Theo luật sư, lời khai ban đầu của người chữa bệnh trái phép và tự thiêu thi thể trẻ tự kỷ do nhiễm Covid-19 có nhiều điểm bất thường, vô lý...
Thiêu thi thể trẻ tử vong vì mắc bệnh Covid-19?
Ngày 14/9, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện đơn vị chức năng đang chờ kết quả giám định pháp y mẫu tro cốt cùng mẫu tóc của người mẹ từ gia đình ông M.H.N ở Huế cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã triệu tập ông L.M.Q. (thường trụ tại phường Xuân Phú, TP Huế, tạm trú tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) lên lấy lời khai.
Theo nhận định của Luật sư, ông Q. bị tật 2 chân, đi lại tập tễnh, rất khó để thực hiện việc hỏa thiêu thi thể cháu bé.
Bước đầu, ông Q. khai nhận, đầu tháng 3/2022, ông N.H.N (SN 1977, ngụ TP Huế) giao con trai là cháu N.L.M.Q (SN 2019) cho ông Q. chữa trị. Cuộc gặp giữa gia đình và ông Q. diễn ra tại khách sạn ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Sau đó, ông Q. đưa cháu Q. về địa chỉ tại số 54/39 đường Phan Chu Trinh (thuộc tổ dân phố 4B, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) để chăm sóc và chữa bệnh chậm phát triển. Sau khi đưa cháu Q. về 2 ngày thì cháu có biểu hiện ho, sốt. Ông Q. dùng que test kiểm tra thì phát hiện cháu Q. dương tính với Covid-19.
Lúc này, ông Q. nhờ bà C.T.T.B (SN 1983, là người giúp việc cho ông Q.) đi mua thuốc về cho cháu Q. uống. Sau khi uống thuốc, cháu Q. không còn ho sốt. Đến ngày 8/3, ông Q. gọi điện báo cho ông N. thông báo là cháu Q. bị nhiễm Covid-19, nhưng đã đỡ bệnh.
Cũng theo người đàn ông này, đêm 24/3, cháu Q. lại có biểu hiện ho, sốt, ông tự test Covid-19 cho cháu Q. thì phát hiện cháu bị dương tính trở lại. Đến khoảng 2h ngày 25/3, ông Q. kiểm tra thì thấy cháu Q. tử vong.
Lúc này, ông Q. không thông báo cho gia đình cháu bé vì sợ bố mẹ cháu Q. bị ảnh hưởng sức khỏe và cũng không dám báo với chính quyền địa phương. Sau đó, ông Q. cho thi thể cháu Q. vào thùng các- tông rồi dán băng keo kín, lấy thêm một thùng các- tông khác bỏ than, xăng, dầu, xô sắt vào rồi đưa tất cả lên ô tô.
Sau đó, ông Q. nhờ bà B. điều khiển ô tô đi về hướng huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng). Khoảng 8h sáng ngày 26/3, cả hai chạy tới một con đường đất thì ông Q. yêu cầu bà B. dừng xe và nói bà B. ra Quốc lộ 27 chờ để ông gặp bạn trao đổi công việc.
Tại đây, ông Q. mang mọi thứ đã chuẩn bị sẵn xuống xe và tiến hành hỏa thiêu thi thể cháu Q. Sau khi thực hiện hỏa thiêu xong, người đàn ông này đưa tro cốt của cháu Q. lên xe và dọn dẹp hiện trường.
Đến khoảng 14h cùng ngày, bà B. quay lại và ông Q. nói với người phụ nữ này chở xuống tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, cả hai ngủ lại một đêm rồi tiếp tục chạy xe ra Huế. Lúc này, ông Q. thông báo cho bà B. biết là cháu Q. đã chết vì Covid-19 và ông đã hỏa táng thi thể cháu.
Sau đó, ông Q. đi mua một hũ sành rồi bỏ tro cốt của cháu Q. vào và liên lạc với ông N. giao hũ tro cốt trên. Đồng thời, ông Q. nói thông báo cháu Q. đã mất vì Covid-19 và ông đã hỏa táng thi thể cháu.
