Sau gần 13 tháng sống trong trại tạm giam, 3 thanh niên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” đã được tại ngoại, trở về đoàn tụ gia đình trong niềm vui lẫn nước mắt.
Dù chưa được tòa tuyên trắng án nhưng động thái trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 và đề nghị VKSND cùng cấp cho 3 bị cáo Lê Minh Nhựt (18 tuổi), Nguyễn Hoàng Khang (22 tuổi) và Nguyễn Vũ Ca (19 tuổi) được tại ngoại của TAND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đã cho thấy khả năng những thanh niên này bị oan là rất lớn.
Nguyễn Vũ Ca vui mừng khi cầm trên tay quyết định được cho tại ngoại
Sáng 2-7, chúng tôi đến thăm gia đình em Lê Minh Nhựt, một trong 3 bị cáo có tuổi đời nhỏ nhất và bị quy kết là chủ mưu của một vụ án “Cướp tài sản”. Em vừa được tại ngoại chiều hôm trước cùng với 2 đồng phạm mà cả 3 đều cho rằng mình bị oan. Nhựt sống cùng cha mẹ và em gái trong căn phòng trọ thuê tháng ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.
3 người mẹ đón 3 người con trai của mình trở về sau gần 13 tháng bị tạm giam
Gần 13 tháng sống trong trại tạm giam đã làm cho một thanh niên 18 tuổi trở nên xanh tái và yếu ớt. Tiếp xúc với chúng tôi, Nhựt tỏ ra dè dặt và rất kiệm lời. Ông Lê Văn Mỹ, cha của Nhựt cho biết từ nhỏ em vốn hiền lành, ít nói, cộng thêm cú sốc quá lớn đầu đời khiến Nhựt dường như người trầm cảm từ lúc trở về nhà.
Gia đình ông Mỹ quê ở huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), hơn 1 năm trước vì nuôi tôm thất bại nên bán hết đất đai, nhà cửa về TP Cà Mau thuê nhà trọ, đi làm thuê kiếm sống và nuôi con ăn học. “Gia đình tôi ra TP ở được vài tháng thì Nhựt bị bắt. Lúc đầu tôi cũng ngỡ ngàng, nghĩ con mới ra TP mà đã mau chóng hư hỏng. Thế nhưng, biết rõ bản chất hiền lành của con, cộng thêm nhiều chứng cứ ngoại phạm, tôi tin con tôi bị oan. Thế là từ đó đến nay, tôi chỉ tập trung lo đi minh oan cho con mà không có thời gian làm việc và tiếp xúc với những người xung quanh. Tiền bán đất dưới quê không đủ đi đứng và các khoản giấy tờ, thuê luật sư nên phải vay mượn của người thân mà đi tìm cách minh oan cho con mình”, ông Mỹ buồn bã kể.
Lê Minh Nhựt trong vòng tay cha mẹ và em gái
Điều khiến ông Mỹ lo lắng không kém việc minh oan cho con là sắp tới đây, khi vẫn còn đang mang án và bị cấm rời khỏi nơi cư trú thì không biết việc học hành của Nhựt sẽ ra sao. Lúc bị bắt, Nhựt mới học xong lớp 10. Nếu không có sự việc xảy ra thì thời gian qua em phải ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải trong trại tạm giam lạnh lẽo. “Thời gian nhập học cũng cận kề. Hiện tôi chưa đăng ký cho cháu đi học lại vì không biết án bao giờ kết thúc. Nếu sự việc kéo dài thì chắc cháu phải bỏ lỡ thêm năm học nữa mất thôi”, ông Mỹ lo lắng.
Những người ở cùng khu trọ với ông Mỹ dù chưa thân thiết nhưng hay tin Nhựt được tại ngoại cũng kéo đến chia sẻ niềm vui đoàn tụ của gia đình ông. Anh Nên, ở gần phòng trọ của gia đình ông Mỹ, chia sẻ: “Sau khi Nhựt bị bắt, anh Mỹ cũng ngại tiếp xúc với những người xung quanh. Thấy vợ chồng anh ấy chạy ngược chạy xuôi để minh oan cho con, chúng tôi thấy rất thương nhưng không giúp được gì hơn. Hôm cháu về, chúng tôi đọc báo thấy cháu có nhiều khả năng bị oan nên đã đến nhà hỏi thăm, chia sẻ niềm vui của gia đình”.
Khang, Nhựt và Ca trong phiên tòa sơ thẩm lần 3
Bà Huỳnh Kim Út (mẹ của Nhựt), cho biết khi hay tin Nhựt được tại ngoại qua báo chí, bà con ở dưới quê nhà Phú Tân gọi điện chúc mừng không ngớt dù hiện Nhựt vẫn chưa được tòa tuyên trắng án. “Thời gian Nhựt bị giam, tôi về quê cũng ít người tiếp xúc vì ngại tôi có con là kẻ cướp. Giờ hiểu được phần nào nên ai cũng điện hỏi thăm, chia sẻ. Dù tài sản tích cóp không còn, nợ nần chồng chất nhưng thấy con được về nhà là vui rồi. Hy vọng các cơ quan chức năng điều tra trung thực, khách quan để trả lại công bằng cho con tôi”, bà Út nghẹn ngào nói.
Theo hồ sơ vụ án mà Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, tối ngày 2-6-2015, Khang cùng với Ca đến quán nhậu 797 (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) để gặp bạn đang làm nhân viên phục vụ tại đây là Nhựt. Tại đây, Nhựt vừa chạy bàn vừa thỉnh thoảng xin phép chủ quán ngồi vào bàn nhậu với Khang, Ca và 2 người bạn gái của Khang. Trong lúc nhậu, Nhựt rủ Ca và Khang đi cướp tài sản của người đi đường.
Khoảng 22 giờ cùng ngày, cả 3 chạy đến cầu Lương Thế Trân (cách quán nhậu khoảng 3km) thì nhìn thấy anh Lâm Chí Nhẫn (22 tuổi) đang dừng xe để nghe điện thoại trên cầu nên đánh và cướp điện thoại (trị giá 3 triệu đồng). Sau đó, Nhựt đem điện thoại bán cho một người đi đường với giá 200.000 đồng rồi cả 3 quay về quán 797 nhậu tiếp. Khi đi ngang qua quán 797, Nhẫn thấy một thanh niên tóc vàng, áo đỏ (Nhựt lúc đó mặc áo đỏ, tóc nhuộm vàng) giống với một trong 3 người đã cướp tài sản của mình nên báo công an xã Lương Thế Trân đến bắt. Tuy nhiên, do cả 3 không thừa nhận có tham gia vụ việc nên được công an xã cho về. Khoảng 6 ngày sau, cả 3 bị mời lên công an xã làm việc và tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội nên bị khởi tố, bắt giam.
Trong cả 3 phiên tòa, bị hại Nhẫn liên tục có những lời khai mâu thuẫn với kết quả điều tra trước đó khiến HĐXX đặt những câu hỏi nghi vấn về tính xác thực của vụ án. Trong khi đó, cả 3 bị cáo đều khai rằng đã bị một phó công an xã Lương Thế Trân tên T. đánh và ép phải thừa nhận tham gia cướp tài sản của anh Nhẫn. Thậm chí, bị cáo Ca còn khai đã bị ông T. chở ra đoạn đường vắng vào ban đêm để đánh và ép nhận tội, sau đó chở vào trụ sở công an xã lập biên bản.