Mẹ đẻ và cha dượng bạo hành dã man bé gái 4 tuổi làm chấn thương sọ não có thể bị xử phạt mức cao nhất đến chung thân.
Liên quan đến vụ bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, ở Bình Dương) bị mẹ đẻ là Nguyễn Thị Thuỳ Trang (26 tuổi, ở Vĩnh Long) và cha dượng Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, ở Đồng Nai) bạo hành dã man dẫn đến chấn thương sọ não, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm về các tội danh, mức án hai người này có thể phải nhận.
Vợ chồng Minh và Trang bị bắt giữ.
Theo luật sư, hành vi bạo hành của mẹ đẻ và cha dượng đã xâm hại đến hai quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, đó là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người và xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình. “Cần xử lý họ về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe người khác, quy định tại Điều 104 BLHS”, luật sư Thơm nói. Tuy nhiên, để xem xét xử lý Trang và Minh về các tội danh này cần chờ kết quả giám định thương tích của cơ quan chuyên môn.
Hai mắt của đứa bé Ngân vẫn tím lại vì tụ máu.
Trước mắt nhà chức trách có thể khởi tố vụ án hình sự Ngược đãi hoặc Hành hạ con theo Điều 151 BLHS. Sau khi có kết quả giám định tỷ lệ sức khỏe, cơ quan điều tra có thể thay đổi quyết định khởi tố sang tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe người khác, theo Điều 104 BLHS. Tùy theo tỷ lệ thương tích mà mẹ đẻ và cha dượng đã gây ra cho bé Ngân, họ có thể bị xử phạt mức cao nhất đến chung thân.
Về việc Minh có bị truất quyền nuôi con hay không, luật sư cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định nào như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan công an có thể yêu cầu gia đình cử người giám hộ cho cháu bé để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp bị hại theo quy định của pháp luật, trong trường hợp mẹ cháu bị bắt tạm giam.
Điều 41 Luật hôn nhân và gia đình: Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Khi cha, mẹ bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tùy theo từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngăn thời hạn này. |