Cùng lúc mất đi 3 người con trai là trụ cột trong gia đình khiến cho người mẹ già và người thân đau đớn, xót xa. Tuy nhiên, khó khăn và nỗi lo lớn nhất lúc này của gia đình và chính quyền địa phương về tương lai của ba cháu nhỏ của các nạn nhân…
Những ngày này căn nhà nhỏ của bà Tăng Thị Mơ (SN 1960, trú tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) bao trùm không khí tang thương và tiếng khóc ai oán khi cùng lúc bà mất đi 3 người con trai Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) vì bị ngạt khí gầm biogas xảy ra vào tối 9/5. Trong lễ an táng vào sáng 12/5, bà Mơ và người thân không còn đủ sức để nhìn di cốt của các con lần cuối.
Chị Ngân khóc ngất trong lễ tang của chồng cùng anh và em chồng.
“Nếu như hôm đó tôi bình tĩnh hơn…”
Nhìn về phía di ảnh của các con, bà Mơ lại gào khóc thảm thiết, nhưng bao nhiêu nước mắt bà đã khóc cạn từ lúc nhận được tin dữ và giờ đây bà đã kiệt sức và ngất lịm bên người thân. Trong những lần hồi tỉnh, bà nghẹn ngào: “Tại sao ông trời lại cướp đi cả ba người con của tôi cơ chứ để đến giờ tôi phải khổ thế này? Nếu như hôm đó, tôi bình tĩnh hơn thì đã cứu được các con. Khổ thân các con tôi…”.
Ông Tăng Văn Dung (cậu ruột các nạn nhân) kể, do gia đình bà Mơ chăn nuôi lợn nên muốn tận dụng số lượng phế thải thừa của gia súc làm đồ đun, tránh gây ô nhiễm môi trường và cuối năm 2016, gia đình bà xây hầm biogas. Cách đây ít ngày, hầm bị tắc cần phải sửa chữa. Khoảng 20h ngày 9/5, sau khi đi làm xây dựng về, trong lúc chờ vợ về ăn cơm, anh Đươm tranh thủ bắc thang xuống hầm biogas để sửa. Tuy nhiên, do không am hiểu nhiều nên khi bước xuống khí độc thoát lên khiến cháu bị ngã xuống hố và tử vong.
Khi gọi không thấy con trai lên tiếng, bà Mơ đang trông 3 cháu nội trong nhà đã gọi anh Đới (con trai út) về xem thế nào. Lúc đến miệng hố thấy anh trai đã tử nạn, anh Đới liền trèo xuống và cũng bị tử vong do khí độc dưới hầm thoát lên. Biết hai con có chuyện chẳng lành, bỏ vội các cháu trong nhà, bà Mơ đi tìm anh Đượm (con trai cả) đang ngồi chơi hàng xóm. Về đến nhà thấy 2 em gặp chuyện, anh đã lội xuống để cứu hai em thì cũng gặp nạn và trước khi biết sự việc, anh Đượm đã kịp kêu cứu. Sau đó, bà Mơ hô hoán nhưng khi người nhà và hàng xóm vớt được 3 anh em lên thì đã tử vong.
“Bình thường lúc còn sống gia đình 3 anh em cháu tôi chỉ đủ ăn qua ngày, tiền công làm được cũng chỉ đủ để mua gạo rau dưa và chăm sóc các con. Bây giờ ba anh em đã mất, tôi lo nhất về các cháu bé không biết nương tựa vào đâu khi bà nội đã già yếu, bệnh tật. Thậm chí, không biết bà Mơ và cháu Ngân có vượt qua được cú sốc nỗi đau này hay không”, ông Dung nói.
Nỗi đau người ở lại
Hàng trăm người nghẹn ngào tiễn đữa 3 anh em ruột xấu số.
Trong lễ an táng 3 anh em ruột xấu số có hàng nghìn người trong thôn ngoài xã đến hỏi thăm, phúng viếng, tiễn đưa và không ai cầm được nước mắt khi nỗi đau quá lớn đã bất ngờ dồn xuống gia đình nghèo khó bần hàn. Họ càng đau xót thương tiếc cho các nạn nhân bao nhiêu thì càng thấy xót xa khi các con thơ của 3 anh em biết nương tựa vào ai khi tương lai phía trước mờ mịt.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Tăng Văn Ghi (SN 1957) đã kết hôn với bà Mơ. Sau đó, vợ chồng ông bà sinh được 3 người con trai. Năm 2005, ông Ghi qua đời vì căn bệnh ung thư. Trong những người con thì có con cả Tăng Văn Đượm đi bộ đội. Rời quân ngũ, anh đi làm lao động phổ thông. Cùng thời điểm này cả hai con trai còn lại của bà Mơ cũng xin nghỉ học do kinh tế khó khăn và cả ba anh em đi làm thuê ở các nơi trong tỉnh Hải Dương.
Bà Mơ nghẹn ngào: “Từ nhỏ đến giờ, các con của tôi chưa có được ngày nào thảnh thơi, được mặc bộ quần áo đẹp. Đến lúc mất làm lễ khâm liệm mà cả 3 đứa không có nổi bộ quần áo lành lặn, nhà không đủ gạo để nấu cơm cúng. Nếu như ngày hôn lễ có mâm cao cỗ đầy, nhưng các con của tôi thì không có được điều đó. Thậm chí, khi các con dâu về chung sống cũng không chịu được cảnh bần hàn nên đã lần lượt rời bỏ gia đình và các con…”.
Trong 3 anh em ruột tử nạn thì anh Đượm đã có một con gái 3 tuổi và anh Đới có hai con gái (cháu lớn 5 tuổi, cháu út 3 tuổi). Còn anh Đươm mấy lấy vợ hồi đầu năm chưa có con. Ngày cưới của anh Đươm, do cuộc sống khốn khó, cho nên gia đình bà Mơ chỉ làm vài mâm cơm để báo cáo với họ hàng nội tộc chứng dám. Giờ đây, trụ cột của gia đình bà đã không còn khiến cho người thân lo lắng về tương lai của 3 cháu nhỏ.
Trong lễ tang của các nạn nhân, hình ảnh 3 đứa trẻ thơ đầu quấn khăn ngơ ngác vui đùa, thỉnh thoảng lại hỏi bố đi làm sao không về khiến cho mọi người không cầm được nước mắt. Vẫn biết, từ khi nhận tin dữ đến nay các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện, xã đến nhân dân trong xã và khách thập phương đã quyên góp ủng hộ cho gia đình, nhưng cuộc sống, tương lai của các cháu nhỏ thì cần nhiều hơn những điều đó.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Tăng Văn Méc - Trưởng Công an xã Gia Xuyên cho hay, khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, do sự việc vượt quá thẩm quyền của địa phương nên ông Méc đã thông tin cho chính quyền xã và công an cấp trên.
Ông Hồ Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên cho biết: “Chính quyền địa phương biết hoàn cảnh của gia đình bà Mơ và 3 người con tử nạn rất khó khăn. Cho nên, ngoài việc chúng tôi sẽ kiến nghị lên các cấp các ngành về trường hợp của ba cháu nhỏ thì lúc này, gia đình nạn nhân cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ của mọi người”. |