Luật sư cho hay, trong trường hợp cháy xảy ra do lỗi kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự cố này. Trường hợp cháy do bất khả kháng thì chủ đầu tư có thể tránh được trách nhiệm bồi thường.
Liên quan đến vụ cháy ở tòa nhà CT4A – Khu đô thị Xa La (Hà Đông – Hà Nội), hiện rất nhiều người đang quan tâm đến vấn đề bồi thường thiệt hại sau khi sảy ra sự cố nhất là đối với những phương tiện như ô tô, xe máy ở dưới tầng hầm.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đào Tơ (Văn phòng Luật sư Interla – Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho biết, cần phải dựa trên cơ sở luật pháp để biết được trách nhiệm các bên liên quan.
- Thưa bà, để xảy ra sự cố cháy ở tòa nhà CT4A (Xa La - Hà Đông), ai là người chịu trách nhiệm?
- Hiện tại nguyên nhân sự cố cháy chưa được làm rõ. Trong trường hợp cháy xảy ra do lỗi kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sự cố này. Trường hợp cháy do sự cố bất khả kháng thì chủ đầu tư có thể tránh được trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên cần xét đến mức độ đảm bảo trang bị phòng cháy chữa cháy của tòa chung cư. Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Phòng cháy chữa cháy về điều kiện Phòng cháy đối với công trình cao tầng.
Theo đó: “Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy”.
Ngoài ra, Điều 16 Luật này cũng quy định về trách nhiệm liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình như sau: “Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình
1. Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.
2. Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
3. Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy”.
Như vậy, nếu kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy thiết kế PCCC của tòa nhà không đảm bảo hay hệ thống PCCC không được kiểm tra định kỳ thường xuyên dẫn đến không hoạt động hay hoạt động không hiệu quả thì lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ đầu tư.
Câu chuyện bồi thường thiệt hại trong vụ cháy vẫn đang đợi nguyên nhân xảy ra vụ việc.
- Vậy thiệt hại về tài sản của người dân, ai là người đứng ra bồi thường?
- Vụ cháy gây ra thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, chủ yếu kể đến ô tô, xe máy được trông giữ dưới tầng hầm, nơi phát cháy. Các ô tô và xe máy này khi được gửi tại tầng hầm tòa nhà, chủ xe luôn có giữ vé xe. Vé xe cũng chính là một dạng hợp đồng giữa chủ xe và chủ đầu tư.
Do đó, nếu xác định được thiệt hại xảy ra do lỗi của chủ đầu tư thì vé xe chính là căn cứ để chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe. Đối với các tài sản khác bị thiệt hại như tiền bạc, giấy tờ có giá… cũng tương tự như vậy.
- Nếu xảy ra trường hợp đơn vị quản lý không bồi thường thiệt hại cho người dân thì người dân phải làm gì để được bồi thường?
- Trường hợp xác đinh nguyên nhân của vụ cháy có lỗi của chủ đầu tư (đơn vị quản lý) tòa nhà CT4A chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người dân theo quy định tại Theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, đó là:
“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”
Trong trường hợp nguyên nhân vụ cháy thuộc lỗi bất khả xâm phạm (như thiên tai, lũ lụt…) chủ đầu tư có thể được loại trừ khả năng đền bù.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình người dân có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án được không?
- Trong quá trình điều tra xác minh nguyên nhân vụ cháy mà có căn cứ và dấu hiệu hình sự thì cơ quan Điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
- Với kinh nghiệm của mình, xin bà cho biết quan điểm khi liên tiếp xảy ra các vụ cháy chung cư trong thời gian gần đây?
- Trước hết, cơ quan chức năng trước hết sẽ phải xác định rõ nguyên nhân gây cháy. Xác định các điều kiện về giấy phép phòng cháy chữa cháy phòng, điều kiện phòng cháy chữa cháy sử dụng tại khu chung cư theo Điều 16 và 23 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định.
Nếu như khu chung cư không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính. Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc kiểm tra, duy trì điều kiện về phòng cháy và chữa cháy phải được tổ chức thường xuyên, định kỳ để phát hiện những nguy cơ, hỏng hóc ….. là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Trong trường hợp xác định được nguyên nhân vụ cháy có lỗi của chủ đầu tư theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, người sử dụng sẽ được bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng được quy định theo nguyên tắc sau:
“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.