Tuy nhiên, đây chỉ là lời khai ban đầu của ông Q. với cơ quan điều tra, còn nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.
Một luật sư phân tích, ông Q. bị tật 2 chân sau một vụ TNGT, phải đi nạng đi tập tễnh, rất khó để một mình khiêng thi thể cháu Q. và thực hiện việc thiêu thi thể trên.
Nhiều điểm vô lý
Trao đổi với PV, luật sư Trần Viết Hà, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, vụ việc đang được cơ quan điều tra, cần có kết quả cuối cùng để có phân tích, đánh giá cụ thể dưới góc độ pháp lý.
Tuy nhiên, căn cứ thông tin từ lời khai ban đầu của ông Q., có thể thấy lời khai có nhiều điểm chưa hợp lý.
Căn nhà nơi được cho là cơ sở khám chữa bệnh của ông Q.. Ảnh: N.H
Cụ thể, ông Q. là người bị tật cả hai chân, trong khi bé Q. đã 3 tuổi, thông thường trọng lượng của một bé 3 tuổi rơi vào khoảng 11,3 kg-18,3kg, vậy tại sao một người bị tật cả hai chân lại có thể khiêng cháu bé, gói cẩn thận để đưa lên ô tô để hỏa thiêu?
Tiếp đó, địa điểm hỏa thiêu nêu trên do ai chuẩn bị và việc tiến hành hỏa thiêu do một mình ông Q. thực hiện hay ai giúp sức? Bởi theo lời khai, chỉ một mình ông Q. thực hiện. Nhưng nếu với tình trạng dị tật như của ông Q. thì quá trình trên một mình ông Q. thực hiện là hoàn toàn vô lý.
Thứ hai, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ cháu bé có mắc bệnh Covid-19 hay không. Nếu cháu bé mắc bệnh, việc điều trị được thực hiện như thế nào, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.
Theo quy định, người mắc bệnh Covid-19 có trách nhiệm phải thông báo cho cơ sở y tế ở địa phương. Trường hợp cháu bé đang trong cơ sở chữa bệnh, nếu mắc bệnh và tử vong phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Việc cháu bé mắc bệnh, tử vong mà cơ quan chức năng không biết, sau khi hỏa táng một cách vội vã mới báo cho gia đình, đây là vấn đề bất thường, cần phải làm rõ.
Trường hợp có căn cứ cho thấy những thông tin mà người chữa bệnh cho cháu bé đưa ra là không đúng sự thật, cháu bé tử vong không phải là do mắc bệnh, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
Trong trường hợp, nếu kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị hành hạ, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm phạm đến tính mạng của cháu bé, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, đầu năm 2022, con trai ông N.H.N. (SN 1977, trú TP Huế) là cháu Ng.L.M.Q. có dấu hiệu của bệnh chậm phát triển (chậm biết nói và biết đi). Do đó, ông N. liên hệ với ông Q. để nhờ chữa trị.
Ông Q. khẳng định, trong 2 năm sẽ chữa khỏi bệnh cho bé với mức phí chữa bệnh là 200 triệu đồng/tháng, ứng trước 600 triệu đồng. Ông Q. cho biết cháu Q. sẽ được điều trị ở khu điều trị nội trú là căn biệt thự độc lập, có bể bơi riêng và ê-kip riêng chăm sóc, bao gồm 1 tài xế riêng, 1 ô tô để chở cháu đi lại, 1 cô chuyên về nấu ăn dinh dưỡng, 1 trợ lý chăm sóc. Bé được bảo vệ an toàn 24/24, kể cả lúc ngủ.
Tuy nhiên, sau khi giao con, đến khoảng 11h ngày 27/3/2022, ông Q. ra Huế và giao lại cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt, nói là của con trai. Đồng thời, ông Q. xin chịu mọi chi phí lo hậu sự, mai táng cho cháu Q. và xin trả lại cho gia đình ông Nghĩa số tiền 600 triệu đồng đã nhận trước đó.