Nếu như buổi sáng và buổi chiều xét xử (17.12), bị cáo Nguyễn Hải Dương tỏ ra lạnh lùng, thì tâm trạng của Dương đã thay đổi hoàn toàn khi nghe tòa tuyên án vào đầu giờ tối cùng ngày...
19h15 tối 17.12, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ thảm án ở Bình Phước (làm 6 người trong cùng gia đình thiệt mạng) đã tuyên án đối với 3 bị cáo: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) cùng đồng phạm là Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long).
Khi nghe chủ tọa là ông Nguyễn Hữu Trí - Chánh án TAND tỉnh Bình Phước đại diện HĐXX tuyên bố mức án tử hình dành cho mình, bị cáo Dương đã mím chặt môi, khuôn mặt biến sắc và dường như không thể đứng vững. Trước đó, trong cả ngày xét xử, bị cáo Dương luôn thể hiện một nét mặt lạnh.
3 bị cáo đang nghe HĐXX tuyên án.
Bị cáo Dương mím chặt môi khi nghe án tử hình.
Theo HĐXX, cả 3 bị cáo đều phạm phải 2 tội danh là giết người và cướp tài sản. Trong đó, hành vi gây án của Dương là đặc biệt man rợ, dã man, gây hoang mang lớn trong dư luận, xã hội.
Mặc dù Dương khai "bị cáo còn nhân tính nên mới dỗ, không giết bé Na", nhưng đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Luật sư bào chữa cho Dương là ông Hoàng Kim Vinh - Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước - cũng nhiều lần nhắc tới tình tiết này trong phiên tòa, nhưng đại diện VKS phản bác, cho rằng pháp luật không có quy định giảm nhẹ tội cho hành động này và thực tế cũng vậy.
Trong khi Dương gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân, Tiến, Thoại và xin giảm nhẹ án cho 2 đồng phạm này; thì Tiến cũng xin lỗi gia đình nạn nhân và xin tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Tiến cho rằng mình không bị oan, nhưng ức vì đã bị Dương lợi dụng, dụ tham gia vào vụ án thảm sát 6 người.
Qua đánh giá kỹ lưỡng vai trò của Tiến trong vụ án, HĐXX cũng đã tuyên án tử hình cho bị cáo này.
Theo luật sư Lê Văn Nam (luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến), thân nhân của bị cáo Tiến và các bị cáo khác đến phiên tòa khá đông, nhưng họ không dám lên tiếng, gặp báo chí, do sợ bị nhận ra và bị trả thù.
Bị cáo Thoại đã bật khóc khi nghe luật sư bào chữa cho mình trong phần tranh luận. Mặc dù không trực tiếp tham gia sát hại các nạn nhân, nhưng bị cáo Thoại cũng phải nhận hình phạt 16 năm tù (gồm 13 năm cho tội giết người và 3 năm cho tội cướp tài sản).
Khi nghe HĐXX tuyên án, bị cáo Thoại đã nhắm chặt đôi mắt.
Buổi xét xử lưu động 3 bị cáo Dương, Tiến và Thoại đã diễn ra từ 7h30 sáng 17.12, kéo dài tới 19h25 cùng ngày. Trong phiên tòa, các luật sư đã có phần tranh luận khá sôi nổi với VKS, đặc biệt là luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến và 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Thoại.
Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, khoảng 400 cán bộ, công an, cảnh sát cơ động, cứu hộ PCCC... đã được huy động bảo vệ, đảm bảo an toàn cho phiên tòa với 3 lớp an ninh. Ngoài ra, đã có hàng ngàn người dân Bình Phước, các tỉnh lân cận, thậm chí là từ các tỉnh miền Tây (Long An, Bến Tre) tới theo dõi.
Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn tình cảm với Nguyễn Thị Ánh Linh nên Dương đã lên kế hoạch sát hại cả gia đình bạn gái. Trước khi vụ thảm sát xảy ra, Dương rủ Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ (cha của chị Linh) để giết người, cướp tài sản và được Thoại đồng ý. Rạng sáng 5.7, cả hai chạy xe máy từ huyện Hóc Môn, TP.HCM đến nhà ông Mỹ, nhưng do không thể đột nhập vào bên trong nên cả hai ra về. Tuy nhiên, hôm sau, Thoại không tham gia cùng Dương nữa với lý do về quê. Trước khi về quê, Thoại đưa cho Dương một con dao Thái Lan do Thoại mua để gây án (sau này Dương dùng để đâm bà Nga tử vong). Rạng sáng 7.7, Dương và Tiến vào nhà ông Mỹ ra tay sát hại 6 mạng người trong gia đình nạn nhân và cướp một số tài sản. Trong vụ án này, Dương và Tiến chiếm đoạt số tài sản gồm 5 chiếc điện thoại, 1 iPad, 1 máy tính xách tay, hơn 4 triệu đồng tiền mặt cùng một số đồ vật khác (tổng trị giá hơn 49 triệu đồng). Cơ quan điều tra cũng đã trưng cầu giám định tâm thần đối với Dương và Tiến, kết quả khẳng định cả hai đều không có bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự trước, trong và sau khi gây án. |