Bốn loại vắcxin là viêm não Nhật Bản B, vắcxin sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ thông tin này trên trang cá nhân vào chiều tối nay (23/4). Theo đó, qua đợt đánh giá hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin của Việt Nam vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trước mắt có 4 loại vắcxin của Việt Nam gồm: vắcxin viêm não Nhật Bản B, vắcxin sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu.
Nếu như trước đây Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắcxin nhập ngoại thì hiện nay Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vắcxin trong nước đã sản xuất được 12 loại vắcxin. Đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên vắcxin Pasteur Đà Lạt (Davac), Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac) và Viện vắcxin và sinh phẩm y tế (Ivac).
4 loại vắcxin của Việt Nam sẽ tham gia cung cấp toàn cầu. (Ảnh internet)
12 loại vắcxin Việt Nam đã sản xuất được bao gồm: vắcxin phòng ngừa lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viên gam A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virut, trong đó có 10 loại vắcxin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất vắcxin của Việt Nam được xây dựng đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra quốc tế. Điển hình như vắcxin viêm não Nhật Bản B, nhu cầu cho tiêm chủng là khoảng 8 triệu liều trong khi đó khả năng sản xuất khoảng 12 triệu liều/năm; vắcxin sởi là 3 triệu liều, khả năng sản xuất là khoảng 7,5 triệu liều; vắcxin bại liệt uống là 7,5 triệu liều, khả năng sản xuất khoảng 40 triệu liều/năm…
Ngoài ra, Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vắcxin mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai với mục tiêu đến năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vắcxin của người dân. Đó là vắcxin 6 trong 1, vắcxin Hib cộng hợp phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não mủ, vắcxin phế cầu phòng ngừa viêm phổi; thương hàn tổng hợp; viêm não Nhật Bản B bất hoạt trên tế bào vero; vắcxin IPV phòng ngừa bại liệt tiêm, vắcxin cúm mùa và ho gà vô bào...
Đánh giá về lĩnh vực sản xuất vắcxin, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra nhận định Việt Nam có tiềm năng sản xuất vắcxin rất lớn và xếp Việt Nam vào 1 trong 25 quốc gia sản xuất vắcxin chiếm 90% doanh số của toàn cầu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong tháng 12 này WHO cũng sẽ mời các cán bộ của Việt Nam tham gia đoàn đánh giá NRA của WHO đối với Liên bang Nga.
Theo mục tiêu chương trình sản phẩm quốc gia vắcxin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 7 loại vắcxin đáp ứng yêu cầu của chương trình Tiêm chủng Quốc gia, thay thế vắcxin nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vắcxin đa giá (vắcxin 5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều lại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vắcxin mới tại Việt Nam hiện nay.
Các nhà sản xuất vắcxin của Việt Nam trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, đã sản xuất và cung ứng hàng chục triệu liều vắcxin các loại phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân trong nước. Vắcxin do nhà sản xuất trong nước sản xuất qua nhiều năm sử dụng rộng rãi trong cộng đồng được giới chuyên môn đánh giá an toàn và có hiệu quả phòng bệnh cao. Với việc tự sản xuất được các vắcxin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà sản xuất đã tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng do không phải nhập khẩu vắcxin. Không chỉ dừng lại ở đó, vắcxin của Việt Nam còn được xuất khẩu và thu về cho nhà nước hàng triệu đô la.
Trong thời gian vừa qua, Công ty Vabiotech đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vắcxin viêm não Nhật Bản B vào bang Hydrabad (Ấn Độ), trong khi Ấn Độ cũng là một đất nước có ngành công nghiệp sản xuất vắcxin phát triển. Vắcxin viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông-Timo; 32.000 liều vắcxin viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vắcxin tả uống đã được xuất khẩu đến SriLanka, Philippine, Ấn Độ.