Vụ sập cầu ở Lai Châu: Đừng đổ lỗi cho đám tang

Ngày 26/02/2014 11:12 AM (GMT+7)

Các chuyên gia kết cấu xây dựng đánh giá nguyên nhân sập cầu treo là do đứt móc neo, không phải do đứt cáp. Người đưa tang trên cầu có nhiều hơn bình thường nhưng chưa thể vượt quá tải trọng thiết kế và khả năng xảy ra cộng hưởng là không có.

Ngày 24/2, tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đã xảy ra sự cố sập cầu treo. Sự cố khiến cầu lật ngửa, hơn 40 người có mặt trên cầu rơi xuống suối với độ cao khoảng 15m. Đã có 8 người chết, 38 người bị thương.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu, cầu treo Chu Va 6 có chiều dài 54m, cao 9m, tải trọng thiết kế cây cầu là 1,5 tấn. Cầu được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012.

Cầu treo ghi rõ trọng tải 1,5 tấn (chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc) nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.

Lãnh đạo huyện Tam Đường cho biết, trên hiện trường có thể thấy cầu đã bị đứt móc neo tăng đơ của dây cáp cầu. Nguyên nhân do số lượng người cùng một lúc di chuyển quá lớn, vượt quá tải trọng thiết kế. Cầu sập khiến nhiều người rơi xuống lòng suối cạn nhiều đá tảng lởm chởm...

Theo một số chuyên gia kết cấu xây dựng, nếu cây cầu dài 54m (rộng thông thường từ 1 – 2 m), thì không thể có chuyện tải trọng toàn bộ cầu chỉ 1,5 tấn.

Bởi tải trọng tối thiểu cho cầu treo dành cho người đi bộ và xe thô sơ là 300kg/m2. Ví dụ, nếu cây cầu dài 54m, rộng 1m thì tải trọng trên toàn bộ cầu khoảng 15 tấn.

Các chuyên gia cho rằng, chiều rộng của cầu treo thiết kế cho người đi bộ và xe thô sơ thông thường ở mức 1 đến 2m.

Vụ sập cầu ở Lai Châu: Đừng đổ lỗi cho đám tang - 1

Cây cầu nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm ở Lai Châu

Trao đổi với Khampha.vn sáng 26/2, GS.TS Nguyễn Đình Cống, GS chuyên ngành kết cấu bê tông cốt thép của Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Tôi không được xem trực tiếp mà chỉ nhận thông tin qua báo chí, theo tin ban đầu thì "bị đứt cáp", sau mới thấy ảnh "đứt móc của tăng đơ".

Ông cũng cho biết, có ý kiến dựa vào tải trọng thiết kế 1,5 tấn và nhận xét cầu bị sập do tải trọng vì số người qua cầu đi dự đám tang quá lớn.

"Tôi không tin là tải trọng quá lớn, vì tuy người đưa tang trên cầu có nhiều hơn bình thường nhưng chưa thể vượt quá tải trọng thiết kế và khả năng xảy ra cộng hưởng là không có"- GS Cống nói.

GS Cống nhận định:" Nguyên nhân trước mắt do đứt móc là rõ ràng. Nhưng tôi muốn tìm nguyên nhân sâu xa từ thiết kế, thi công hoặc của giám sát đã dẫn tới chất lượng kết cấu không bảo đảm nên mới bị đứt khi chịu lực chưa lớn lắm".

Theo GS Cống, riêng con số 1,5 tấn, có lẽ được viết vào biển báo đầu cầu (trong vòng tròn đỏ), ý nói rằng cấm xe có trọng tải quá 1,5 tấn. Theo ông đó không phải là tải trọng phân bố trên mét dài, càng không phải là tải trọng toàn bộ cầu.

Ngày 25/2, tại tỉnh Lai Châu, đoàn công tác của Bộ GTVT có đánh giá sơ bộ nguyên nhân tai nạn trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh này.

Báo chí ngày 25/2 dẫn lời ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lí xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho hay, kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng có tải trọng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp.

Theo ông Sanh, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng. Nên ở đây, tai nạn đã xảy ra do đứt móc neo - chính là vị trí chịu tải yếu nhất.

Ông Trần Quốc Toản - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng, cho rằng nguyên nhân đứt móc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng.

Trước đó, sáng ngày 24/2 tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc đứt dây văng cáp cầu treo làm 8 người chết và 38 người bị thương.

Cụ thể, trong lúc người dân đưa đám tang ông Chang A Súa (SN 1986, Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Bình) qua cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình huyện Tam Đường, thì xảy ra sự cố đứt móc neo kéo cáp cầu treo. Sự cố khiến cầu lật ngửa, làm cho toàn bộ đoàn người (hơn 40 người) đưa tang rơi xuống suối với độ cao khoảng 15m.

Chiều tối ngày 25/2 – một ngày sau vụ tai nạn, UBND tỉnh Lai Châu có văn bản chính thức phát ngôn về sự cố đứt cầu treo tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Hậu quả, tính đến 16g cùng ngày đã có 8 người chết, trong đó 3 người chết tại chỗ, 4 người chết trên đường đưa đi cấp cứu, 1 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và 38 người bị thương.

Tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường; làm sạch môi trường nơi xảy ra sự việc; phong tỏa hai bên đầu cầu và bắc cầu, mở đường tạm cho nhân dân đi lại, ổn định đời sống, sản xuất và an ninh trật tự...

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh Lai Châu đã ban hành công điện chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn giao thông, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra an toàn kỹ thuật toàn bộ các công trình giao thông trên địa bàn, đặc biệt các công trình cầu, cống.

Văn bản phát ngôn của tỉnh cho hay: “Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ”.

Theo Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan