Không súng, không chất nổ, không ồn ào, không có sự chống đối, cho đến nay, vụ cướp 1 tỷ USD của Saddam Husein vẫn được xem là vụ cướp ngân hàng lớn nhất và dễ nhất trong lịch sử thế giới.
Thế giới từng ghi nhận rất nhiều vụ cướp táo tợn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một số nhanh chóng bị lãng quên, nhưng có những vụ án người ta vẫn ghi nhớ và kể lại nhiều thập kỷ sau đó. Loạt bài “Những phi vụ cướp trấn động thế giới” sẽ hé lộ chi tiết ly kỳ sau mỗi lần gây án của những tên cướp ranh ma. |
Khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến quân vào Baghdad hồi đầu tháng 4/2003, những tên cướp đã tấn công Ngân hàng Trung ương Iraq, vốn được xây dựng như một pháo đài, bên trong chứa nhiều tài sản của quốc gia, trong đó có những kho dự trữ ngoại tệ.
Saddam Husein
Quân đội đã tìm thấy ở đó rất nhiều ống nổ và súng bắn lửa, nhưng các toán cướp không thể tiếp cận vào bên trong ngân hàng, càng không thể lọt vào kho chứa tiền. Vậy nhưng có ai đó và bằng cách nào đó đã rút được số tài sản kếch xù - khoảng 1 tỷ USD – một cách vô cùng nhẹ nhàng, trở thành vụ cướp ngân hàng lớn nhất và cũng dễ dàng nhất trong lịch sử.
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 18/3, một ngày trước khi tên lửa hành trình của Mỹ bắt đầu dội “mưa bom” xuống thủ đô Iraq, 3 xe tải lớn từ đâu lao đến và phanh gấp trước cửa Ngân hàng Trung ương. Trong vài giờ, lần lượt các thùng kim loại chứa 900 triệu USD loại tiền mệnh giá 100 USD cùng 100 triệu USD tiền euro - được xếp đầy lên khoang chứa của 3 chiếc xe, kết thúc một vụ cướp không súng, không chất nổ mà chỉ có một tờ giấy viết tay giao cho Thống đốc ngân hàng, nhấn mạnh rằng biện pháp đặc biệt này là cần thiết để ngăn chặn tiền rơi vào tay kẻ thù nước ngoài.
Những dòng chữ này là của Qusay Hussein, người đứng đầu lực lượng an ninh Iraq, con trai nhà độc tài Iraq sớm đã bị lật đổ Saddam Hussein. Nhưng bất chấp những nỗ lực của Saddam, sau này, các xe tải chở đầy tiền mặt ấy vẫn dần dần rơi vào tay người nước ngoài.
Saddam luôn mặc nhiên cho rằng tài sản của đất nước là “con lợn đất” của riêng mình. Điều hoang tưởng này được củng cố bằng thứ quyền lực khiến tất cả chỉ biết làm theo chứ không dám hé răng thắc mắc.
Vì vậy, khi Saddam, người đã đưa ra một nhận định hoàn toàn sai lầm rằng người Mỹ không bao giờ dám tấn công Iraq, ra lệnh giao 1 tỷ USD vào phút chót, không có ai ở Ngân hàng Trung ương dám lên tiếng yêu cầu việc đưa ra một lý do tài chính hợp lý. "Khi bạn nhận được một mệnh lệnh từ Saddam Hussein, bạn không cần phải thắc mắc gì hết", một quan chức giấu tên của Iraq nói với The New York Times.
Khi các quan chức Mỹ biết chuyện 1/4 kho dự trữ ngoại tệ Ngân hàng Trung ương đã bị rút, họ sợ số tiền ấy sẽ được sử dụng để tài trợ cho các lực lượng nổi dậy. Về sau, 650 triệu USD được tìm thấy đằng sau một bức tường giả trong biệt thự một người con trai khác của Saddam là Uday, người ta suy đoán đó là số tiền từ Ngân hàng Trung ương nhưng thực chất đó là số tiền mà Uday đã vơ vét được trong nhiều năm.
Theo tác giả James Risen ghi lại trong cuốn Pay Any Price, thậm chí trước khi Mỹ biết được vụ cướp ngân hàng của Saddam, quân đội Mỹ đã phát hiện hàng trăm hộp nhôm, mỗi hộp chứa khoảng 4 triệu USD mệnh giá 100 USD tại một trong các cung điện của Saddam. Số tiền này đã bí mật được chuyển đến Kuwait, nơi các quân nhân Mỹ phải cật lực đếm ngày đêm.
Khi John Taylor, thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, biết về số tiền này, ông đã yêu cầu các quan chức hàng đầu trả lại về đúng nơi của nó tại Ngân hàng Trung ương. Nhưng Nhà Trắng và Lầu Năm Góc quyết định giữ lại để sử dụng khi thấy phù hợp.
Trong những năm sau đó, các tờ tiền mệnh giá 100 USD được chi ra khá bừa bãi, cùng với hàng tỷ USD Mỹ đưa vào Iraq, đã trở thành một trong những cám dỗ lớn nhất với lính Mỹ . "Số tiền này nhanh chóng biến mất vào túi và tủ đựng đồ ăn của các cán bộ, sĩ quan và binh lính có quyền tiếp cận. Một khoản không nhỏ đã được gửi về nhà cho vợ và bạn gái họ. Vụ cướp ở Iraq từ đó mà đạt tới tầm sử thi", Risen viết.
Saddam nếu còn sống, dù có nằm mơ cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng số ngoại tệ trong “con lợn đất” của mình lại có một hành trình xa xôi đến vậy. Và cho đến ngày nay, đây vẫn là ví dụ điển hình chứng minh một vụ cướp ngân hàng quy mô không nhất thiết phải sử dụng đến những khẩu súng, thuốc nổ hay mặt nạ.