Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, điện thoại không chỉ là phương liên lạc giữa học sinh và gia đình mà còn là công cụ đắc lực giúp các em trong việc tra từ điển, làm toán, tìm kiếm thông tin… Do vậy, nhà trường không nên cấm các em mang điện thoại đến trường.
Chiều 17/2/2014, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một thầy giáo trẻ tát liên tiếp vào mặt 2 học sinh sau đó bị học sinh đánh trả. Sự việc được xác định xảy ra trong giờ học môn Hóa học ngày 20/1 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Giáo viên trong clip là Trần Anh Tuấn đã tát liên tiếp vào đầu và mặt 2 học sinh Nguyễn Phúc Nghĩa và Nguyễn Thanh Long. Bức xúc quá nên em Long lên gối đánh trả lại thầy giáo.
Ngay sau đó có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc học sinh ghi lại clip thầy giáo tát học sinh trong lớp. Có ý kiến nói rằng học sinh quay clip đã vi phạm quy định vì trường cấm mang điện thoại vào lớp học nên sẽ có hình thức xử lý học sinh này. Tuy nhiên, nhiều người khác lại nói hành động của em học sinh đáng hoan nghênh vì giúp cho nhiều người biết có cảnh “bạo lực” trong trường học.
“Không quá cứng nhắc với quy định”
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, điện thoại chỉ là phương tiện liên lạc giữa phụ huynh và các em học sinh. Hằng ngày, các em mang điện thoại đến trường để tiện cho việc liên lạc với gia đình hay tra cứu tài liệu, từ điển, cập nhập thông tin là nhu cầu cần thiết.
“Tôi nghĩ, nhà trường chỉ nên cấm học sinh mang điện thoại vào phòng thi. Còn trong giờ học, học sinh có thể mang điện thoại vào phòng nhưng giáo viên sẽ yêu cầu tắt chuông, thậm chí giáo viên có thể thu điện thoại sau đó cuối giờ trả lại cho học sinh”, PGS.TS Nhĩ chia sẻ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, (ảnh: báo infonet)
PGS.TS Nhĩ cho hay, thời đại ngày nay, học sinh được sử dụng điện thoại sẽ hữu ích về nhiều mặt. Các em thuận lợi trong việc cập nhập thông tin cho bài học, tra từ điển, học toán trên mạng. Mặt khác, bố mẹ các em cũng dễ dàng biết được thông tin con mình đang ở đâu, có đến trường hay không, có bỏ học đi chơi không…
“Xem qua clip thầy giáo tát học sinh ở Bình Định, tôi thấy em học sinh phát hiện ra hành động không tốt của thầy giáo và quay lại video clip là điều đáng khen, đáng biểu dương. Mặt khác, tôi thấy bên Bộ GD-ĐT cũng chưa có quy định nào về việc cấm học sinh mang điện thoại trong lớp học nên không thể kỷ luật các em”, ông Nhĩ nói.
Ông dẫn chứng, khi ông sang bên nước Singapore thấy các em học sinh phổ thông bên đó đều sử dụng điện thoại và nhà trường, phụ huynh đều ủng hộ. Học sinh được nhà trường phổ biến, khuyến khích học điều hay áp dụng cho việc học tập thông qua việc sử dụng điện thoại. Bên đó, các trường cũng không có quy định cấm học sinh mang điện thoại vào lớp học.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng cho biết, nhà trường có thể cho học sinh mang điện thoại vào lớp nhưng đến giờ thầy có giảng bài thì yêu cầu các em tắt chuông. Như vậy, đến khi ra chơi học sinh có việc cần vẫn có thể liên hệ với gia đình, hoặc các em thắc mắc nội dung nào trong bài vừa học vẫn có thể vào mạng tìm hiểu thêm thông tin.
“Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, học sinh nào cũng có thể dễ dàng mua cho mình được chiếc điện thoại thông minh (smatphone). Do vậy, thầy giáo sau những bài giảng trên lớp cũng có thể gợi ý cho học sinh vào trang website hay để tìm hiểu tài liệu học tập, học thêm kiến thức. Nhà trường cũng nên linh hoạt trong quy định cấm học sinh mang điện thoại đến lớp, không vì quy định mà gây áp lực cho các em’, TS Vỳ nói.
“Nên ủng hộ học sinh sử dụng điện thoại”
Anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang theo học tại trường THPT Bắc Hà, quận Đống Đa cho biết, học sinh thuộc lớp trẻ, rất nhạy cảm với cái mới nên không thể cấm các em sử dụng điện thoại được. Tốt nhất chỉ nên giáo dục và hướng học sinh sử dụng sao cho đúng mục đích.
“Bản thân tôi cũng trang bị cho con trai một chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc hàng ngày. Nhiều lúc tôi thấy con dùng điện thoại tra cứu những kiến thức mới, có ích cho việc học, ngẫm lại tôi thấy việc sắm điện thoại cho con thật không uổng chút nào”, anh Nam chia sẻ thêm.
Cùng chung quan điểm với anh Nam, chị Nguyễn Cẩm Vân quận Cầu Giấy, có con theo học tại trường THPT Nguyễn Tất Thành kể, trước đây, gia đình chị có suy nghĩ nếu để cho bọn trẻ sử dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Tuy nhiên, sau khi tham khảo và hỏi hạn ý kiến bạn bè, gia đình chị đã quyết định sắm cho con một chiếc điện thoại. Chị Vân nghĩ rằng làm như vậy sẽ kiểm soát được con cái đi đâu, làm gì… Đồng thời, đó cũng là phương tiện để con cái giải trí và trao đổi kinh nghiệm học tập.
Bà Nguyễn Thu Hương, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên, quận Đống Đa cho biết, theo quy định chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh không được mang điện thoại tới trường. Tuy nhiên, nhà trường cũng tạo điều kiện để các em học sinh có thể mang điện thoại theo bên mình.
“Tới giờ lên lớp, chúng tôi yêu cầu toàn bộ học sinh phải tắt điện thoại, không để ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức. Sau khi tan học, các em có thể dùng điện thoại liên hệ gia đình tới đón. Thậm chí, nhiều em sử dụng điện thoại để học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng, đó cũng là điều tốt”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, nếu bắt gặp học sinh nào vi phạm nội quy sử dụng điện thoại trong giờ học, nhà trường sẽ thu lại điện thoại và bàn giao cho phụ huynh. Đồng thời, nhắc nhở học sinh đó lần sau không được tái phạm.
Bà Hương cũng cho rằng, em Đào Duy Tùng – người quay clip trong vụ thầy giáo đánh học sinh tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định là sai vì đã vi phạm nội quy nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải linh hoạt vì nếu không có những hành động đó của em thì sẽ không ai biết được hành động bạo hành của thầy giáo. Vì vậy, Tùng nên được biểu dương hơn là trách phạt.
Xem lại clip "HS đánh trả thầy trên bục giảng":