi như thế mới đủ sức răn đe những cá nhân/ tổ chức chủ quan, thiếu ý thức, trách nhiệm trong phòng dịch, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có không ít người đặt ra câu hỏi về việc trước đây khi bệnh nhân số 17 là Nguyễn HN. (ở Hà Nội) khai báo y tế không đầy đủ chính xác, sau đó lây bệnh cho người khác ở Hà Nội hồi tháng 3/2020 lại không khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
Xung quanh những thắc mắc pháp lý trong 2 vụ việc trên, luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng ban luật hình sự (Công ty Luật TAT Law firm) cho rằng, hai vụ việc xảy ra ở 2 thời điểm khác nhau nên việc xử lý cũng khác nhau, dựa trên những quy định và văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, điểm khác biệt lớn nhất trong 2 vụ việc này đó là thời điểm ra đời của văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, vào ngày 30/3/2020 (tức sau thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nhân số 17), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành văn bản số 45.
Sau khi phát hiện bệnh nhân số 17 mắc COVID-19, cả phố Trúc Bạch bị phong tỏa.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể xác định tội danh theo quy định của Bộ Luật hình sự: Hành vi gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
Như vậy, xét ở mặt thời điểm thì văn bản này ra đời sau sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhân số 17. Và đó là lý do giải tích tại sao trường hợp của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines là Bệnh nhân 1342 vi phạm cách ly làm lây lan COVID-19 bị khởi tố. Trong khi đó bệnh nhân số 17 khai báo không chính xác thì không bị khởi tố.
"Tội danh ở điều 240 Bộ Luật hình sự quy định về tội "Lây truyền" mà đối tượng ở đây chủ yếu là động vật, thực vật, vì thế trước khi có công văn số 45 là không có cơ sở nào để xử lý hình sự...
Trong khi đó bệnh nhân số 17 dù có xác định vi phạm thì là vi phạm ở tháng 2/2020, đến tháng 3/2020 thì TAND Tối cao mới ra văn bản hướng dẫn. Chỉ khi có văn bản hướng dẫn ra đời thì Cơ quan CSĐT, VKS cũng như Tòa án mới có cơ sở về lý luận cũng như cơ sở mặt chỉ đạo nghiệp vụ để khởi tố điều tra, truy tố và xét xử hành vi vi phạm này.
Đối với tiếp viên hàng không vi phạm ở thời điểm này là 12/2020, tức sau khi công văn ra đời và như vậy là có cơ sở đó để khởi tố vụ án hình sự", luật sư Cường phân tích.