Vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra chiều ngày 4/7 tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã mang đi những đứa trẻ ngoan hiền, hiếu học của vùng quê nghèo...
Buổi chiều định mệnh
Chiều ngày 5/7, Nguyễn Thị T. vẫn còn khá khó khăn khi nói chuyện với người khác. Hôm trước, T. đã từng không thể ngồi được lên xe máy để về nhà khi chứng kiến 5 em nhỏ chết ngay trước mắt mình. “Chúng cháu cùng đi chăn bò ở cánh đồng của thôn, cháu thấy các em rủ nhau vào đầm nước, cháu ngồi trên bờ vẫn thấy các em cười đùa. Một lúc sau cháu quay lại thấy im im, rồi thấy em Oanh đang giơ tay lên cầu cứu, nước đã ngập đến cổ, đôi tay vẫy vẫy chứ không nói được gì, còn 4 em kia không thấy đâu. Cháu hoảng sợ chạy ra bờ đầm định xuống cứu các em nhưng em Oanh xa quá nên cháu không với tới. Cháu liền lấy xe đạp chạy đi gọi người lớn đang chăn bò gần đó đến cứu. Khi mọi người đến thì đã quá muộn", T. kể lại.
Còn ông Phạm Văn Thanh, 61 tuổi, ở cùng thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông là người nhận được thông tin về vụ tai nạn đầu tiên và cũng là người trực tiếp xuống vớt các cháu: “Lúc đó T. hốt hoảng nói lắp bắp nhưng tôi chỉ nghe thấy 5 đứa trẻ chết đuối là vội lấy xe máy chạy tới, trong đầu mường tượng ra khu vực nào dễ gây nên chết đuối nhất ở đây. Cũng phải mất gần 1 km để đi từ chỗ tôi đến nơi các cháu gặp nạn. Khi tôi nhảy xuống nước lạnh người khi chân chạm vào thi thể các cháu”.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc chiều ngày 4/7 .
Anh Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn xã Đông Lỗ cho biết, chiều ngày 4/7, khi đang trên đường về nhà thì anh nhận được tin báo 5 cháu bị đuối nước. Ngay lập tức, anh tìm đến nơi xảy ra sự việc thì thi thể các cháu đã được vớt lên bờ.
Theo thông tin ban đầu thì 6 em học sinh vào kỳ nghỉ hè đi chăn trâu, bò phụ giúp bố mẹ khi chơi đùa thì có hai em bị rơi xuống đầm nước. Các em còn lại đã cầm tay nhau để kéo 2 em lên nhưng rồi cuối cùng cả 5 người đều bị rơi xuống nước và tử vong.
Anh Hùng cũng chia sẻ, địa điểm nơi xảy ra vụ việc cách khá xa khu dân cư. Đây là khu hồ nước được hình thành do người dân múc đất kè đường hoặc làm gạch đã tồn tại cách đây vài năm rồi. Độ sâu nhất của khu vực này ước chừng khoảng 2-3 mét và không hề được cắm biển nguy hiểm, cấm tắm cũng không ai nghĩ đến việc cần cắm biển cảnh báo ở đây.
Ông Phạm Văn Thanh kể lại giây phút vớt thi thể các em.
Nhấn chìm những ước mơ tuổi thơ
Bà Nguyễn Thị Dung đẫm nước mắt khi nhắc đến cô con gái mới 13 tuổi, Nguyễn Thị Tươi, vừa bị tai nạn đuối nước: “Mấy hôm trước, nó bảo tôi là con đạt học sinh giỏi, mẹ thưởng con gì? Tôi hỏi con muốn gì thì nó chỉ bảo là thích một bộ sách giáo khoa lớp 7 mới tinh. Vậy là hôm qua tôi dành dụm tiền mua cho nó. Nó thích lắm nhưng ai ngờ sách vẫn còn thơm mùi mực mà nó mãi mãi không được học nữa”.
Còn ông Nguyễn Văn Trung, bố của Tươi trầm ngâm khi nói về cô con gái của mình: Tươi là con thứ 5 trong gia đình có 6 chị em nhưng là một đứa luôn có tinh thần trách nhiệm và ham học, nghe lời cha mẹ. 6 năm liền là 6 năm em đạt học sinh giỏi. Cũng như người chị gái thứ hai, Tươi mơ ước sẽ được học đại học chuyên ngành Y để sau này trở thành bác sĩ có thể cứu giúp những người bệnh/.
Gia đình anh Trung thuộc hộ cận nghèo nhưng vẫn cố gắng hết sức để cho các con đi học. “Tươi rất ngoan và đã biết giúp bố mẹ chăn bò, nấu cơm, giặt giũ quần áo. Thực sự, tôi vẫn không thể nghĩ là cháu đã bỏ chúng tôi mà đi”, anh Trung nghẹn ngào.
Anh Đào Văn Phượng, Bí thư chi đoàn thôn Hưng Đạo vẫn còn rất nhớ gương mặt của từng em. Các em đều là những học sinh gương mẫu, học tập tốt, nằm trong lớp chọn của trường. Trong đó, 3 cái tên Ngát, Oanh, Minh luôn để lại ấn tượng cho anh trong những lần gặp gỡ. Không những thế, đây đều là những hạt nhân văn nghệ của thôn.
Đặc biệt là cô bé Phạm Hồng Ngát nổi tiếng trong cả xã, huyện với giọng hát quan họ mượt mà đằm thắm, hứa hẹn sẽ là một “cây văn nghệ” mai sau. Ngát cũng đã từng “rinh” khá nhiều giải thưởng văn nghệ ở xã, huyện. “Bất cứ việc gì mà chúng tôi giao cho Ngát đều hoàn thành với tinh thần trách nhiệm cao”, anh Phượng xót xa.
Cắm biển cảnh báo tại các ao hồ nguy hiểm
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều ngày 5/7, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh cho biết, ngay sau khi biết tin, huyện đã cử lãnh đạo các ngành đến thăm hỏi, động viên gia đình. Đồng thời, UBND huyện ngay lập tức ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền mạnh trên hệ thống loa truyền thanh về các nguy cơ xảy ra tình trạng đuối nước, các cách phòng chống tai nạn đuối nước, yêu cầu các gia đình quan tâm đến con cái, ngăn chặn các cháu chơi ở các khu vực dễ xảy ra đuối nước.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu tất cả các xã rà soát lại toàn bộ các ao, hồ có khả năng gây ra tình trạng đuối nước trên địa bàn và cắm các biển cảnh báo nguy cơ đuối nước tại các ao, hồ này. "Chúng ta đã không cắm biển cảnh báo, chúng ta đã không ngăn chặn các em thì rất dễ để xảy ra tình trạng như vụ việc đáng tiếc vừa rồi. Và nhiều năm nay, chúng ta nói mãi nhưng thực ra chưa có giải pháp hữu hiệu để dạy các em tập bơi, để cảnh báo các em và dạy các em các kỹ năng cần thiết khi gặp tai nạn dưới nước”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho biết, ngay trong năm học tới, UBND huyện Hiệp Hòa sẽ yêu cầu đưa bộ môn bơi vào các trường tiểu học đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các bể bơi ngay trong các trường để từng bước tiến tới giảm hẳn tình trạng này thời gian tới.