Cô Hai Hiên nổi tiếng trong vùng là cô gái xinh đẹp, đức hạnh hơn người nên được bao người yêu quý, ngưỡng mộ.
Miền Tây vốn là mảnh đất được thiên nhiên ban cho nhiều cái lợi như đất đai màu mỡ, cảnh sắc tươi đẹp, sản vật trù phú… Song ít ai biết nơi này còn gắn liền với những giai thoại mang sắc màu hoang đường, kỳ bí mà đến giờ người dân thi thoảng vẫn truyền tai nhau.
Bà Hoàng Thị Được (65 tuổi, Đồng Tháp) cho biết: “Giờ đỡ rồi, chứ mấy chục năm trước trong những hội hè đình đám người ta vẫn hay kể cho nhau nghe chuyện kinh dị, lạ lùng từng xảy ra tại xứ này. Trong đó huyền thoại hấp dẫn và kỳ bí nhất có lẽ phải kể đến chuyện liên quan đến cô Hai Hiên”.
Miếu thờ cô Hai Hiên.
Cô Hai Hiên tên thật là Phạm Thị Hiên – con gái của ông Hương cả Cần ở chợ Nha Mân (Phú Nhuận, Sa Đéc). Cô nổi tiếng trong vùng là cô gái xinh đẹp, đức hạnh hơn người nên được bao người yêu quý, ngưỡng mộ.
Trưa hôm ấy, cô Hai Hiên đang ngồi chơi bên bờ sông trước nhà chợt có một bà lão gọi đò qua sông. Cô rủ lòng thương nên bèn lấy ghe của nhà chèo qua đón bà lão. Nào ngờ khi chiếc ghe đi được nửa chặng gặp nước chảy xiết, cô sút tay chèo ngã xuống rồi chết đuối.
Lúc này ông Hương cả nghe tiếng kêu cứu đã chạy ra, cùng hàng xóm mò tìm xác con gái. Khi vớt lên, thi thể cô gái vẫn còn mềm…
Ông Hương cả không chấp nhận sự thật con gái xinh đẹp lại ngoan ngoãn của mình đã chết nên than trời trách đất. Trong lúc nóng giận, ông đã đạp đổ bàn thờ Quan Thánh rồi lấy tượng bỏ vào quan tài khâm liệm, chôn theo cô Hai Hiên.
Lúc này người dân trong làng ai cũng e ngại hành vi xúc phạm Quan Thánh của ông Hương cả. Song không ai dám nói gì bởi đó là chuyện của gia đình ông.
Sau khi cô Hai Hiên nằm xuống đã có rất nhiều điều kỳ bí xảy ra. Hàng xóm thi thoảng lại thấy bóng dáng cô từ nhà trước ra nhà sau, đi xuống vườn như hồi còn sống. Vì thế thanh niên thời ấy chỉ cần nhắc đến tên cô Hai Hiên đều sợ hãi.
Mộ của cô Hai Hiên hiện được người dân thờ cúng, nhang khói mỗi ngày.
Chưa dừng ở đó, người dân Nha Mân còn truyền nhau nghe câu chuyện “linh hồn” của cô Hai Hiên ra tận xứ Huế. Họ kể rằng sau khi cô chết vài năm, có đoàn ghe từ ngoài Huế vào đậu tại bến Nha Mân bán quế và thúng rổ. Khi hết hàng, đoàn ghe chuẩn bị lên đường về Huế và trong lúc sửa soạn có một cô gái xin quá giang ra đó.
Trong đoàn ghe, có một chiếc ghe bằng lòng cho cô gái ấy đi theo. Tới lúc nhổ neo, chờ mãi không thấy cô đến, chiếc ghe ấy buộc lòng tách bến. Đặc biệt đoàn ghe đi được mấy ngày trên biển bỗng gặp sóng to gió lớn, các ghe khác đều chìm, duy chiếc ghe nhận lời chở cô vượt qua sóng gió về bến an toàn.
Năm sau, chiếc ghe chuẩn bị vào Nam, họ lại thấy cô Hai hiên đến bến sông gửi về nhà một cây quế và thanh trà. Gia đình cô đã trồng hai cây này trước sân nhà. Sau này cô về báo mộng cho gia đình biết cô đã lên Thất Sơn tu hành.
Sau này nhà của của ông Hương cả không còn nữa. Bởi khi vợ chồng ông qua đời, cô ruột của cô Hai Hiên lấy chồng Tây, ăn xài phung phí, gia sản tiêu tán nên muốn bán nhà. Nhưng chẳng ai dám mua vì sợ phạm đến cô Hai Hiên.
Khi ấy, có một người đàn ông ở làng bên muốn mua nhà, dỡ đem về cất đình nhưng cũng sợ nên chần chừ. Cho đến khi có lời đồn nếu ai mua về cất đình thì cô Hai Hiên chịu nhưng phải thờ bài vị cô cạnh bên. Nghe vậy, người đàn ông đã bàn với các cụ cao niên trong làng mua lại nhà về cất đình.
Trong thời kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, ngôi đình bị sụp đổ, chỉ còn lại nền đất trống không! Vài năm trở lại đây, người trong xã đã bỏ tiền tỷ ra trùng tu đình để đền ơn cô Hai Hiên đã phù hộ. Họ cũng xây dựng mộ cô ngay gần chợ Nga Mân – khang trang, thoáng mát và có người trông non, thắp nhang mỗi ngày.
Trong cuốn Sa Đéc xưa và nay, tác giả Huỳnh Minh đã cam đoan câu chuyện về cô Hai Hiên có thật, được thu thập từ những vị cao niên, lão làng, người thân của cô Hai Hiên.